Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:34 (GMT +7)
Đi tìm nhà cổ ở làng đảo Hà Nam
Chủ nhật, 06/11/2022 | 07:24:52 [GMT +7] A A
Theo các cụ cao niên kể lại, Phong Cốc là một trong những trung tâm, vùng đất cao nhất được các Tiên công khai phá. Cho tới nay, ngoài các lễ hội hoặc các đình, nhà thờ họ cổ hàng trăm năm tuổi, Phong Cốc còn giữ lại gần như nguyên vẹn những ngôi nhà cổ trăm năm tuổi, được coi như báu vật của các gia đình.
"Kho báu" ở Phong Cốc
Cuối tháng 10, khi thời gian dịch dần về những ngày cuối thu, nắng vàng mang theo không khí heo may đặc trưng, chúng tôi lại có dịp trở về Phong Cốc, vốn là một trong những trung tâm của đảo Hà Nam trù phú. Theo chân chị Dương Thị Hoa, cán bộ văn hóa phường Phong Cốc và ông Ngô Minh Tâm, người có hiểu biết sâu về văn hóa nơi đây, chúng tôi mang trong mình quyết tâm tìm đến những ngôi nhà gỗ trăm tuổi vẫn còn lưu lại trên vùng đất văn vật này.
Câu chuyện ông Tâm kể như rút ngắn quãng đường và làm chúng tôi hiểu hơn về nguồn cội, giá trị của "kho báu" đang tìm. Từ UBND xã, qua phố phường san sát, ngõ xóm ngoằn ngoèo, những ngôi nhà gỗ dần lộ diện. Vào con hẻm sâu ở xóm Đình, khu 4, chúng tôi tới căn nhà gỗ do gia đình ông Nguyễn Văn Khánh trông coi. Đây là ngôi nhà có tuổi trên trăm năm, truyền qua 5-6 đời, đã cũ lắm nhưng còn nguyên nét đẹp.
Bước chân vào căn nhà 3 gian, 2 chái, đập vào mắt chúng tôi là sự độc đáo trong nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc. Xà cột, vì kèo phủ bụi, nước sơn cánh gián nhuốm màu thời gian. Vị trí ngôi nhà đúng theo tiêu chí "tả thanh long, hữu bạch hổ, tiền châu tước, hậu huyền vũ", nghĩa là bên trái nhà có sông nước, bên phải có đường, trước nhà có cây cao bóng mát, sau nhà là vườn tược trồng cây ăn trái.
Tìm hiểu nhiều nhà, nhưng theo ông Tâm, những nét độc đáo, khác biệt nhất ở đây chính là kết cấu gỗ. Toàn bộ căn nhà từ hệ thống cột kèo, xà, quá giang, rui, mè… đều làm bằng gỗ lim hoặc gụ. Tất cả còn nguyên bản, trăm năm tuổi, dù ngả màu nhưng hễ lau sạch là sáng bóng, thơm nức…
Điều thú vị là gian thờ tổ tiên ở giữa rộng hơn so với kích thước thông thường; xà gỗ lim ngoài hiên điêu khắc hoa văn long hóa tinh xảo, thể hiện sự sang trọng... Những điều này cho thấy, căn nhà này trước là gia tài lớn, người sở hữu ngôi nhà từng là người có gia thế hoặc là thương nhân giàu có.
Rời căn nhà, chúng tôi đến khu 2 tham quan chính căn nhà của ông Tâm, nơi được đánh giá còn giữ nguyên được hồn cốt nhà gỗ. Phía trước nhà là khoảng sân rộng, thoáng, vườn tược... Ông Tâm bảo: “Đây là tài sản, kho báu của cha ông truyền lại tới nay đã 5 đời. Tôi cũng không biết được nó làm từ khi nào, chỉ biết khi tôi còn nhỏ đã có và lớn lên cùng tôi. Căn nhà ước chừng trên 100 năm tuổi này được gia đình gìn giữ như bảo vật, có nhiều người đến hỏi mua nhưng gia đình nhất quyết không bán. Bởi ngôi nhà là nơi để các thế hệ con cháu nhớ về nguồn cội”.
Trải qua bao dấu mốc thăng trầm, ngôi nhà của ông Tâm gần như vẫn còn lưu giữ nguyên vẹn những nét đẹp của kiến trúc truyền thống. Ngôi nhà 5 gian 2 chái cho gia đình tam đại đồng đường, phụ mẫu một bên, con cái một bên, chính giữa là gian khách và phòng thờ. Căn nhà được dựng từ cột lim, xà sến, 7 kẻ, 4 vì cột. Hoa văn trang trí ở những ngôi nhà cổ này được chú trọng theo đúng quan niệm âm dương, vũ trụ hòa hợp.
Theo chân ông Tâm, gian phòng hướng Đông dành cho con cái, người già ở phòng phía Tây. Thú vị và quý giá nhất trong ngôi nhà ông Tâm có lẽ là những vật dụng cổ truyền, có niên đại lên tới hàng trăm năm như: Chiếc tủ bằng gỗ dẻ có khóa bằng mộng gỗ; bàn uống nước bằng gỗ đèo heo đen hơn 100 năm tuổi, chịu nắng mưa mối mọt rất tốt...
Dù đã được phục dựng lại trên hồn cốt cũ nhưng ngôi nhà vẫn giữ được lối thiết kế cổ điển hình. Gian khách có chiều rộng là 1m55, gian phòng ở nhỏ dần với kích thước rộng 1m35. Gian giữa là gian thờ trang trọng uy nghi với hương án, 4 cột trụ gỗ lim thẳng tắp; cửa gian chính có nhiều song cửa cách điệu lấy ánh sáng tự nhiên.
