Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:09 (GMT +7)
Đi một ngày đàng...
Thứ 3, 18/05/2021 | 16:55:18 [GMT +7] A A
Sau khi tham gia những lớp học, khóa bồi dưỡng ở nước ngoài, họ đã mang những kiến thức, kinh nghiệm, cách làm hay... để áp dụng vào thực tiễn, qua đó, góp phần mang lại những kết quả khả quan. Đó cũng là kỳ vọng của tỉnh khi đưa cán bộ các sở, ban, ngành, địa phương đi học tập, bồi dưỡng ở nước ngoài trong thời gian qua.
Anh Ngô Tất Thắng nhận quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tháng 7/2020. |
"Gieo hạt giống" OCOP
“Kinh nghiệm thành công của các nước khác là con đường ngắn nhất giúp mình cũng thành công. Do đó tôi dành nhiều thời gian tìm hiểu những quốc gia có nền nông nghiệp phát triển mạnh mẽ như: Israel, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan nhằm tìm kiếm những tư liệu, bài học để giải quyết bài toán cho ngành nông nghiệp địa phương” - Anh Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, chia sẻ.
Kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... trong phát triển nông thôn, điển hình là phong trào Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) của Nhật Bản và chương trình Mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP) của Thái Lan cho thấy việc khai thác, phát triển thế mạnh của sản vật địa phương thông qua sự vào cuộc đồng bộ, nhất quán, xuyên suốt của Nhà nước sẽ là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Từ đó, anh Ngô Tất Thắng khi đó là Trưởng Phòng Công tác khu vực miền Tây (Ban Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Quảng Ninh) và ban lãnh đạo cơ quan đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án mỗi xã, phường một sản phẩm, còn gọi là OCOP. Trong Đề án nhấn mạnh những mô hình điển hình về phong trào Mỗi làng một sản phẩm mà Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc đã và đang triển khai. Đặc biệt là sự thành công, tính lan tỏa của phong trào đối với sự phát triển KT-XH của từng địa phương, quốc gia. Từ đó, đề xuất mục tiêu, lộ trình và những giải pháp để vận dụng vào Quảng Ninh.
Anh Ngô Tất Thắng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cùng đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tham quan, học tập kinh nghiệm tại Israel. |
Tháng 10/2013, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2870/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Tỉnh Quảng Ninh - mỗi xã, phường một sản phẩm” giai đoạn 2013-2016. Khi Đề án bắt đầu triển khai, anh Thắng tham gia trực tiếp vào quá trình cụ thể hóa những mục tiêu, nhiệm vụ được xây dựng trong Đề án. Bằng kinh nghiệm, kiến thức có được sau khi đi học ở nước ngoài về, anh đã truyền đạt, phổ biến cho mọi người và vận dụng thành công vào thực tiễn tại Quảng Ninh.
Đến nay, Chương trình OCOP Quảng Ninh đã gây được tiếng vang lớn khi hiện thực hóa mục tiêu phát triển các sản phẩm có thế mạnh của địa phương theo hướng hàng hoá tập trung, góp phần làm tăng hiệu quả, giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân nông thôn. Đồng thời tạo động lực căn bản cho thành công của chương trình xây dựng NTM. Từ thành công của Quảng Ninh, Trung ương đã triển khai nhân rộng chương trình OCOP ra các tỉnh, thành phố khác trong cả nước.
Biến ngưỡng mộ thành hiện thực
“Ấn tượng đầu tiên của tôi khi đến với các làng nông thôn ở Quảng Tây, Trung Quốc đó là quy hoạch gọn gàng, sạch đẹp, tranh thủ được diện tích đất để canh tác hiệu quả. Những thôn, làng mà chúng tôi đã tham quan, những kinh nghiệm quý về vận động nhân dân tham gia xây dựng cảnh quan thiên nhiên xanh, sạch, vệ sinh đều đã được tôi áp dụng vào thực tiễn tại thôn” – Bà Nguyễn Thị Hồi, Bí thư Chi bộ thôn Sán Xế Đông, xã Đông Ngũ, Tiên Yên, cho biết.
