Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:41 (GMT +7)
Di tích miếu Bà Rá và đường tới Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Thứ 5, 15/04/2021 | 14:32:41 [GMT +7] A A
Miếu Bà Rá gọi tắt là miếu Bà, còn có các tên gọi khác là Linh Sơn miếu hay miếu Bà Sơn Giang. Miếu Bà ra đời từ thời Pháp thuộc, có hoạt động lễ hội mang đặc trưng văn hóa tín ngưỡng dân gian, truyền thống người Việt ở Nam bộ. Đồng thời ghi dấu truyền thống đấu tranh cách mạng của dân tộc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Lý lịch di tích miếu Bà
Theo tài liệu của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lời kể của những người dân địa phương sống lâu năm, thuở xa xưa vùng đất phía Bắc Biên Hòa và Bắc Thủ Dầu Một (tức phía Bắc tỉnh Sông Bé, trong đó có Phước Long), vùng Phước Long - Bà Rá là vùng đất hoang vu, hiểm trở thuộc địa bàn cư trú tự nhiên của đồng bào các dân tộc thiểu số: S’tiêng, M’nông, Châu Mạ, Châu Ro… Thời Pháp thuộc, Phước Long là quận Bà Rá thuộc tỉnh Biên Hòa mà chúng thường gọi với cái tên mỉa mai “xứ mọi cà răng, căng tai”. Pháp xem vùng này là “rừng thiêng nước độc” và biến thành nơi đày ải những người chống đối chính quyền và bắt lao động khổ sai phục vụ tư bản đồn điền.
Miếu Bà đã trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn của đông đảo khách thập phương |
Thực dân Pháp cho lập Nhà tù Bà Rá với một địa thế xa xôi hẻo lánh, rừng núi âm u, xung quanh đầy thú dữ. Chúng hy vọng những tù nhân bị giam giữ ở đây sẽ không còn đường trốn thoát. Bọn chúng thực hiện chế độ lao tù rất tàn bạo. Hằng ngày, tù nhân phải làm việc rất nặng nhọc, luôn bị đánh đập, đối xử tàn tệ. Đa số người chết không có hòm, rương, quần áo. Khủng khiếp hơn, bọn cai tù hay đánh bằng lưỡi lê hoặc trói tù lại cho chó béc-giê nhảy vào cấu xé. Hầu hết tù nhân đều bị sốt rét, kiết lỵ, người nám đen, đầy vết roi khắp cơ thể.
Nhiều hoạt động lễ hội được tổ chức tại Miếu Bà |
Theo số liệu thanh tra của L.Squillon lập tháng 6-1942 về Nhà tù Bà Rá có viết: “Hiện tại nhà tù có 925 tù nhân do hai giám thị Rigand và Henry với 67 lính cai quản. Trong số tù nhân đó, có 376 lao động tạp dịch, 86 người khác bị điều đi mở đường, 14 và 66 người bị đày đi hầm than, nung gạch, làm mộc, làm hồ…”.
Bia tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng bị thực dân Pháp tù đày năm 1940 – 1945 tại Bà Rá đã hy sinh được chôn cất tại nơi phát tích gốc Cây Cầy |
Ở vùng đất Bà Rá - Phước Long lúc này có Chúa Xứ Nương Nương được biết đến qua truyền thuyết là người cai quản vùng đất Bà Rá - Phước Long, nổi tiếng là linh thiêng đã giúp đỡ, che chở người dân nơi đây. Với tấm lòng tôn kính, cầu mong có cuộc sống tự do và ổn định, năm 1943, những người mộ phu và các tù nhân ở Nhà tù Bá Rá đã xin chính quyền thực dân cho dựng miếu thờ để tạ ơn bà Chúa Xứ Nương Nương và được Sở mật thám Pháp chấp thuận.
Cùng thời gian đó, thực dân Pháp đã ra tay giết hại 4 chiến sĩ cách mạng không rõ danh tính bằng hình thức chôn sống tại Cây Cầy. Để tưởng nhớ đến sự hy sinh đó, các “tù nhân” và nhân dân đã đưa hương hồn các chiến sĩ cách mạng vào miếu thờ tự, cúng bái nhưng không đặt bài vị vì sợ cai ngục. Lúc này miếu không có tượng thờ, chỉ làm 3 miếng gỗ nhỏ để làm bài vị thờ tượng trưng ghi 4 chữ Hán “Chúa Xứ Nương Nương”. Miếu có kích thước 1,5mx2m bằng gỗ, lợp tranh. Miếu lúc này có tên gọi là miếu Bà.
