Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 07:39 (GMT +7)
"Di sản lễ hội tạo ra sản phẩm du lịch hấp dẫn"
Chủ nhật, 05/01/2025 | 06:04:21 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có 76 lễ hội dân gian truyền thống, tập trung chủ yếu vào mùa xuân, tạo thành sản phẩm du lịch lễ hội hấp dẫn du khách. Bên lề hội thảo “Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản của thành phố Hạ Long trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” tổ chức ngày 26/12/2024, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Đỗ Danh Huấn, nghiên cứu viên Viện Sử học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam, là người quan tâm nghiên cứu nhiều về văn hóa làng quê, di sản lễ hội, về vấn đề này.
- Thưa Tiến sĩ, ông có nhận xét như thế nào về bức tranh lễ hội truyền thống ở Quảng Ninh?
+ Lễ hội là một bộ phận của di sản văn hóa, mà các lễ hội truyền thống ở Quảng Ninh cũng không nằm ngoài phạm vi đó, nó được sáng tạo, bảo tồn, trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi những cư dân sống trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh từ xưa đến nay.
Một số lễ hội truyền thống tiêu biểu ở Quảng Ninh có thể kể tới như: Lễ hội Yên Tử, lễ hội đền Cửa Ông, lễ hội đình Trà Cổ, lễ hội Bạch Đằng, lễ hội chùa Long Tiên, lễ hội đình Quan Lạn, lễ hội đình Đầm Hà, lễ hội đền Bà Men, lễ hội Tiên công...
Các lễ hội này có quy mô cấp tỉnh, cấp vùng hoặc cấp quốc gia, có 8 lễ hội đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia... Quảng Ninh là địa phương có địa hình, không gian hội đủ 3 vùng đó là vùng núi, vùng đồng bằng và vùng biển đảo, với điều kiện địa hình như vậy đã tạo nên nét đặc sắc trong lễ hội.
- Theo ông, lễ hội Quảng Ninh có điều gì tương đồng so với các lễ hội cổ truyền Việt Nam nói chung?
+ Về nhịp điệu và thời gian, lễ hội ở Quảng Ninh cũng mang nét đồng điệu với lễ hội cổ truyền của dân tộc Việt Nam. Đó là các lễ hội chủ yếu diễn ra vào mùa xuân, và gắn với nhịp điệu của sản xuất - xuân thu nhị kỳ. Từ kết quả thống kê lễ hội ở một số địa phương của Quảng Ninh cho thấy, lễ hội diễn ra vào mùa xuân chiếm 30/46 lễ hội. Trong khi đó, lễ hội diễn ra vào mùa hè có 12 lễ hội, xếp sau là mùa thu 2 lễ hội, mùa đông có 2 lễ hội.
- Về không gian, có nhiều lễ hội ở Quảng Ninh liên quan đến văn hoá biển. Ông có suy nghĩ như thế nào về câu chuyện này?
+ Điều đặc biệt, theo thống kê các lễ hội ở một số địa phương ở Quảng Ninh, người ta nhận ra rằng, các lễ hội gắn với văn hóa biển chiếm số lượng và ưu thế vượt trội so với khu vực nội đồng. Có lẽ, Quảng Ninh là vùng đất chịu sự chi phối và tác động nhiều bởi yếu tố biển, nên sinh hoạt văn hóa và lối sống của cư dân vẫn còn bảo lưu nhiều yếu tố biển, mà thể hiện sinh động là trong lễ hội cổ truyền. Kết quả thống kê cho thấy, các lễ hội ở vùng hải đảo chiếm 43%, tiếp đến là vùng ven biển chiếm 37%, cuối cùng và thấp nhất là lễ hội ở vùng nội đồng chỉ chiếm 20%.
- Lễ hội là của cộng đồng do cộng đồng sáng tạo ra. Vậy theo ông, để duy trì và phát triển lễ hội thì cần những giải pháp như thế nào?
+ Quảng Ninh là tỉnh có nhiều di sản văn hóa - lịch sử và thiên nhiên, do đó việc kết hợp giữa di sản văn hóa và di sản thiên nhiên sẽ tạo nên thế mạnh trong phát triển kinh tế, cụ thể là kinh tế di sản. Đây là lợi thế để chúng ta có thể phát huy giá trị của nó trong chiến lược phát triển kinh tế dựa vào di sản của Quảng Ninh, kết hợp với ưu thế mà thiên nhiên ban tặng. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc đặt di sản lễ hội trong không gian văn hoá vùng Đông Bắc.
- Ông có thể phân tích rõ hơn vấn đề này?
+ Như tôi đã nói ở trên, các lễ hội truyền thống của Quảng Ninh, trong đó đa phần các lễ hội gắn với không gian biển, văn hóa biển và gắn với lịch sử của dân tộc. Một khi đặt hệ thống lễ hội trong quan hệ với danh thắng và di sản thiên nhiên như Yên Tử và đặc biệt là Vịnh Hạ Long, để phục vụ mục tiêu lớn nhất là phát triển du lịch, thì sẽ phát huy hiệu quả giá trị của lễ hội cho phát triển kinh tế di sản. Trong đó, ưu tiên số một phải lấy Di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long làm trung tâm của kinh tế di sản. Các lễ hội truyền thống ở các địa phương, các khu vực phụ cận đóng vai trò là vệ tinh, bổ trợ và làm phong phú thêm cho các tour các tuyến, các sản phẩm du lịch hướng về Hạ Long. Tại vì tính chất biển ưu trội của nhiều lễ hội Quảng Ninh nên không có lý do gì mà không tích hợp các lễ hội biển với di sản Vịnh Hạ Long. Từ đó, chúng ta một mặt bảo tồn di sản lễ hội, mặt khác còn huy động sức mạnh tổng thể cùng phục vụ một mục đích chung là phát triển kinh tế - xã hội.