Bà Nguyễn Thị Hồi, Bí thư Chi bộ thôn Sán Xế Đông, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên, vận động người dân tham gia xây dựng NTM. |
Năm 2016, bà Hồi tham gia lớp bồi dưỡng chuyên đề “Mô hình NTM của Trung Quốc” tại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc. 7 ngày học tập tại Quảng Tây đã gợi mở cho nữ Bí thư Chi bộ thôn nhiều sáng kiến, cách làm về xây dựng NTM tại quê hương. Từ những ấn tượng về miền quê nông thôn Trung Quốc khang trang, sạch đẹp, gọn gàng, bà đã vận động bà con trong thôn Sán Xế Đông nêu cao tinh thần tự giác, giữ gìn vệ sinh chung; duy trì việc dọn dẹp đường làng ngõ xóm; triển khai xây dựng các đường hoa, cây cảnh; chỉnh trang khuôn viên, nhà cửa sạch đẹp. Nhờ đó, Sán Xế Đông đã trở thành điểm sáng trong thực hiện các phong trào xây dựng NTM không chỉ riêng của Tiên Yên mà cả tỉnh.
“Vẫn là nông thôn ấy, làng xóm ấy nhưng hôm nay, tất cả đã khoác lên mình tấm áo mới, sức sống mới. Sự thay đổi từ mỗi con đường, mỗi hàng cây, khóm hoa đều có bàn tay chăm sóc, ý thức nâng niu, gìn giữ của người dân trong thôn xóm. Chúng tôi vẫn khẳng định với nhau rằng chính ý thức, văn hóa trong nếp sống, nếp nghĩ của người dân đã góp phần quan trọng tạo nên "chất" NTM của địa phương” - Bà Hồi tâm sự.
Những tuyến đường khang trang, sạch đẹp tại thôn Sán Xế Đông, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên hôm nay. |
Nhìn vào cách làm của các quốc gia phát triển
Kinh nghiệm từ một quốc gia được mệnh danh là một trong những “con rồng” châu Á với sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc là bài học cho Việt Nam nói chung cũng như Quảng Ninh nói riêng về chiến lược đầu tư, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, an toàn, thân thiện. Đây là chia sẻ của ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND TX Quảng Yên, sau thời gian tham gia Lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Singapore vào năm 2019.
Ông Trần Đức Thắng, Chủ tịch UBND TX Quảng Yên (ngoài cùng bên trái) trao đổi với nhà đầu tư nước ngoài. |
Thực tế cho thấy, nhiều năm nay, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đang tập trung xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, thủ tục đơn giản để thu hút các nhà đầu tư. Nhờ đó, tỉnh đã và đang đạt được nhiều kết quả tích cực khi trở thành điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp. Từ kinh nghiệm của Singapore cũng như các nước khác trên thế giới, TX Quảng Yên cũng đã và đang áp dụng những bài học quý từ những quốc gia đi trước để không ngừng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại địa phương. Nhất là khi Quảng Yên đã được Chính phủ công nhận là Khu kinh tế ven biển. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức của Quảng Yên.
Theo đó, thị xã sẽ tập trung vào thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược liên quan đến hạ tầng đồng bộ, nhân lực chất lượng cao và cải cách hành chính mà trọng tâm là đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Song song với đó, thị xã cũng đang tập trung quản lý chặt chẽ quỹ đất, quy hoạch; bám sát chủ trương đầu tư của tỉnh để lựa chọn nhà đầu tư tiềm năng. Đồng thời xây dựng thái độ cầu thị, chân thành, cởi mở và luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp. Phương châm này sẽ luôn được cấp ủy, chính quyền TX Quảng Yên thực hiện xuyên suốt nhằm thiết lập các cơ chế thông thoáng, môi trường thân thiện, an toàn với nhà đầu tư.
Xây dựng những sản phẩm tối ưu nhất
“15 ngày học tập về mô hình trung tâm điều hành thành phố thông minh đã cho chúng tôi nhiều trải nghiệm cũng như kinh nghiệm quý để đóng góp phục vụ quá trình xây dựng mô hình này tại Quảng ninh ” - anh Nguyễn Văn Định, Phó Trưởng Phòng Công nghệ Thông tin, Trung tâm Thông tin, Văn phòng UBND tỉnh, chia sẻ.