Năm 1956-1957, khi tỉnh Phước Long được thành lập, dân cư đông đúc, người đi lễ miếu ngày càng nhiều. Do đường đi vào miếu không thuận tiện và được sự đồng ý của chính quyền địa phương lúc bấy giờ nên một số người dân đã di dời miếu Bà lên sát đường lộ (cách nơi cũ 500m) để dân chúng tiện đi lại thờ cúng. Đến địa điểm thờ mới, một số bá tánh đã cúng 3 tượng thờ (tượng bà). Từ lúc này, miếu mới có tượng thờ. Di dời về nơi tọa lạc mới nhưng miếu Bà vẫn chưa có hoạt động lễ hội.
Đông đảo người dân dâng hương vía Bà |
Sáng 13-4, nhằm mồng 2 tháng 3 năm Tân Sửu, tại miếu Bà sẽ diễn ra lễ công bố miếu Bà thuộc Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trước đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 4600/QĐ-BVHTTDL về việc đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống lễ hội miếu Bà Rá, thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước.
Mãi đến năm 1962, hoạt động lễ hội được diễn ra tại miếu và duy trì đều đặn hằng năm đến nay. Năm 1995, Hội đền Đức Thánh Trần đứng ra quyên góp xây dựng miếu bằng xi măng, nền lát gạch bông, mái lợp ngói. Năm 2001, Công ty TNHH Mỹ Lệ cùng một số doanh nghiệp trong vùng đứng ra xây dựng chính điện mới có diện tích 225m2 bằng xi măng cốt thép, mái lợp ngói, năm 2009 xây cổng tam quan của miếu. Đến năm 2013, miếu Bà được nâng cấp, tu bổ, chỉnh trang lại khang trang, phù hợp địa hình, hài hòa cảnh quan và thuận tiện về giao thông.
Một trong những hạng mục di tích tại nơi phát tích gốc Cây Cầy |
Còn di tích miếu Bà tại nơi phát tích (Cây Cầy) hiện tọa lạc trên khuôn viên đất có diện tích hơn 4.500m2. Tại đây năm 1943, thực dân Pháp và tay sai đã chôn sống nhiều tù chính trị bị tù đày ở Bà Rá. Sau giải phóng, UBND huyện Phước Long (nay là thị xã Phước Long) đã dựng bia tưởng niệm với nội dung: “Bia tưởng niệm các chiến sĩ cách mạng bị thực dân Pháp tù đày năm 1940-1945 tại Bà Rá đã hy sinh, chôn cất nơi đây”. Đến năm 2004, với sự tài trợ của Công ty TNHH Mỹ Lệ, chính quyền địa phương cùng người dân trong huyện đã trùng tu, nâng cấp các hạng mục miếu và nhà bia quy mô khang trang hơn.
Điểm đến tâm linh hấp dẫn
Thờ Mẫu ở miếu Bà là loại hình tín ngưỡng thờ Mẫu ở Nam bộ. Đạo Mẫu đã đi vào cuộc sống người Việt Nam nói chung và cư dân Nam bộ nói riêng như một lẽ tự nhiên với sự sùng bái, tôn kính đặc biệt. Người ta tìm đến nơi này như tìm về cội nguồn, tìm đến sự che chở, như một thứ tình cảm đặc biệt đầy thiêng liêng, giúp họ xua tan nỗi nhọc nhằn, băn khoăn hằng ngày, những bất hạnh, khổ đau và hướng về sự bình yên, may mắn.
Từ thành phố Đồng Xoài di chuyển theo đường ĐT741 đến thị xã Phước Long ngày nay 40km thì gặp miếu Bà. Di tích nằm ở khu dân cư, sát đường ĐT741, đối diện Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Phước Long thuộc khu phố Bình Giang 2, phường Sơn Giang.
