Chiều 4-11, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ thông tin về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.
Số ca mắc, nhập viện và tử vong đều tăng
Trả lời câu hỏi liên quan đến số ca nhiễm tăng lên trong thời gian qua, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong hai tuần qua TP.HCM đang ở cấp độ 2, dựa vào ba tiêu chí đánh giá cấp độ dịch COVID-19.
Tuy nhiên, nếu xét về tiêu chí số ca mắc mới tại cộng đồng/100.000 người/tuần, ông Châu cho rằng TP.HCM nằm ở cấp độ 3. Nhưng vì nhờ những tiêu chí khác như tiêm vaccine ngừa COVID-19, tính đáp ứng của hệ thống điều trị nên TP.HCM được xét ở cấp độ 2.
“Nếu tính số ca mắc mới, TP.HCM vẫn ở cấp độ 3” - ông Châu khẳng định lại và cho biết trong 1-2 tuần vừa qua, số ca mắc mới có chiều hướng tăng dù vẫn ở cấp độ 2, số ca nhập viện ở tầng 2 cũng tăng nhẹ.
Lý giải về vấn đề này, ông Châu cho biết một phần do các quận, huyện đang thu dần các khu cách ly tập trung nên có một số bệnh nhân có bệnh nền chuyển đến bệnh viện (BV) để điều trị. Ngoài ra, mặc dù TP.HCM có độ phủ vaccine cao nhưng nhiều người dân từ các tỉnh, thành trở về chưa được tiêm vaccine.
Chính vì vậy, ông Châu đặc biệt nhấn mạnh nếu không kiểm soát tốt dịch bệnh thì có nguy cơ dịch bệnh sẽ tiếp tục gia tăng. “Khi TP.HCM gỡ bỏ giãn cách xã hội, nguy cơ tiếp xúc với nhau sẽ nhiều hơn. Nếu không tuân thủ biện pháp 5K và các biện pháp phòng chống dịch thì số ca mắc sẽ tăng lên cao” - ông Châu nói và cảnh giác vấn đề này, bởi vì nếu số ca mắc mới tăng cao sẽ dẫn đến số bệnh nhân nặng nhập viện cũng gia tăng.
Ông Phạm Đức Hải, Phó Trưởng Ban chủ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM, cho biết có ngày TP.HCM ghi nhận khoảng 1.000 ca mắc mới khiến tổng số người mắc COVID-19 càng tăng. Bên cạnh đó, số ca nhập viện những ngày gần đây cũng tăng (ngày 1-11 là 989 ca, ngày 2-11 là 1.025 ca và ngày 3-11 là 941 ca).
Cạnh đó, số ca tử vong cũng tăng lên, nếu như ngày 30-10 chỉ có 21 bệnh nhân COVID-19 tử vong thì ngày 31-10 đã tăng lên 25 ca, ngày 1-11 tăng lên 31 ca và ngày 2-11 tăng lên 40 ca.
“Qua các con số thống kê cho thấy tình hình dịch ở TP.HCM vẫn diễn biến phức tạp, khó lường” - ông Hải nói và cho biết một bộ phận người dân vẫn chưa tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Ông dẫn chứng như phố đi bộ Nguyễn Huệ có nhiều người tụ tập, nhảy múa không giữ khoảng cách, không đeo khẩu trang. Các nhà hàng, quán ăn nhiều nơi chưa tuân thủ quy định.
Do vậy, ông Hải đề nghị người dân tiếp tục thực hiện nghiêm quy định của ngành y tế. Lực lượng chức năng địa phương cần xử phạt nghiêm các trường hợp không tuân thủ quy định phòng dịch.
86% F0 mới nhập viện đã tiêm ít nhất một liều vaccine
TS Vĩnh Châu cho biết theo khảo sát của Sở Y tế TP.HCM, trong số F0 đang điều trị ở tầng 2, khoảng 14% trường hợp chưa tiêm vaccine, khoảng 90% trong số này là người dưới 18 tuổi điều trị ở các BV nhi.
Một thống kê khác được BS Vĩnh Châu thông tin là có 86% F0 mới nhập viện đã tiêm ít nhất một hoặc hai liều vaccine. Đây là khảo sát được thực hiện cách đây hai ngày tại tất cả BV ở TP dựa trên số lượng F0 đang nằm viện, không bao gồm người tự cách ly hoặc ở khu cách ly quận, huyện.
Trả lời báo chí về tình trạng nhiều người dân chủ quan khi cho rằng sau khi tiêm vaccine thì sẽ không nhiễm COVID-19, ông Châu đã thông tin về một kết quả khảo sát cắt ngang được BV Bệnh nhiệt đới thực hiện từ giữa tháng 10 trên 349 bệnh nhân ở tầng điều trị thứ ba (gồm 45% là bệnh nhân nhẹ và 55% là bệnh nhân nặng). Theo ông Châu, bệnh nặng là khi bệnh nhân bắt đầu phải thở ôxy, thở máy không xâm lấn và thở máy xâm lấn, điều trị ECMO. Bệnh nhẹ là phải điều trị nhưng không cần thở ôxy. Khi so sánh, các bác sĩ nhận thấy nhóm chưa tiêm vaccine ngừa thì 74% bệnh nhân nặng, 26% bệnh nhân nhẹ.
Với nhóm đã tiêm vaccine ngừa, có 40% bệnh nhân nặng, 60% bệnh nhân nhẹ. Nếu tiêm một mũi vaccine thì 49% bệnh nặng, 51% bệnh nhẹ. Khi tiêm hai mũi vaccine, chỉ còn 12% bệnh nặng và 88% bệnh nhẹ.
Đáng chú ý, khảo sát cho thấy nhóm đã tiêm đủ vaccine chỉ có một trường hợp phải thở máy xâm lấn, năm trường hợp thở ôxy. Trong khi nhóm tiêm một mũi có 10 trường hợp thở máy xâm lấn, còn nhóm không tiêm vaccine có 54 trường hợp thở máy xâm lấn và ba trường hợp phải điều trị ECMO. Theo ông Châu, con số khảo sát này một lần nữa xác nhận lại thông tin mà tất cả y văn trên thế giới đều đã công bố, đó là nếu tiêm vaccine thì khả năng mắc bệnh nặng khi nhiễm giảm đi đáng kể. “Dù tiêm đủ vaccine vẫn có tỉ lệ nhiễm và nếu không được điều trị kịp thời thì vẫn có thể có trường hợp tử vong” - ông Châu nói.
Ý kiến ()