Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 16:32 (GMT +7)
Dịch COVID-19: Triển khai "Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ"
Thứ 4, 23/02/2022 | 14:15:16 [GMT +7] A A
Dự báo việc đi lại tăng mùa lễ hội năm 2022 trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế... sẽ làm tăng số nhập viện, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) yêu cầu triển khai Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, đại dịch COVID-19 trên thế giới vẫn tiếp tục diễn biến khó lường tại nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, với tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên toàn quốc, đến nay dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát, tuy nhiên trong thời gian gần đây số trường hợp mắc, kể cả số trường hợp tăng nặng và nguy kịch đang có xu hướng gia tăng.
Bảo vệ các đối tượng nguy cơ
Dự báo trong thời gian tới, với nhu cầu đi lại và mùa lễ hội năm 2022, có thể tiếp tục ghi nhận chuỗi lây nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch trong cộng đồng, trong bối cảnh dần mở cửa các hoạt động xã hội, phát triển kinh tế trở lại sẽ làm gia tăng số nhập viện, tạo áp lực lớn lên hệ thống chăm sóc y tế, đặc biệt tác động đến nhóm đối tượng nguy cơ cao (người già, người có bệnh nền).
Để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19; Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) điện và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo quyết liệt, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Các địa phương triển khai mạnh mẽ, toàn diện "Chiến dịch bảo vệ đối tượng nguy cơ" với các biện pháp truyền thông, tư vấn về phòng chống COVID-19; tiêm chủng vaccine phòng COVID-19; xét nghiệm tầm soát phát hiện người mắc COVID-19; chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ; bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ khi người sống chung, người cùng gia đình bị mắc COVID-19; hỗ trợ chăm sóc thể chất và tâm lý xã hội.
Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia và các hướng dẫn của Bộ Y tế về chủ động phòng chống dịch COVID-19, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" và Quyết định số 218/QĐ-BYT của Bộ Y tế.
Các địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm các biện pháp y tế (giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị,...), hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, mở cửa trường học, đi lại của người dân đảm bảo khoa học, thống nhất trong công tác phòng, chống dịch gắn với thực hiện tốt việc khôi phục, phát triển kinh tế xã hội.
Các cơ sở y tế điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Thực hiện nghiêm công tác phân luồng, phân tuyến; tổ chức thu dung, điều trị hiệu quả ở các tuyến.
Các đơn vị có liên quan cung ứng và bảo đảm đủ thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang bị phòng hộ..., đặc biệt là oxy y tế tại các cơ sở điều trị.
Đánh giá cấp độ dịch ở các địa phương
Cập nhật đánh giá cấp độ dịch tại địa phương theo Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ trên Cổng thông tin Bộ Y tế đến tối 22/2 cho thấy có 45 địa phương 'vùng xanh' - cấp độ 1 về dịch COVID-19; 18 tỉnh, thành còn lại là 'vùng vàng'- cấp độ 2 về dịch COVID-19.
Hiện cả nước không còn tỉnh, thành nào là 'vùng cam' và 'vùng đỏ,' hiện chỉ có 244 xã, phường thuộc vùng đỏ, chiếm 3,3% - tăng thêm 210 xã, phường so với đánh giá ngày 9/2.
So với cập nhật cấp độ dịch ngày 9/2, ở thời điểm đó cả nước có 48 tỉnh, thành thuộc 'vùng xanh'; 15 còn lại tỉnh, thành thuộc 'vùng vàng', đến ngày 22/2, số tỉnh, thành 'vùng xanh' đã giảm 3 địa phương, tỉnh, thành 'vùng vàng' tăng thêm 3 địa phương.
45 tỉnh, thành thuộc 'vùng xanh'
Về tỷ lệ đánh giá cấp độ dịch, cả nước hiện cơ bản là 'vùng xanh' với 6.597 xã, phường là 'vùng xanh', chiếm 62% (cập nhật ngày 9/2, cả nước có 8.106 chiếm 76%); Có 2.668 xã, phường thuộc 'vùng vàng', chiếm 25% (tăng thêm 531 xã, phường so với ngày 9/2); Có 1.076 xã, phường là 'vùng cam', chiếm 10% (tăng 745 xã, phường so với ngày 13/2).
Đến nay, cả nước có 244 xã, phường thuộc vùng đỏ, chiếm 3,3% (tăng thêm 210 xã, phường so với đánh giá ngày 9/2).
Phía Bắc có 19 tỉnh, thành thuộc vùng xanh gồm: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Cao Bằng, Điện Biên, Hà Giang, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương, Lạng Sơn, Lào Cai, Lai Châu, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Tuyên Quang.
Miền Trung và Tây Nguyên có 10 tỉnh gồm: Bình Định, Bình Thuận, Khánh Hòa, Nghệ An, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai.
Phía Nam có 16 tỉnh, thành gồm: An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Cà Mau, TP Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, TP HCM, Trà Vinh.
18 tỉnh, thành thuộc 'vùng vàng'
Bình Phước, Bắc Giang, Hòa Bình, Hà Tĩnh, Hưng Yên, thành phố Hải Phòng, Hậu Giang, Lâm Đồng, Quảng Nam, Quảng Trị, Thanh Hoá, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc, Yên Bái, TP Đà Nẵng, Đắk Lắk và Đắk Nông.
Theo hướng dẫn tạm thời mới nhất của Bộ Y tế về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128, các tiêu chí đánh giá cấp độ dịch COVID-19 gồm: Tiêu chí 1: Tỷ lệ ca mắc mới trên địa bàn/số dân/thời gian. Tiêu chí 2: Độ bao phủ vaccine. Tiêu chí 3: Đảm bảo khả năng thu dung, điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh các tuyến.
Về cách xác định các tiêu chí, Bộ Y tế cho biết theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 2 nhóm để xác định cấp độ dịch gồm có: Nhóm chỉ số về mức độ lây nhiễm và Nhóm chỉ số về khả năng đáp ứng./.
Theo TTXVN
- Chuyên gia cảnh báo F0 tự ý dùng corticoid điều trị COVID-19 tại nhà
- 20 tỉnh thành F0 trên 1.000 ca, Bộ Y tế sửa phác đồ điều trị COVID-19 trẻ em
- Cách xử trí triệu chứng sốt khi mắc Covid-19
- Các chuyên gia chỉ ra ảnh hưởng của COVID-19 đến trẻ nhỏ
- Số ca mắc COVID-19 tăng cao, tỷ lệ học sinh học trực tiếp giảm gần 15%
Liên kết website
Ý kiến ()