Khi người Việt vào khai phá vùng đất Nam bộ, tín ngưỡng thờ Mẫu có nguồn cội từ quê cha đất tổ được lưu dân tiếp tục phát triển ở vùng đất mới. Ở Nam bộ, truyền thống trọng nữ được người Việt sáng tạo và phát triển qua các giai đoạn khác nhau. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu Nam bộ, nổi bật là thờ Bà Chúa Xứ ở núi Sam (tỉnh An Giang), thờ Linh Sơn Thánh Mẫu ở núi Bà Đen (tỉnh Tây Ninh) và thờ Bà Rá ở Sơn Giang (thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước). Ba vị thánh Mẫu quan trọng nhất ở Nam bộ được đặt ở vị trí đặc biệt, trên 3 ngọn núi cao nhất Nam bộ, là vùng tiếp giáp biên giới. Chính tâm thức của người dân có nhu cầu, có khát vọng về một cuộc sống bình an, hạnh phúc đã dẫn đến việc đặt vị trí thờ tự như trên.
Tín ngưỡng thờ Mẫu đã góp phần xây dựng và tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ Việt Nam truyền thống. Đó là hình ảnh về bà mẹ xứ sở: bà mẹ rừng, mẹ đất, mẹ nước mang ý nghĩa vũ trụ, che chở cho những đứa con trần gian. Đó là hình ảnh thực về những người mẹ Việt Nam tần tảo làm lụng, yêu chồng thương con, hiếu thuận cùng cha mẹ. Đặc biệt, đó là hình ảnh về người phụ nữ Việt Nam tài hoa, yếu đuối nhưng không chịu khuất phục trước cường quyền đứng lên đòi quyền bình đẳng với nam giới. Quan niệm của người Việt: “Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ”. Do đó, hằng năm miếu Bà đã trở thành điểm đến tâm linh hấp dẫn của đông đảo khách thập phương trong và ngoài tỉnh (từ mồng 1 đến mồng 3 tháng 3 âm lịch) để vía Bà.
BAN QUẢN LÝ MIẾU BÀ RÁ THÔNG BÁO
CHƯƠNG TRÌNH LỄ HỘI MIẾU BÀ RÁ NĂM 2021
VÀ LỄ CÔNG BỐ QUYẾT ĐỊNH ĐƯA VÀO DANH MỤC
DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ QUỐC GIA
* Ngày 12-4-2021, nhằm ngày mùng 1 tháng 3 năm Tân Sửu:
- Từ 7 giờ đến 8 giờ 00: Múa lân khai hội.
- Từ 8 giờ đến 9 giờ 00: Ban quản lý Miếu Bà dâng hương trình lễ.
- Từ 14 giờ đến 16 giờ: Cúng Nhà bia tưởng niệm (đọc văn tế, ca múa nhạc lễ tại gốc Cây Cầy).
- Từ 9 giờ đến 22 giờ 00: Bá tánh cúng lễ.
* Ngày 13-4-2021, nhằm ngày mùng 2 tháng 3 năm Tân Sửu:
- Từ 7 giờ đến 8 giờ: Múa lân chào mừng, tiếp đón khách.
- Từ 8 giờ đến 9 giờ 30: Lễ công bố “Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia”.
- Từ 9 giờ 30 đến 10 giờ 00: Đại biểu và các đoàn khách mời dâng hương.
- Từ 14 giờ đến 16 giờ: Cúng tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Phước Long.
- Từ 16 giờ đến 18 giờ 00: Lễ Tiên thưởng.
- Từ 19 giờ đến 22 giờ 00: Hát Bội phục vụ lễ hội.
* Ngày 14-4-2021, nhằm ngày mùng 3 tháng 3 năm Tân Sửu:
- Từ 6 giờ 00 đến 10 giờ 30: Rước kiệu Bà.
- Từ 10 giờ đến 11 giờ: Lễ Chánh tế.
* Ngày 15-4-2021, nhằm ngày mùng 4 tháng 3 năm Tân Sửu:
- Từ 10 giờ: Ban Quản lý Miếu Bà hậu lễ.
Theo Bùi Liêm/Báo Bình Phước
Liên kết website
Ý kiến ()