Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:47 (GMT +7)
Dịch vụ xoa bóp tẩm quất giúp người khiếm thị vươn lên ổn định cuộc sống
Thứ 5, 11/05/2023 | 16:48:02 [GMT +7] A A
Những năm qua, đào tạo nghề luôn là vấn đề được Hội Người mù tỉnh Quảng Ninh quan tâm, nhằm tạo công việc phù hợp và thu nhập ổn định cho hội viên. Trong đó, dịch vụ xoa bóp tẩm quất, bấm huyệt được xác định là nghề chính để giải quyết công ăn việc làm cho người khiếm thị.
Tại trụ sở Hội Người mù tỉnh Quảng Ninh thường xuyên có các lớp đào tạo nghề xoa bóp tẩm quất do Hội phối hợp với Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh tổ chức. Mỗi khóa học sẽ kéo dài 3 tháng, có khoảng 6 - 10 học viên, mỗi tuần học từ 3 – 4 buổi theo hình thức cầm tay hướng dẫn trực tiếp. Cuối khóa, các học viên phải vượt qua kỳ thi đánh giá kết quả học tập rồi mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
Đã nhiều năm tham gia dạy nghề xoa bóp tẩm quất cho các hội viên Hội Người mù, bà Phạm Thị Tuyết Minh – Giáo viên Bộ môn Đông y, Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh cho biết: “Do đối tượng học nghề là người khiếm thị, chúng tôi luôn phải điều chỉnh chương trình, phương pháp đào tạo cho phù hợp với từng học viên mà vẫn đảm bảo quy định chung của nhà trường. Mong rằng thời gian tới sẽ có thêm nhiều lớp dạy nghề như thế này để giải quyết việc làm cho người khiếm thị, đồng thời góp phần chăm sóc sức khỏe cho nhân dân trong tỉnh”.
Từ năm 2008 đến nay, Hội Người mù tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức được 9 lớp dạy nghề xoa bóp tẩm quất cho gần 90 lượt hội viên. Hiện Tỉnh Hội có 2 cơ sở dịch vụ xoa bóp tẩm quất. Cùng với đó là 12 tổ, nhóm do hội viên đứng ra thành lập và quản lý. Tổng doanh thu hàng năm là gần 4,6 tỷ đồng, tạo việc làm cho gần 90 hội viên với thu nhập bình quân từ 2,5 – 3 triệu đồng/người/tháng. Chất lượng dịch vụ xoa bóp tẩm quất của người khiếm thị ngày càng được nâng lên, đem lại sự tin tưởng và hài lòng cho khách hàng.
Bà Vũ Thị Ngọc – Phó Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Trước đây, Hội Người mù tỉnh đã thí điểm tổ chức một số lớp dạy các ngành nghề khác như: làm tăm tre, đan lát, nhạc hiếu... song qua khảo sát thực tế, chúng tôi thấy xoa bóp tẩm quất vẫn là công việc đem lại thu nhập tốt và có hiệu quả với người khiếm thị hơn cả. Nghề này giúp cho hội viên có cơ hội được giao lưu với khách hàng, giao lưu chia sẻ với các bạn đồng tật, tạo cho họ niềm tin vào bản thân và tổ chức Hội Người mù”.
Từng theo học lớp dạy xoa bóp tẩm quất do Hội Người mù tỉnh Quảng Ninh tổ chức, từ năm 2022 đến nay, chị Đoàn Thị Ninh (Hội viên Hội Người mù TP Hạ Long) đã tự tin thành lập cơ sở riêng tại phường Hà Tu. Vượt qua những khó khăn trong giai đoạn khởi nghiệp, đến nay, cơ sở của chị đã hoạt động ổn định, tạo công ăn việc làm cho chị và 3 hội viên khác. Với thu nhập bình quân từ 3 – 4 triệu đồng/người/tháng, họ không chỉ nuôi sống được bản thân mà còn phụ giúp phần nào cho gia đình.
Chị Ninh chia sẻ: “Chúng tôi rất vui khi được làm công việc này vì nó đã đem lại thu nhập ổn định, đồng thời tạo điều kiện để chúng tôi được giao lưu, chia sẻ cùng nhau và hòa đồng với mọi người. Vì vậy, anh chị em luôn cố gắng nâng cao tay nghề để phục vụ khách hàng tốt hơn. Nếu mọi việc thuận lợi, tôi dự định mở thêm một số cơ sở dịch vụ xoa bóp tẩm quất khác để tạo công ăn việc làm cho những người cùng hoàn cảnh”.
Tại Quảng Ninh, hiện nhiều người khiếm thị có tay nghề xoa bóp tẩm quất giỏi đã có thể tự chủ về kinh tế, từ đó phấn khởi, lạc quan hơn trong cuộc sống và tự tin hòa nhập với cộng đồng.
Hương Giang
Liên kết website
Ý kiến ()