Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 17:58 (GMT +7)
Điểm thi cao vẫn trượt đại học: Đổi mới tuyển sinh thế nào?
Thứ 7, 02/10/2021 | 09:58:25 [GMT +7] A A
Điểm chuẩn đại học tăng mạnh, khiến thí sinh, giáo viên hoang mang, vậy để khắc phục tình trạng này các trường cần đổi mới tuyển sinh thế nào?
Mùa tuyển sinh 2021 ghi nhận nhiều kỷ lục về điểm chuẩn, một số ngành học vượt ngưỡng điểm tuyệt đối hay những ngành tăng gần 11 điểm so với năm ngoái. Để tránh điểm chuẩn đại học các năm tới tăng mạnh, chuyên gia cho rằng cần đổi mới thi tốt nghiệp THPT. Song song với đó, các trường cũng cần tăng cường phương thức tuyển sinh riêng, giảm dần sự phụ thuộc vào xét điểm thi.
Theo TS Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia, kỳ thi tốt nghiệp THPT đang phải gánh quá nhiều mục tiêu, vừa muốn xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, vừa muốn giảm áp lực thi cử, giảm tốn kém, điều này gần như không thể. Điều này giống như một phương trình, nếu quá nhiều biến thì kết quả sẽ vô nghiệm.
Để đổi mới tuyển sinh, chúng ta không nhất thiết phải quay lại kỳ thi "ba chung" như trước, mà có thể tham khảo mô hình từ các trung tâm khảo thí riêng hay kỳ thi riêng như SAT hoặc ACT của Mỹ. Tất nhiên, chúng ta sẽ có những điều chỉnh phù hợp điều kiện thực tế của Việt Nam.
Theo đó, cả nước sẽ thành lập một số trung tâm khảo thí cấp quốc gia hoặc trực thuộc trường đại học lớn, thực hiện nhiệm vụ tổ chức thi đánh giá năng lực học sinh.
Khi đó, thí sinh có thể thi quanh năm, nhiều lần và dùng kết quả cao nhất để đăng ký xét tuyển đại học. Với mô hình này, áp lực tại mỗi lần thi sẽ giảm đáng kể. Mục đích chính là tách việc thi cử ra khỏi tuyển sinh, tạo điều kiện cho thí sinh tự phân loại, sàng lọc để đăng ký vào các trường đại học theo kết quả thi và phù hợp với năng lực thực sự của bản thân.
Các trường đại học hoàn toàn có thể quyết định tuyển sinh theo kết quả kỳ thi này và kết hợp áp dụng với những kỳ thi riêng, kỳ thi năng khiếu sao cho phù hợp mục tiêu đào tạo của từng trường.
Ông Hiệp cho rằng, việc thành lập các trung tâm khảo thí là câu chuyện của vài năm tới, còn hiện tại, khi chưa đủ năng lực kỹ thuật để thực hiện mô hình trên thì vẫn cần thiết thực hiện kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cần nêu cao vai trò điều tiết và can thiệp sâu hơn. Đến khi nào các trung tâm khảo thí độc lập đi vào hoạt động ổn định, vai trò của Bộ GD&ĐT sẽ chuyển dịch theo hướng "kiểm soát từ xa" và "hậu kiểm".
Bộ quản lý các trung tâm khảo thí, ra quy định, nguyên tắc về đề thi và quy trình thi và giám sát việc tổ chức kiểm tra, đánh giá của các trung tâm.
Các trung tâm sẽ trực tiếp vận hành. Mô hình này tương tự mô hình của các trung tâm kiểm định chất lượng hiện nay. Nếu nhìn rộng sang bên ngành giao thông, mô hình này cũng có phần hơi giống việc Bộ Giao thông Vận tải quản lý các trung tâm sát hạch lái xe.
TS Lê Đông Phương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng, yêu cầu thành lập ngay trung tâm khảo thí hay bài thi chuẩn hóa đáp ứng yêu cầu tuyển sinh của các trường đại học trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam là không khả thi.
Để giảm dần sự phụ thuộc vào kết quả thi tốt ghiệp THPT và chuyển sang các kỳ thi đánh giá năng lực riêng mỗi trường cần giai đoạn chuyển tiếp. Còn hiện Bộ GD&ĐT nên điều chỉnh lại kỳ thi tốt nghiệp THPT để sàng lọc những thí sinh khá, giỏi, xuất sắc giúp các trường tự tin hơn khi xét tuyển điểm thi. Cùng với đó, từng bước xây dựng các trung tâm khảo thí để 3 đến 4 năm tới đại trà hóa các bài thi, khuyến khích nhóm các trường đại học sử dụng các kỳ thi phù hợp với yêu cầu ngành nghề đào tạo.
Vị chuyên gia cho rằng, cần tách bạch hai kỳ thi xét tuyển sinh và thi tốt nghiệp THPT vì mục đích khác nhau. Kỳ thi tốt nghiệp mang tính đại chúng, còn xét tuyển sinh đại học lại mang tính chuyên sâu nên không thể dùng 1 kết quả để đạt được 2 mục tiêu như những năm vừa qua.
Hiện nay, việc hai đại học quốc gia tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực hay bài kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội là hướng đi đúng đắn để chọn được sinh viên vào học phù hợp.
Theo ông, nếu Bộ GD&ĐT tháo khoán cho các trường tổ chức kỳ thi sẽ dẫn đến tình trạng giống như trước đây là “3 chung”, nhà nhà tổ chức luyện thi, trường nào cũng tổ chức thi. Vì vậy, cần sự định hướng của Bộ GD&ĐT để tránh tình trạng nở rộ các kỳ thi riêng.
"Chỉ cần 4 đến 5 bài thi nhưng đủ đa dạng đáp ứng yêu cầu khác nhau của các trường. Ví dụ như bài kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội có thể thống nhất sử dụng trong khối trường đào tạo tự nhiên hay kỹ thuật. Còn bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội phù hợp các ngành, trường đại học liên quan đến văn hoá, khoa học xã hội", TS Lê Đông Phương đề xuất.
TS Nguyễn Thái Duy, Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, các trường nên học tập phương thức tuyển sinh của khối trường công an nhân dân. Theo đó, các trường xét tuyển kết hợp giữa kết quả thi THPT quốc gia (chiếm 75% điểm xét tuyển) và kết quả học bạ THPT (chiếm 25% điểm xét tuyển), yêu cầu điểm trung bình học bạ những môn trong tổ hợp xét tuyển phải đạt từ 7,0 điểm trở lên.
Quy định này đã phát huy tác dụng khi mùa tuyển sinh năm nay, 55 thí sinh nam đạt từ 29,5 điểm trở lên dù đủ điểm đỗ nhưng vẫn bị đánh trượt do không đảm bảo tiêu chuẩn về học bạ. Kiểm soát độ chênh lệch giữa điểm thi và điểm học tập là cách làm khá chặt chẽ, đúng thực lực thí sinh.
Theo vtc
- Bộ GD&ĐT chia sẻ về những 'điểm lạ' trong phổ điểm thi tốt nghiệp THPT đợt 1
- Công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2021
- Bộ GD-ĐT: Từ 0h ngày 26/7, bắt đầu công bố điểm thi tốt nghiệp THPT
- Ngày 26/7 sẽ công bố điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông
- Bộ GD-ĐT tìm “phao” cứu thí sinh điểm cao trượt đại học
- 61 thí sinh đạt từ 29,5 điểm trở lên vẫn trượt đại học
Liên kết website
Ý kiến ()