Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 07/11/2024 04:31 (GMT +7)
Tăng trưởng bứt phá trong lĩnh vực dịch vụ
Thứ 6, 31/03/2023 | 14:51:55 [GMT +7] A A
Bước qua giai đoạn khó khăn của đại dịch Covid-19, KT-XH của tỉnh Quảng Ninh quý I/2023 phục hồi mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP ước đạt khoảng 8,06%. Quảng Ninh nằm trong tốp đầu cả nước, điểm sáng của phía Bắc, tiếp tục khẳng định đà phát triển của một địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP 2 con số trong 7 năm liên tiếp, quy mô đứng thứ 3 ở phía Bắc, thứ 7 cả nước. Trong đó, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế là khu vực dịch vụ với sự phục hồi mạnh mẽ của ngành Du lịch, đóng góp 4,04 điểm %, chiếm 30,6% trong GRDP của tỉnh.
Năm 2023, tỉnh đã định hướng phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại giữ vai trò chủ đạo, khôi phục mạnh mẽ ngành Du lịch linh hoạt thích ứng, an toàn với dịch Covid-19. Trong đó, tỉnh chỉ đạo triển khai các đề án phát triển du lịch; tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước; chủ động liên kết với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế. Tỉnh cũng chỉ đạo phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch, sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, khác biệt, có lợi thế của du lịch Quảng Ninh gắn với các khu vực động lực phát triển du lịch. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, phát triển các loại hình, hoạt động kinh tế ban đêm, góp phần tăng chi tiêu, nâng cao hiệu quả hoạt động du lịch.
Tỉnh cũng định hướng đẩy mạnh phát triển mạnh mẽ thương mại điện tử và kinh tế số ngày càng trở thành phương thức thương mại chủ đạo trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa; khai thác hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông liên kết vùng và hợp tác quốc tế đồng bộ để tập trung phát triển một số ngành, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, khả năng cạnh tranh cao, như: Dịch vụ du lịch; dịch vụ logistics và vận tải đa phương thức; dịch vụ tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử, thương mại biên giới, dịch vụ phân phối; dịch vụ y tế, giáo dục và đào tạo...
Từ việc kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong hơn 3 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã nhanh chóng thích ứng, triển khai đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ. Trong đó, đẩy mạnh thu hút du lịch tâm linh, văn hóa ngay từ tháng đầu năm; xây dựng những sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao tại các địa bàn, như: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Uông Bí, Móng Cái, Cô Tô..., nhất là sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Vân Đồn, Cô Tô và sản phẩm du lịch, dịch vụ về đêm, trên bờ, dưới Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long...
Ngành Du lịch tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kích cầu du lịch; tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội; chủ động khai thác mọi cơ hội để phục hồi thị trường quốc tế, thích ứng an toàn, phát triển nhanh; các điểm đến tâm linh (chùa Yên Tử, đền Cửa Ông, chùa Cái Bầu...)...
Tỉnh cũng đã tổ chức Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023, thu hút trên 350 đại biểu, đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương, các tổ chức, hiệp hội, chuyên gia, diễn giả du lịch... Tại hội nghị, nhiều giải pháp được đề cập để Quảng Ninh thu hút 15 triệu lượt du khách năm 2023, chuyển đổi số du lịch. Tỉnh đã công bố 4 dòng sản phẩm du lịch: Du lịch biển đảo; du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái cộng đồng; du lịch biên giới, nhằm tận dụng thế mạnh về tài nguyên tự nhiên và văn hóa. Đồng thời, ký kết các thỏa thuận hợp tác với một số địa phương: Hải Phòng, Cần Thơ, Đồng Nai... Qua đây, tỉnh đã truyền thông mạnh mẽ đến cộng đồng doanh nghiệp, người dân, du khách về quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc hoàn thành mục tiêu đã đề ra cho lĩnh vực du lịch trong năm 2023.
Sự kiện ngày 15/3 tại cặp cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc) đã chính thức mở cửa đón khách du lịch trở lại, đã tiếp tục tạo sự sôi động cho du lịch Quảng Ninh. Bám sát chỉ đạo của tỉnh, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch đã chủ động xây dựng các phương án đón khách phù hợp; xây dựng môi trường kinh doanh an toàn, lành mạnh; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, tuyệt đối không lơ là, chủ quan. Đồng thời, chủ động phát triển các sản phẩm du lịch hấp dẫn, như: Du lịch biên giới, du lịch mua sắm, du lịch biển đảo, hướng tới sản phẩm có thương hiệu, chất lượng..., nhằm khai thác tối đa lợi thế địa bàn trọng điểm du lịch giáp biên, mở cơ hội để Quảng Ninh thúc đẩy khai thác trở lại thị trường khách du lịch quốc tế truyền thống này.
Nhiều địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh còn quan tâm chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất, làm mới các sản phẩm du lịch và có các chương trình giảm giá để thu hút khách, như: Khu du lịch Quảng Ninh Gate (TX Đông Triều) đã xây dựng khu Đảo tím cho du khách có những trải nghiệm độc đáo trong dịp Tết. Legacy Yên Tử (TP Uông Bí) đã làm chương trình Coutdown (đếm ngược) và khám phá nhà máy sô cô la (The Socola Factory) dựa theo bộ phim hoạt hình nổi tiếng Willy Wonka và nhà máy sô cô la nhân dịp chào năm mới 2023...
Khu vực dịch vụ tiếp tục đà phục hồi tích cực ở tất cả các ngành, đặc biệt là dịch vụ lưu trú, ăn uống và du lịch lữ hành. Quý I/2023, tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ ước đạt 13,25%, tăng cao hơn 4,42 điểm % so với cùng kỳ 2022, bằng 100% so với kịch bản, là động lực tăng trưởng chính vào mức tăng trưởng GRDP chung của toàn tỉnh, với đóng góp 4,04 điểm %, chiếm 30,6% trong GRDP. Tổng khách du lịch đến Quảng Ninh ước đạt 4,85 triệu lượt, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ 2022, bằng 107% kịch bản. Tổng doanh thu du lịch đạt 8.555 tỷ đồng, gấp 2,7 lần cùng kỳ 2022, bằng 97,8% kịch bản.
Cùng với đó, hoạt động xuất nhập khẩu tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu tăng so với cùng kỳ năm 2022. Kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp trên địa bàn ước đạt 674 triệu USD, tăng 15,2% cùng kỳ; hoạt động tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 8,34%, cao hơn 0,51 điểm % so với cùng kỳ.
Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước giảm 1% các loại lãi suất điều hành từ ngày 15/3/2023; qua đó các tổ chức tín dụng sẽ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, phục hồi nền kinh tế. Vốn huy động tại địa phương đến ngày 31/3/2023 đạt 181.000 tỷ đồng, tăng 1,91% so với thời điểm ngày 31/12/2022. Doanh số cho vay đạt 90.000 tỷ đồng, tăng 21,9% cùng kỳ...
Kết quả trong phát triển lĩnh vực dịch vụ, du lịch tiếp tục là động lực để Quảng Ninh nỗ lực hơn nữa, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển KT-XH năm 2023 và những năm tiếp theo.
Nguyễn Huế
Liên kết website
Ý kiến ()