Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:06 (GMT +7)
Đi tìm nguồn gốc địa danh Cô Tô
Chủ nhật, 20/10/2024 | 09:57:53 [GMT +7] A A
Tuy diện tích không lớn nhưng Cô Tô có vị trí chiến lược quan trọng, là tiền đồn bảo vệ vùng biển đảo Đông Bắc thiêng liêng của Tổ quốc. Nguồn gốc địa danh Cô Tô có lẽ cũng gắn với vị trí đặc biệt này.
Cô Tô không phải một hòn đảo mà là một quần đảo, trong đó có một số đảo có tên, như: Đảo Cô Tô lớn, Cô Tô con, Thanh Lân, Sám Cháu, Vàng Cháu, Lý Như, Chín Sán, Má Cháu, đảo Chằn hay còn gọi là đảo Trần. Theo các sách "Đại Nam thực lục", "Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ", "Quốc triều chính biên toát yếu", "Các tổng, xã, phủ, huyện, châu cuối thế kỷ XIX" và Nam Phong tạp chí thì từ trước năm 1889, cái tên Cô Tô chưa xuất hiện trong sử sách.
Trước đó, Cô Tô vốn có tên là Chàng Sơn (núi Chàng). Theo sách "Khâm định Đại Nam hội điển sử lệ" thì vùng biển Chàng Sơn từ đời vua Gia Long đến vua Minh Mạng thường xuyên bị cướp biển nước ngoài cướp phá, có lúc chúng tập trung tới 60 thuyền, trong thuyền có vũ khí, thấy thuyền của người Việt Nam lập tức chúng hành động cướp của, giết người. Năm 1832, Nguyễn Công Trứ với cương vị Tổng đốc Hải An (gồm Hải Dương và An Quảng) đã xin triều đình cho thành lập làng xã, cắt cử người cai quản và được đổi tên là Hướng Hóa. Không lâu sau, nhà Nguyễn cho thu thuế và lập đồn Hướng Hoá canh phòng giặc biển.
Tháng 8 năm Nhâm Tuất (1834) vua Minh Mạng đã có chỉ dụ “Phải đưa quân đến Chàng Sơn sào huyệt của lũ giặc”. Từ nhận định đó, triều đình đã tăng thêm vũ khí, lập thêm các đồn, bảo (bảo là đơn vị vũ trang của quân đội với quân số 100 quân). Về lực lượng, vua nhà Nguyễn đã cho xây dựng 4 đồn ở thôn Vựng (Ngọc Vừng ngày nay) Cát Hải, Vĩnh Thực và Chàng Sơn. Tỉnh Quảng Yên còn được tuyển thêm lính để lập các đội tuần hải, trong đó có việc tuần phòng bảo vệ Chàng Sơn.
Tháng 7 năm Mậu Tuất (1838), Tổng đốc Nguyễn Công Trứ trực tiếp đưa binh lính ra Chàng Sơn đánh dẹp bọn cướp biển. Sau trận đánh, vua Minh Mạng ban thưởng. Sau đó, Nguyễn Công Trứ tiếp tục chiêu dụ được 180 binh dân lập thành làng Hướng Hóa. Tháng 8 năm canh Tý (1840), vua ra chỉ dụ Chàng Sơn đường biển khá xa, sóng gió bất thường, hàng năm từ tháng Giêng đến tháng 7, tỉnh Quảng Yên phải chuyển binh ra tuần thám trên mặt biển. Tỉnh Quảng Yên mỗi tháng phải phái người và thuyền ra Chàng Sơn một lần. Căn cứ tờ tâu của Nguyễn Công Trứ “Hướng Hóa đất rộng, người ít" tháng 3 năm Tân Sửu (1841), triều đình cho lập Bảo Chàng Sơn. Binh lính trên đảo được tuyển 140 người vừa canh giữ biển đảo vừa sản xuất để sinh sống.
Địa danh Chàng Sơn hay Hướng Hóa nay không còn được dùng nữa, thay vào đó là địa danh Cô Tô. Trong cuốn sách "Tự vị Hán - Việt - Pháp" do nhà sách Trung Hòa thiện bản in năm 1931, ở trang 51 có chú giải hai chữ ''cô", "tô" như sau: “Cô và Tô’’ có tới 6 nghĩa. Tương ứng với mỗi nghĩa có một kiểu chữ Hán, trong đó có chữ "cô" nghĩa là đai vòng, chữ "tô" nghĩa là lặng lẽ. Như vậy, có thể hiểu rằng Cô Tô là cái vành đai đảo bình yên gồm nhiều hòn đảo, gần như ngoài cùng trong hệ thống đảo của vịnh Bắc Bộ như một thứ phên dậu của quốc gia. Cô Tô là một vành đai đảo vững vàng, bất di bất dịch.
Trong thời kỳ thuộc địa Pháp, Cô Tô là một tổng trong 5 xã thuộc châu Hà Cối, thuộc phủ Hải Đông, tỉnh Hải Ninh. Khi Nhật Bản đảo chính, Pháp đã quay lại chiếm đảo Cô Tô. Tháng 9 năm 1946, Đại đội Ký Con đem quân từ Hòn Gai sử dụng tàu chiến Le Creyac mới chiếm được của Hải quân Pháp để đánh đồn Cô Tô. Đến cuối năm 1955, quân Pháp rút khỏi Cô Tô. Sau đó, có thời gian, Cô Tô là xã thuộc huyện Móng Cái, rồi lại là xã đặc biệt trực thuộc tỉnh Quảng Ninh. Từ năm 1964, xã đã được sáp nhập vào huyện Cẩm Phả. Năm 1994, Chính phủ đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn và đồng thời tách quần đảo Cô Tô thành lập huyện đảo Cô Tô. Địa danh Cô Tô được giữ nguyên cho đến bây giờ.
Phạm Học
- Bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo và quan tâm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần nhân dân
- Bộ đội biên phòng Cô Tô giữ vững chủ quyền biển đảo
- Bộ đội Biên phòng tỉnh: Khai thác, làm chủ có hiệu quả tàu thuyền, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo
- Xây dựng Trường Sa thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội; thành trì bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc
Liên kết website
Ý kiến ()