Tất cả chuyên mục

Tính đến thời điểm này, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện ở 7 tỉnh, thành phố trong nước gồm: Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội, Hải Dương và dự báo chưa dừng lại. Trong đó, Hải Dương là tỉnh xuất hiện dịch gần đây nhất. Ổ dịch được phát hiện tại hộ chăn nuôi của ông Hoàng Văn Chinh, thôn Trại Mới, xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn. Tỉnh này cũng đã khẩn trương tiến hành khoanh vùng, tiêu hủy toàn bộ đàn lợn bị nhiễm bệnh; sử dụng hóa chất sát khuẩn cao như rắc vôi bột, phun dung dịch khử trùng Hansulap để tiêu độc khử trùng tại hộ bị dịch và khu vực xung quanh với bán kính 1km; phối hợp với các cơ quan chức năng lập các chốt kiểm soát dịch…
[links()]
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, có nguy cơ lan rộng ra các tỉnh, thành phố khác, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng các địa phương trên cả nước đã liên tiếp ban hành các công điện, văn bản hỏa tốc về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế, phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Trong đó yêu cầu thực hiện nghiêm 5 không: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn chết ra môi trường; không sử dụng thức ăn dư thừa chưa qua xử lý nhiệt.
![]() |
Quảng Ninh đã lập 9 chốt kiểm soát dịch tả lợn châu Phi hoạt động 24/24h. Trong ảnh: Lực lượng chức năng phu thuốc khử trùng cho phương tiện lưu thông vào tỉnh Quảng Ninh tại chốt kiểm soát cầu Bạch Đằng. |
Cùng với đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đưa ra cách nhận biết dấu hiệu khi lợn mắc dịch tả lợn châu Phi để người chăn nuôi có cách phòng ngừa, như: Lợn sốt cao, không đứng vững được; lợn nôn, tiêu chảy, đôi khi chảy máu; da xanh xao, xung quanh vùng mõm hoặc tai; lợn khó thở, ho; lợn xảy thai và ốm yếu dần; phần lớn lợn sẽ chết trong khoảng 10 ngày sau khi mắc bệnh. Đồng thời cảnh báo những nguồn có thể lây bệnh, như: Những con lợn khác đã nhiễm bệnh được vận chuyển hoặc ghép đàn; ăn phải những đồ ăn, rác nhiễm virus hoặc rác thải nhà bếp; vật liệu nhiễm bẩn/quần áo/giày dép…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng yêu cầu, nếu đàn lợn nhiễm bệnh hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh, người chăn nuôi cần liên hệ ngay với nhân viên y tế; không vận chuyển đàn lợn nhiễm bệnh ra khỏi trang trại; thay trang phục, giày trước khi ra khỏi chuồng; thức ăn cho lợn phải được mua ở những nguồn uy tín, kiểm tra thông tin kỹ nguồn gốc để tránh lây nhiễm virus từ thức ăn; tránh để lợn nuôi tiếp xúc với lợn hoang dã hoặc đàn lợn khác; tránh nuôi lợn ở chuồng ngoài trời trong những vùng bị nghi là ảnh hưởng; không mang, vận chuyển các loại thịt lợn muối hay xông khói từ vùng khác đến, vì các loại thịt này vẫn tiềm ẩn virus bệnh; không vứt xác lợn chết nghi nhiễm bệnh vào rừng/khu vực tự nhiên…
Ở thời điểm hiện tại, Quảng Ninh cũng đã và đang tăng cường lực lượng, biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Bởi lẽ, trong số 7 tỉnh, thành phố xảy ra dịch thì có 2 tỉnh là Hải Phòng, Hải Dương là “hàng xóm”, nên nguy cơ lây nhiễm vào nội tỉnh là rất cao. Trước tình hình đó, Quảng Ninh đã lập 9 chốt kiểm soát dịch tả lợn châu Phi hoạt động 24/24h, bao gồm: Cầu Đá Bạc (TP Uông Bí) kiểm soát quốc lộ 10A; cầu Vàng (TX Đông Triều) kiểm soát tuyến quốc lộ 18A; cầu Đá Vách (TX Đông Triều) kiểm soát tuyến tỉnh lộ 188; xã Tân Dân (huyện Hoành Bồ) kiểm soát quốc lộ 279; trạm thu phí cầu Bạch Đằng kiểm soát trên tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long; riêng Đông Triều đã thành lập thêm 4 chốt kiểm soát tại các tuyến đường vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn vào địa bàn thị xã.
![]() |
Để tránh thiệt hại lớn, mỗi người chăn nuôi hay nâng cao ý thức trách nhiệm, cảnh giác trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. |
Với Quảng Ninh, nguồn lây dịch tả lợn châu Phi không chỉ ở các tỉnh nội địa, mà còn có nguy cơ lây nhiễm qua khu vực biên giới. Chính vì vậy, các huyện, thành phố như Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái cần hết sức cảnh giác, triển khai các biện pháp đồng bộ, cấp bách ngăn chặn dịch ngay từ biên giới. Trong đó, kiểm tra, giám sát chặt chẽ tại cửa khẩu, đường mòn, lối mở khu vực biên giới; kiểm soát đối với người, phương tiện vận chuyển xuất phát từ nước có dịch tả lợn châu Phi nhập cảnh vào Việt Nam…; bám sát cơ sở, địa bàn sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời khi có dịch xảy ra.
Với việc dịch đã xuất hiện ở 7 tỉnh, thành phố trong nước, thì nguy cơ lây lan vào Quảng Ninh luôn thường trực và ở mức báo động đỏ. Bởi vậy, việc kiểm soát, quản lý chặt chẽ các nguồn lây bệnh, bám sát cơ sở phát hiện, xử lý, dập dịch kịp thời là vô cùng quan trọng. Và để tránh thiệt hại lớn, mỗi người chăn nuôi hãy nâng cao ý thức trách nhiệm, cảnh giác trong phòng, chống dịch tả lợn châu Phi.
Thái Bình
Ý kiến ()