- Vai trò của cộng đồng trong câu chuyện này được thể hiện như thế nào, thưa ông?
+ Để phát huy được giá trị của di sản trong phát triển kinh tế cần có sự phối hợp từ chính quyền các cấp ở địa phương, đến các đơn vị tổ chức lữ hành, du lịch. Và cuối cùng là vai trò và sự tham gia tích cực, chuyên nghiệp của người dân, sẽ giúp chuyển hóa các giá trị của di sản thành giá trị kinh tế.
Sinh hoạt lễ hội là sinh hoạt văn hoá cộng đồng không chỉ là sinh hoạt cộng đồng của dân cư bản địa mà còn của du khách đến từ nhiều vùng khác. Do đó, hoà mình vào không khí lễ hội, nghĩa là du khách đã được trải nghiệm, được trao truyền các giá trị văn hoá. Do vậy, tính chất bảo tồn đã có sẵn ở hoạt động đó.
Tại các lễ hội ở Quảng Ninh, những trò chơi truyền thống như đua thuyền, các đám rước, các tập tục dân gian gắn với lễ hội cũng cần được lan tỏa, để du khách có thể trực tiếp trải nghiệm. Nhập vai vào các hình thức diễn xướng đó, người trải nghiệm không chỉ là du khách, mà còn như một người dân thực thụ, một thành viên trong cộng đồng có lễ hội...
- Gần đây, bên cạnh các lễ hội truyền thống, Quảng Ninh cũng có nhiều lễ hội hiện đại khá hấp dẫn khách du lịch. Ông nhìn nhận như thế nào về câu chuyện này?
+Những năm gần đây, bên cạnh các lễ hội truyền thống, các nhà quản lý văn hoá đã tổ chức những lễ hội hiện đại. Tôi cho rằng, đây là hướng tiếp cận văn hoá du lịch rất tốt. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, việc tích cực học hỏi giao lưu tiếp xúc văn hoá để làm phong phú văn hoá Quảng Ninh nói riêng, Việt Nam nói chung. Điều này cũng góp phần đáp ứng đầy đủ nhu cầu khách du lịch cần trải nghiệm cả truyền thống lẫn văn hoá hiện đại, cả Đông cả Tây.
- Để phát triển kinh tế di sản thì Quảng Ninh có thể tiếp cận từ góc độ du lịch lễ hội như thế nào?
+ Quảng Ninh với tiềm năng và trữ lượng di sản văn hóa và di sản thiên nhiên như vậy, nên việc chuyển hóa di sản thành tài sản đã và đang được triển khai trong nhiều năm qua, nhưng trong thời gian tới cần được phát huy hơn nữa để xứng tầm với vị thế mà Quảng Ninh đã có. Với tinh thần đó, Quảng Ninh có thể khai thác triệt để các giá trị của di sản, trong đó có lễ hội với phương châm biến di sản thành tài sản.
Một lưu ý quan trọng là, để phát triển kinh tế di sản thì lễ hội không thể đứng đơn lẻ, mà phải có kết nối hệ thống, kết nối vùng với các di sản khác, các thực thể ngoài lễ hội, đây mới là yếu tố quan trọng để duy trì sự sống của di sản lễ hội. Chính vì vậy, để làm phong phú thêm các trải nghiệm, giúp du khách hòa mình vào các lễ hội cổ truyền ở Quảng Ninh.
- Có thể nào khai thác văn hóa biển làm một sợi dây kết nối các lễ hội truyền thống ở Quảng Ninh?
+ Đúng vậy. Trong sự kết nối lễ hội cần ưu tiên hướng tiếp cận ra biển đảo là: Khai thác tiềm năng du lịch biển tại Quan Lạn, Cô Tô và nhiều địa điểm khác để phát huy tối đa lợi thế thiên nhiên ban tặng trải nghiệm làm ngư dân, tham gia chế biến các sản phẩm từ biển, thưởng thức ẩm thực biển cùng nhiều hoạt động khác mà không gian biển đảo cho phép.
- Theo ông, Quảng Ninh cần có những giải pháp cụ thể như thế nào để phát huy giá trị di sản lễ hội?
+ Tiềm năng và lợi thế trong kinh tế di sản của Quảng Ninh là điều không thể phủ nhận, trong nhiều năm qua, Quảng Ninh đã quan tâm, đầu tư và thúc đẩy phát triển kinh tế di sản, trong đó, lấy không gian trọng tâm và lực hút lớn nhất là Di sản Vịnh Hạ Long. Từ Hạ Long, các hợp phần quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là các chương trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản để triển khai và mở rộng, cũng như thiết kế tour, tuyến kết nối.
Thực tế, khi phát huy giá trị di sản lễ hội cần có các giải pháp đồng bộ, sự tham gia của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, trong đó coi trọng vai trò chủ thể của lễ hội là nhân dân. Đồng thời phải đặt lễ hội trong một không gian quy hoạch tổng thể của hệ thống di sản. Làm tốt điều này là tạo ra môi trường cho lễ hội để hướng tới khai thác tốt hơn giá trị của lễ hội với kinh tế di sản. Trước mắt, theo tôi nên có riêng một hội thảo chuyên đề đánh giá tiềm năng, triển vọng của hệ thống di sản lễ hội Quảng Ninh, bổ khuyết những cái mà lâu nay chúng ta đã làm nhưng chưa quan tâm nhiều.
- Cám ơn Tiến sĩ đã trả lời phỏng vấn!
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()