Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:15 (GMT +7)
Tiên Yên: Điểm sáng về ứng dụng KHCN
Thứ 6, 16/06/2023 | 15:00:40 [GMT +7] A A
Huyện Tiên Yên hiện là điểm sáng của tỉnh trong các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KHCN với nhiều thành tựu nổi bật về lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, giáo dục, y tế... Hoạt động KHCN ngày càng mở rộng, gắn kết chặt chẽ giữa nghiên cứu, ứng dụng với sản xuất, đời sống, nhu cầu của xã hội, trở thành động lực phát triển bền vững.
Gà Tiên Yên là một trong những sản phẩm OCOP chủ lực của huyện Tiên Yên. Để tiếp tục nâng tầm cho thương hiệu nông sản này, một trong những giải pháp của huyện là nghiên cứu, ứng dụng công nghệ trong phối trộn khẩu phần thức ăn phù hợp cho đàn gà bản địa.
Tháng 3/2021, UBND huyện ban hành Quyết định số 771/QĐ-UBND về việc phê duyệt nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở: Ứng dụng khẩu phần thức ăn tự phối trộn từ nguồn nguyên liệu sẵn có nhằm nâng cao chất lượng thịt và hiệu quả chăn nuôi gà Tiên Yên thương phẩm. Dự án này do Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì tổ chức thực hiện. Sau khi hoàn thành điều tra thực trạng sản xuất chăn nuôi gà Tiên Yên trên địa bàn huyện trong tháng 4/2022; hiện có 3 cơ sở chăn nuôi tại 3 xã là Yên Than, Phong Dụ, Đông Ngũ, trực tiếp tham gia Dự án từ các khâu lựa chọn con giống, đặt mua máy trộn thức ăn... với quy mô 3.600 con; tổng kinh phí thực hiện Dự án là 1,564 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp KHCN ngân sách huyện và vốn của đơn vị chủ trì, vốn đối ứng của đơn vị phối hợp. Sau hơn 1 năm triển khai, Dự án đã mang lại nhiều lợi ích lớn cho các cơ sở chăn nuôi nói riêng, huyện Tiên Yên nói chung. Quy trình chăn nuôi được đồng nhất ở tất cả các trang trại, đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường về thực phẩm an toàn; góp phần nâng tầm thương hiệu sản phẩm OCOP gà Tiên Yên.
Huyện cũng ứng dụng KHCN xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực, như: Mật ong Tiên Yên, xây dựng nhãn hiệu chứng nhận rượu Ba kích Quảng Ninh và nhãn hiệu chỉ dẫn địa lý Ngán Quảng Ninh...; ứng dụng công nghệ sinh học, quy trình sản xuất an toàn, nhân rộng các mô hình đã được thử nghiệm và đem lại hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất; xây dựng các vùng nuôi trồng tập trung; gắn sản xuất với chế biến và mở rộng thị trường.
Huyện còn đẩy mạnh ứng dụng KHCN trong ngành Giáo dục, Y tế; từng bước chuyển đổi số toàn diện. Trung tâm Y tế huyện đã đẩy mạnh ứng dụng các phần mềm: Quản lý bệnh viện, quản lý tiêm chủng, quản lý CBCCVC..., giúp kết nối liên thông các cơ sở dữ liệu, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Theo ông Bùi Văn Thế, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, đến nay, các phòng của Trung tâm đều sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản, điều hành công việc và thư điện tử công vụ, kết nối liên thông dữ liệu thanh toán BHYT đối với cơ quan BHXH... Các cơ sở từ tuyến huyện đến xã đầu tư trang thiết bị, hạ tầng khám, chữa bệnh hiện đại, góp phần nâng cao chất lượng y tế, tạo niềm tin trong nhân dân.
"Bây giờ đến Trung tâm Y tế huyện để khám, chữa bệnh, các thủ tục giấy tờ, hướng dẫn khám, chữa bệnh rất cụ thể và nhanh. Nếu như trước kia chúng tôi phải chờ cả tiếng đồng hồ cho việc làm thủ tục khai báo thông tin cá nhân, thì nay chỉ mất khoảng 15 phút" - Chị Lò Thị Mến (xã Hà Lâu) chia sẻ.
Với mục tiêu ứng dụng thành tựu KH&CN vào các chiến lược phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, thời gian tới huyện tiếp tục đưa ra các giải pháp quy mô. Trong đó, tiếp tục ứng dụng KHCN tiên tiến phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp, xây dựng các nhãn hiệu hàng hóa đặc trưng; trong khám, chữa bệnh, xử lý môi trường; trong thông tin truyền thông, bưu chính viễn thông, ngân hàng, tài chính, thương mại, quốc phòng, an ninh, quản lý cơ sở dữ liệu, quản lý công việc.
Hoàng Yến
Liên kết website
Ý kiến ()