Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:18 (GMT +7)
Địa phương có được ban hành hướng dẫn cải tạo, khai hoang đất nông nghiệp?
Thứ 5, 27/06/2024 | 14:45:36 [GMT +7] A A
Vừa qua, cơ quan chuyên môn về tài nguyên và môi trường ở tỉnh của ông Lê Văn Châu căn cứ vào quy định tại Điều 9 Luật Đất đai năm 2013 về khuyến khích đầu tư vào đất đai đã có văn bản hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân thực hiện việc cải tạo, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp.
Văn bản của ngành tài nguyên và môi trường tỉnh hướng dẫn thực hiện như sau:
"1. Các hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu cải tạo, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp gửi Đơn đề nghị cải tạo đất nông nghiệp đến Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã).
2. Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị của hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu cải tạo, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp. UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là UBND cấp huyện) kiểm tra vị trí đề xuất cải tạo đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, UBND cấp xã có văn bản báo cáo, đề xuất gửi UBND cấp huyện để xem xét giải quyết cho phép hộ gia đình, cá nhân cải tạo, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp.
3. Sau khi nhận được báo cáo, đề xuất của UBND cấp xã về việc xem xét giải quyết cho phép hộ gia đình, cá nhân cải tạo, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp, UBND cấp huyện có văn bản thống nhất hoặc không thống nhất để UBND cấp xã giải quyết hồ sơ đề nghị cải tạo, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân.
Trường hợp UBND cấp huyện thống nhất cho hộ gia đình, cá nhân cải tạo, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp, giao UBND cấp xã có văn bản cho phép hộ gia đình, cá nhân cải tạo, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp, giao các phòng, ban chuyên môn của huyện phối hợp với UBND cấp xã kiểm tra, giám sát việc cải tạo, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân, đảm bảo thửa đất sau khi cải tạo, khai hoang, phục hóa được sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, không san gạt dưới cost địa hình tự nhiên khu vực xung quanh, đảm bảo các vấn đề về an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình cải tạo đất, không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề và các vấn đề liên quan.
Việc xác định thời gian, diện tích khu vực cải tạo đất của các hộ gia đình, cá nhân phải phù hợp với điều kiện thực tế. Trong quá trình cải tạo đất phải giữ lại lớp đất mặt để san gạt lại, đảm bảo nâng cao hiệu quả sử dụng đất sau cải tạo.
4. Vị trí đổ thải đất dư thừa sau khi cải tạo đất phải được sự thống nhất của chính quyền địa phương, đảm bảo các vấn đề về môi trường. Nếu chất lượng đất sau cải tạo, khai hoang, phục hóa đáp ứng được điều kiện để sử dụng vào mục đích đất san lấp, thì Chủ đầu tư/đơn vị thi công các công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước có nhu cầu sử dụng đất san lấp liên hệ với UBND cấp huyện và UBND cấp xã để thống nhất vị trí đổ đất.
5. Các đơn vị sử dụng đất dôi dư sau cải tạo, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp để phục vụ cho công trình, dự án phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Việc thanh, quyết toán đối với các công trình sử dụng đất san lấp dôi dư trong quá trình cải tạo đất được thực hiện theo hướng dẫn của các Sở chuyên ngành, đảm bảo không làm thất thoát ngân sách nhà nước".
Ông Châu hỏi, việc cơ quan tài nguyên và môi trường tỉnh có văn bản hành chính (công văn) để hướng dẫn thực hiện Điều 9 Luật Đất đai như vậy có phù hợp không? Việc quy định trình tự, thủ tục hộ gia đình, cá nhân cải tạo, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp như vậy có được xem là đặt ra thủ tục hành chính mới hay không?
Việc cho phép chủ đầu tư/đơn vị thi công sử dụng đất dôi dư (khối lượng lớn) do cải tạo đất nông nghiệp để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản (làm quốc lộ) có phù hợp với quy định của pháp luật về khoáng sản hiện nay hay không?
Nếu UBND cấp xã có trường hợp hộ gia đình, cá nhân xin cải tạo, khai hoang, phục hóa đất nông nghiệp và đã được chấp thuận, vậy thì chủ đầu tư/đơn vị thi công sử dụng đất dôi dư phải thực hiện các loại nghĩa vụ tài chính nào đối với Nhà nước?
Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:
Tại Điều 9 Luật Đất đai năm 2013 không có nội dung giao Chính phủ và địa phương quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Điều này; do vậy, theo quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì Chính phủ và địa phương không ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Điều 9 này.
Tuy nhiên, ngành tài nguyên và môi trường (bao gồm ở Trung ương và địa phương) có chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về đất đai; do vậy, để thực hiện nhiệm vụ, ngành tài nguyên và môi trường cần phải ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ theo đúng quy định của pháp luật.
Việc cải tạo đất nông nghiệp phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Khối lượng đất dôi dư do thực hiện cải tạo đất nông nghiệp được xác định là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường thì việc quản lý, sử dụng khối lượng đất dôi dư này phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản.
Theo baochinhphu.vn
Liên kết website
Ý kiến ()