Năm 2019, anh Định cùng 18 thành viên khác là cán bộ lãnh đạo, chuyên viên các sở, ngành, đơn vị của tỉnh tham gia lớp bồi dưỡng nghiên cứu mô hình đặc khu và xây dựng thành phố thông minh tại Thẩm Quyến, Trung Quốc. Khóa học diễn ra trong 2 tuần với nhiều chuyên đề liên quan đến kinh nghiệm, cách thức triển khai, vận hành mô hình thành phố thông minh.
Anh Vũ Văn Định (thứ 2, bên phải) tại Lễ bế giảng lớp bồi dưỡng nghiên cứu mô hình đặc khu và thành phố thông minh tại Thẩm Quyến, Trung Quốc năm 2019. |
Từ chủ trương có thể thấy được rằng việc triển khai thành phố thông minh là một trong những hướng đi được nhiều nước phát triển trên thế giới đón đầu áp dụng nhằm tối ưu hóa công nghệ để giải quyết những áp lực lên đô thị. Qua kinh nghiệm của nước bạn, tham gia phối hợp với đơn vị tư vấn để hoàn thiện hạ tầng và vận hành Trung tâm điều hành thành phố thông minh, anh Định đã đề xuất một số kiến nghị đến lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và đơn vị thiết kế là Công ty CP Tiến bộ quốc tế AIC những giải pháp để quá trình triển khai các nền tảng, thành phần của “bộ não số” tỉnh Quảng Ninh được hiệu quả, đồng bộ. Đơn cử như việc xây dựng hệ thống Camera AI giám sát giờ làm việc của cán bộ tại Trung tâm Hành chính công cấp huyện và bộ phận tiếp công dân cấp huyện; xây dựng những sản phẩm kết nối hiển thị thông tin dữ liệu của tỉnh…
Hiện tại, Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh đã được khai trương từ tháng 9/2019 và đưa vào vận hành thử nghiệm 5 hợp phần thí điểm, gồm: Xem báo cáo và gửi báo cáo; chỉ đạo - điều hành, quản lý văn bản, quản lý lịch làm việc, quản lý nhiệm vụ, chương trình họp thông minh; hệ thống quản lý, giám sát camera và cảm biến; hệ thống giám sát an ninh - an toàn thông tin; hệ thống hiển thị thông minh nhiều lớp trên bản đồ GIS.
Đây là những nền tảng quan trọng để vừa nâng cao hiệu quả điều hành của chính quyền, vừa mang lại cho người dân những trải nghiệm mới của mô hình đô thị thông minh. Hiện Trung tâm cũng đã có thể quản lý và giám sát từ tổng thể đến chi tiết từng tình huống diễn ra trong thực tế ở tất cả các lĩnh vực, đời sống xã hội thông qua dữ liệu thu thập từ hơn 2.000 camera giám sát được lắp đặt tại nhiều địa điểm công cộng, tuyến giao thông, cơ quan, đơn vị, trường học… trên địa bàn toàn tỉnh.
Anh Vũ Văn Định (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng nghiệp trong Lễ khai trương Trung tâm Điều hành thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh. |
“Phát huy những kiến thức, kinh nghiệm có được, tôi cùng đội ngũ cán bộ CNTT của cơ quan sẽ tiếp tục tham gia phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn thiện những hạng mục khác của Dự án Trung tâm điều hành thành phố thông minh Quảng Ninh. Qua đó, xây dựng được sản phẩm hoàn chỉnh và tối ưu nhất” - Anh Định cho biết.
Từ năm 2015-2020, Quảng Ninh đã tổ chức 621 lớp đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước với 32.821 học viên. Tổng kinh phí chi cho đào tạo là 259 tỷ đồng. Trong đó, đào tạo trong nước là 553 lớp với 31.049 học viên; đào tạo nước ngoài là 60 lớp với 1.392 học viên. Đáng chú ý có gần 800 cán bộ quản lý cấp phòng và cán bộ chuyên sâu (chưa giữ chức vụ) của các sở, ban, ngành, địa phương và đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã, bí thư chi bộ, trưởng thôn, khu phố được tham gia các lớp bồi dưỡng tại nước ngoài. |
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()