Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:32 (GMT +7)
Điện ảnh Việt đang trong thời kỳ vàng vì khán giả yêu phim nội
Thứ 7, 24/06/2023 | 23:49:08 [GMT +7] A A
Điện ảnh Việt đang nhận được sự ủng hộ của khán giả trong nước, là thời điểm tốt để các nhà làm phim chung tay đưa ngành phim đi lên.
Sau những nỗi thất vọng về chất lượng phim Việt năm 2022, điện ảnh Việt đầu năm nay có cuộc bứt phá thần tốc khi thu về nghìn tỉ, đặc biệt nổi bật với hai tác phẩm Nhà bà Nữ (đạo diễn Trấn Thành) và Lật mặt: Tấm vé định mệnh (đạo diễn Lý Hải).
Tại sự kiện The Business of Film in Vietnam mới đây, các chuyên gia uy tín trong ngành điện ảnh Việt cho rằng đây là thời điểm vàng để nhà làm phim chung tay đẩy ngành đi lên, xây dựng thương hiệu và niềm tin vững chắc trong lòng khán giả.
Doanh thu điện ảnh Việt có thể vào top 20 thế giới
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm cho rằng ở bất cứ giai đoạn nào, khán giả Việt cũng yêu phim Việt.
Những bộ phim có thể gây ra sự tranh cãi, đi sâu vào cuộc sống con người Việt Nam sẽ được khán giả đón nhận.
Với dân số trẻ, và số lượng khoảng 100 triệu người, Lê Hồng Lâm tin rằng Việt Nam có thể lọt top 15 hoặc top 20 những quốc gia có doanh thu phòng vé cao nhất thế giới, nếu như được đầu tư, được quan tâm đúng mức.
Đồng quan điểm, đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cảm thấy khán giả Việt vừa khó tính, vừa dễ tính, luôn mong muốn được xem những điều mới mẻ.
"Đây là cơ hội để các nhà làm phim trẻ thể hiện tiếng nói mới hoặc khai thác những đề tài cũ theo cách kể chuyện mới.
Như trường hợp của Phạm Thiên Ân với giải thưởng tại Cannes, mang đến rất nhiều nguồn cảm hứng cho các nhà làm phim" - anh đánh giá.
Tổng giám đốc Galaxy, anh Lương Công Hiếu chỉ ra rằng Việt Nam là nước có khán giả yêu phim nội địa lớn nhất Đông Nam Á.
Ngoài ra, chi phí sản xuất phim Việt hiện rất rẻ (chỉ khoảng 1/10 so với tiêu chuẩn của điện ảnh Hàn Quốc). Vì vậy, theo anh, thị trường phim Việt có cơ hội rất lớn để đầu tư trong tương lai.
"Điện ảnh rất nhục nhã nếu không có tiền"
Từ góc độ của nhà sản xuất, chị Trần Thị Bích Ngọc bày tỏ sự lo lắng về việc đào tạo điện ảnh trong nước chưa theo kịp nhu cầu sản xuất, đặc biệt là khâu biên kịch. Nếu không có kịch bản tốt, rất khó khăn để tìm kiếm được nhà đầu tư, nhà phát hành sau này.
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm lạc quan hơn khi cho rằng Việt Nam hiện đang trên đà phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực cho điện ảnh, từ chính quy đến những lớp học tư nhân, nhưng điều quan trọng là phải "đào tạo đúng".
Theo anh, với nhà làm phim, dù có được đào tạo chính quy hay không thì quan trọng vẫn là sự "tự học".
Tinh thần cầu tiến, nỗ lực cải thiện bản thân, cùng yếu tố năng khiếu, tố chất quan trọng hơn việc đào tạo trường lớp.
Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc cũng quan ngại về vấn đề tìm kiếm kinh phí cho các nhà làm phim, đặc biệt là với dòng phim độc lập.
"Điện ảnh rất nhục nhã nếu không có tiền. Quá trình xin tiền có những điều khiến nhà làm phim bị ràng buộc, không được tự do trong sáng tác.
Nếu tiền đầu tư không đến từ những nguồn hỗ trợ trong nước, việc nhà làm phim bảo vệ được quyền của mình trong tác phẩm là điều rất khó khăn" - chị đánh giá.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh cho biết thủ tục về việc lập quỹ hỗ trợ điện ảnh ở Việt Nam rất khó và chưa có chính sách cụ thể cho việc đó.
Hơn nữa, nhiều nhà đầu tư nghĩ rằng đầu tư vào điện ảnh không đem lại lợi ích lớn nên có phần chùn tay.
Trong khi đó, nhà phê bình Lê Hồng Lâm tin rằng khi thị trường điện ảnh mạnh lên, có những bộ phim Việt dẫn đầu phòng vé, các nhà làm phim độc lập cũng sẽ dần có chỗ đứng hơn, đồng thời kích thích các nhà đầu tư mạnh dạn bỏ tiền hơn cho dòng phim này.
"Ngành làm phim là ngành rất khó khăn, nhưng cơ hội vẫn có. Chúng ta đang trong giai đoạn gieo mầm chứ chưa thể có ngay sự đột phá" - Lê Hồng Lâm nhận xét.
Đồng quan điểm, anh Lương Công Hiếu cũng chia sẻ: "Theo tôi, tiền đầu tư vẫn có chứ không phải không có. Điều quan trọng là nhà làm phim có tìm đúng cửa hay không. Đương nhiên, cơ hội sẽ chỉ đến khi bạn có một kịch bản tốt, một dự án tốt để khiến họ tin tưởng".
Theo Tuoitre.vn
Liên kết website
Ý kiến ()