Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 20:27 (GMT +7)
Di sản văn hóa phi vật thể: Gìn giữ để phát triển
Chủ nhật, 03/12/2023 | 06:50:58 [GMT +7] A A
Với 362 di sản phi vật thể, 637 di sản vật thể, Quảng Ninh tự hào khi là một trong ít địa phương có hệ thống di sản văn hóa dày đặc, là nguồn tài nguyên quý giá, bền vững của tỉnh. Trong những năm qua, bằng nhiều nguồn lực, tỉnh đã đầu tư tôn tạo, phát huy giá trị nhiều di sản nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng. Qua đó, góp phần tôn vinh, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân.
Kho tàng di sản văn hóa quý giá
Quảng Ninh hiện có 362 di sản văn hóa phi vật thể với 7 loại hình gồm: Loại hình tiếng nói, chữ viết là 7 di sản; loại hình ngữ văn dân gian là 14 di sản; loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian là 25 di sản; loại hình tập quán xã hội là 165 di sản; loại hình lễ hội truyền thống là 75 di sản; loại hình nghề thủ công truyền thống là 26 di sản; loại hình tri thức dân gian là 50 di sản.
Trong đó, có 12 di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Then nghi lễ tộc người Tày, huyện Bình Liêu; Hát nhà tơ (hát cửa đình) tỉnh Quảng Ninh; Lễ hội đền Cửa Ông, phường Cửa Ông, TP Cẩm Phả; Lễ hội Tiên Công, phường Cẩm La, TX Quảng Yên; Lễ hội đình Quan Lạn, xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn; Lễ hội đình Trà Cổ, phường Trà Cổ, TP Móng Cái; Lễ hội truyền thống Bạch Đằng (TX Quảng Yên); Nghệ thuật trình diễn dân gian hát soóng cọ của người Sán Chỉ tỉnh Quảng Ninh; Nghệ thuật trình diễn dân gian hát soọng cô của người Sán Dìu tỉnh Quảng Ninh; Lễ hội đình Đầm Hà, thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà; Lễ hội đình Vạn Ninh, xã Vạn Ninh, TP Móng Cái và Lễ hội Xuống đồng, phường Phong Cốc, TX Quảng Yên. Đặc biệt, di sản Then của người Tày là một trong số 11 tỉnh có Then Tày, Nùng, Thái Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Toàn tỉnh hiện có 118 lễ hội, trong đó có 80 lễ hội truyền thống. Để các di sản văn hóa phi vật thể tiếp tục bám rễ và sống bền bỉ trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, các địa phương của tỉnh đều quan tâm huy động các nguồn lực duy trì tổ chức hiệu quả các lễ hội văn hoá, lịch sử truyền thống hằng năm. Đặc biệt, nhiều lễ hội đã được phục dựng thành công, bài bản, đúng bản sắc truyền thống của dân tộc thiểu số Dao, Tày, Sán Chỉ, Sán Dìu... Qua đó, trao truyền đạo lý, tình cảm, khát vọng thúc đẩy tính cố kết cộng đồng, tình yêu quê hương, đất nước, khơi dậy lòng biết ơn, niềm tự hào về nguồn cội dân tộc và lịch sử anh hùng của đất nước.
Cùng với đó, các địa phương cũng triển khai nhiều chương trình, dự án liên quan đến bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực quản lý, thực hành, truyền dạy, bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể; thành lập các câu lạc bộ văn nghệ truyền thống; tổ chức các liên hoan, hội thi, hội diễn, giao lưu văn hóa, văn nghệ truyền thống, thi đấu thể dục thể thao và trò chơi dân gian... Từ đây, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số thoát khỏi nguy cơ mai một.
Bên cạnh đó, công tác tôn vinh công lao của các nghệ nhân đóng góp trong việc bảo tồn, truyền dạy, phát huy di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh cũng được quan tâm, khích lệ. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã có 2 nghệ nhân nhân dân và 36 nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tỉnh Quảng Ninh cũng là địa phương đầu tiên của cả nước xây dựng website di sản của tỉnh nhằm xây dựng hệ thống lưu trữ, khai thác dữ liệu số về di sản.
Nguồn lực phát triển du lịch
Quảng Ninh là địa phương có nhiều dân tộc sinh sống, tạo nên hệ thống di sản văn hóa đa dạng, phong phú. Trong đó, các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đều mang sắc thái độc đáo, thể hiện bản sắc đặc trưng riêng của các địa phương trong tỉnh, tạo nguồn lực tiềm năng lợi thế trong phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch.
Theo đó, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng mô hình một số thôn, làng, bản trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, gắn với phục vụ phát triển du lịch. Đến nay đã hoàn thành việc xây dựng bản Dao Thanh Y, xã Bằng Cả (TP Hạ Long) trở thành một điểm du lịch văn hóa với các điệu múa trống trong lễ cấp sắc, múa lễ cầu mùa, hát sán cố do người dân trong xã Bằng Cả biểu diễn.
UBND huyện Bình Liêu hoàn thiện Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030 (tại Bản Cáu, xã Lục Hồn)”; đang hoàn thiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lục Ngù, xã Húc Động giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
UBND huyện Vân Đồn đã phê duyệt đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn giai đoạn 2020-2022”, xây dựng Trung tâm VH-TT xã kết hợp với Nhà truyền thống Sán Dìu, tổ chức ngày hội văn hóa tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Sán Dìu huyện Vân Đồn từ năm 2021.
Cùng với đó, các địa phương cũng thực hiện bảo tồn, phát huy một số bộ môn nghệ thuật dân tộc trở thành sản phẩm văn hóa phục vụ khách du lịch như: Múa rối, hát chèo, các làn điệu dân ca của đồng bào dân tộc thiểu số..., được biểu diễn tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Sân bay quốc tế Vân Đồn, tại các lễ hội và cùng du khách trên các hành trình, tuyến điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
Bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng là động lực để tỉnh Quảng Ninh đạt được mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()