Thấy chúng tôi chú ý tới bộ hoành phi câu đối được treo trang trọng ở ngay gian giữa, ông Tâm hài lòng ngâm nga: Xuân viện đào lý hoa thành độ/ Ngọc thụ chi lan ấm mãn đình/ Tổ tông công đức thiên niên thịnh/ Tử hiếu tôn hiền vạn đời vinh. "Tất cả mang ý nghĩa về gia đạo yên ấm, con đàn cháu đống cùng với tư tưởng uống nước nhớ nguồn, kính trên nhường dưới từ bao đời nay của dân tộc ta" - ông giải thích.
Đứng giữa căn nhà 5 gian bằng gỗ, được phân chia bằng các cột, 3 gian thông nhau, nơi giáp ranh giữa 3 gian chính và 2 chái được ngăn cách bởi bức tường gỗ, chúng tôi cảm nhận hương thơm của gỗ và phong vị cổ kính cứ lẩn khuất xung quanh khiến con người thấy yên bình, thư thái, cảm giác thời gian như ngưng đọng.
Bảo tồn, gìn giữ kho báu tiền nhân để lại
Theo thống kê, hiện còn khoảng 15-20 căn nhà gỗ truyền thống, phân bố đều trên địa bàn phường Phong Cốc. “Hầu hết các gia đình đều rất quan tâm gìn giữ những căn nhà gỗ. Chính quyền cũng đã tuyên truyền, vận động nhân dân bảo tồn, tu sửa hợp lý, đồng thời trồng cây, tôn tạo cảnh quan, tường rào... nhằm phát huy những giá trị vốn có. Tuy nhiên, hiện nay việc bảo tồn cũng còn không ít khó khăn” - ông Vũ Văn Huy, Chủ tịch UBND phường Phong Cốc chia sẻ.
Quả thật, hiện không ít căn nhà trăm tuổi này phải đối diện với nhiều nguy cơ. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không chỉ chịu tác động của thời gian, nhiều căn nhà còn bị thương lái nhòm ngó. Đặc biệt, trước đây khi bước vào thời kỳ đất nước mở cửa, nhiều gia đình không ý thức được giá trị những ngôi nhà nên đã bán một phần gỗ, các vật dụng trong nhà hoặc cả ngôi nhà. Người dân trong vùng vẫn kể lại câu chuyện về căn nhà gỗ cổ to, đẹp nhất của ông Băng Cung được dựng từ năm 1937 ở gần Phong Cốc (sau khu vực này tách thành Phong Hải), đáng tiếc đã bị thương lái mua về Hải Phòng để làm du lịch.
Không chỉ vậy, nhiều căn nhà gỗ truyền thống lại đối diện với nguy cơ mất đi chính vẻ đẹp, giá trị của chúng khi tiến hành sửa chữa. “Điều đáng buồn là những tinh hoa kiến trúc của thế hệ trước lại không được phát huy. Không ít trong số nhiều căn nhà được tu sửa, chỉnh trang hoặc cải biên làm mất hết giá trị của căn nhà trăm tuổi đó" - ông Tâm bùi ngùi chia sẻ.
Trên thực tế, không ít căn nhà bị xây lại hoặc bị lai tạo, mất đi nhiều nét đẹp truyền thống. Nhiều căn nhà biến thành nhà 3 gian, bị sửa cửa nách hoặc cửa ra vào, làm hỏng cấu trúc, mất hết nét đẹp của căn nhà gỗ xưa. Cũng theo ông Tâm, việc tu sửa, chỉnh trang là cần thiết nhưng cần có sự cân nhắc tìm hiểu, cải tiến hợp lý, ví dụ có thể nâng mái cho cao và thoáng, chứ không nên sửa lại cấu trúc truyền thống của căn nhà.
Ông Ngô Đình Dũng, Phó Phòng Văn hóa - Thông tin TX Quảng Yên, chia sẻ: Không chỉ ở Phong Cốc, trên địa bàn Quảng Yên còn hàng chục căn nhà ở Cẩm La, Phong Hải… Ngoài giá trị về kiến trúc, người dân ở đây còn nhiều phong tục, truyền thống đẹp, một số nghi lễ của người dân dịp lễ, tết rất độc đáo, đặc trưng.
Vì thế, cùng với vận động, tuyên truyền, chúng tôi có lên kế hoạch và mời một số đơn vị lữ hành về khảo sát, thiết kế chương trình du lịch để phát huy giá trị. Tuy nhiên tới nay do nhiều yếu tố khách quan, vẫn chưa có nhiều kết quả.
Quả thật còn nhiều khó khăn trong việc gìn giữ, bảo tồn giá trị của những căn nhà trăm tuổi. Trong đó cũng có không ít người quan tâm tìm hiểu cặn kẽ, nhằm vừa bảo tồn giá trị cổ truyền vừa đảm bảo mỹ quan, công năng sử dụng khi sửa chữa như cách ông Tâm làm. Ông luôn dặn dò con cháu sau này cố gắng bằng mọi giá giữ lại ngôi nhà, bởi đó là minh chứng cho những nét văn hóa truyền thống và là niềm tự hào về thành tựu của cha ông.
Giữa cuộc sống sôi động ồn ào, nhiều giá trị vô giá bị mai một nhưng có không ít người vẫn lặng lẽ, kiên định gìn giữ những giá trị xưa cũ như thế. Có lẽ, họ luôn mong muốn về một nơi để con cháu tụ họp, gặp gỡ cũng là nơi mà bao thế hệ đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Và dưới mái nhà xưa thân thương ấy, mỗi dịp Tết đến xuân về, lớp con cháu lại trở về quây quần đầm ấm, thắp hương tưởng nhớ tổ tiên và ôn lại những giá trị truyền thống của gia đình, dòng họ...
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()