Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:35 (GMT +7)
Đột phá đi lên từ mũi nhọn công nghệ
Chủ nhật, 04/09/2022 | 14:06:03 [GMT +7] A A
Tận dụng cơ hội từ KH&CN, cốt lõi là thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp đã có được sức bật mạnh mẽ, tạo đột phá về tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng.
Để vươn lên trở thành những đầu tàu
Hơn một thập kỷ đứng chân trên địa bàn tỉnh, Công ty CP Gốm Đất Việt (TX Đông Triều) đã trở thành một “ông lớn” trong ngành sản xuất vật liệu xây dựng với sự hiện diện tại 63 tỉnh, thành trong nước và 51 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Để có được thành tựu ngày hôm nay, “người thuyền trưởng” của Gốm Đất Việt - Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu chia sẻ: "Chúng tôi luôn coi KH&CN là ưu tiên hàng đầu. Vì chỉ có con đường thay đổi công nghệ mới làm thay đổi chất lượng sản phẩm, giảm lao động chân tay, nâng cao năng suất lao động, để từ đó phát triển bền vững, khẳng định thương hiệu, uy tín".
Kiên trì với mục tiêu đó, trên hành trình phát triển của mình, Công ty tập trung đầu tư cho công nghệ với những thiết bị hiện đại, tiên tiến, đồng thời chú trọng cải tiến quy trình làm việc. Công ty hiện sở hữu dây chuyền sản xuất hiện đại nhất trên thế giới, là đơn vị tiên phong trong ứng dụng KH&CN. Từ tháng 4/2020, Công ty lắp đặt hệ thống nghiền phối liệu siêu mịn sản xuất gạch Cotto, là dây chuyền đầu tiên trong ngành đất sét nung Việt Nam. Công nghệ này cho ra đời dòng sản phẩm mới có chất lượng cao với bề mặt mịn, màu tươi, chịu độ va đập cao, độ mài mòn vượt trội so với tất cả những sản phẩm sản xuất cùng chất liệu. Cùng với đó, Công ty ưu tiên vận hành robot cho các khâu sản xuất nặng nhọc, như: Bốc xếp sản phẩm, dập cắt pavia tự động, đóng dán vỏ hộp... Qua đó giảm số lượng công nhân cho một quy trình, tạo mặt bằng xưởng sản xuất thoáng gọn, tiết kiệm chi phí. Đến nay, năng suất của Công ty đạt 8 triệu m2 QTC/năm, gấp 2 lần so với công suất thiết kế, doanh thu bình quân 311 tỷ đồng/năm.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp ghi nhận nhiều doanh nghiệp có sự đột phá trong tăng trưởng với sức mạnh từ KH&CN. Trong đó phải kể đến các đơn vị ngành Than với hàng loạt các máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ khai thác, sản xuất, gia tăng giá trị hòn than, nâng cao hệ số an toàn lao động, thân thiện môi trường. Điển hình như: Máy khoan đường kính lớn, máy xúc thủy lực gầu ngược dung tích 12m3; hệ thống vận tải liên hợp ô tô - băng tải; sử dụng máy cày xới giảm khoan nổ mìn... trong khai thác than lộ thiên. Vì chống tiên tiến giá khung, giá xích, giàn chống tự hành; khấu than bằng máy khấu, máy bào; đào lò bằng máy khoan tự hành kết hợp với xúc bốc, máy đào lò liên hợp, các loại vì neo bê tông cốt thép, bê tông phun, neo chất dẻo, neo cáp trong đào và chống giữ đường lò trong khai thác hầm lò. Trong sàng tuyển, chế biến than - khoáng sản, các nhà máy tuyển than có công suất gần 20 triệu tấn/năm được cải tạo và đầu tư công nghệ mới để sản xuất than cám chất lượng tốt, xuất khẩu và sử dụng trong nước. Trong điều kiện khai thác than hầm lò ngày càng xuống sâu, các đơn vị đã đẩy mạnh áp dụng công nghệ hiện đại, nâng cao hiệu quả khai thác, đầu tư hệ thống lò chợ cơ giới hóa áp dụng ở nhiều diện sản xuất khác nhau.
Đặc biệt, trong thời đại chuyển đổi số, cải tiến phương pháp điều hành, quản lý vừa là yêu cầu cấp bách, vừa là giải pháp đa lợi ích cho doanh nghiệp. TKV đã xây dựng và ứng dụng nhiều giải pháp CNTT vào khâu quản lý, quản trị, điều hành doanh nghiệp, như: Hệ thống giám sát lưu chuyển dòng than - cung cấp các thông tin về khối lượng và chất lượng than tại các đơn vị một cách đầy đủ, trực quan; hệ thống quản lý và khai thác dữ liệu địa chất TKV; hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp để chuẩn hoá lại quy trình nghiệp vụ quản lý văn bản điều hành, tích hợp chữ ký số và tiến tới liên thông văn bản toàn Tập đoàn...
Ở các ngành khác, công nghệ cũng đang từng bước khẳng định vị trí quan trọng, tạo sự gia tăng vượt trội về năng suất, chất lượng. Trong đó phải kể đến công nghệ đã tạo ra chuyển động mạnh mẽ trong nông nghiệp. Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả) áp dụng hệ thống chuồng kín, đèn sưởi; máng ăn tự động; máy tiêm, máy bấm răng nanh; gắn chíp điện tử thẻ tai; hệ thống mái áp chống nóng bằng tôn lạnh; hệ thống quạt làm mát, phun tắm tự động... trong chăn nuôi lợn. Qua đó nâng cao chất lượng con giống, sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường. Nông dân TX Đông Triều sử dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ sâu; mỗi ngày có thể phun từ 70-80ha cây trồng các loại, tiết kiệm 30% chi phí thuốc trừ sâu, 90% lượng nước tưới, đồng thời bảo vệ sức khỏe nông dân, không bị ảnh hưởng trực tiếp do thuốc bảo vệ thực vật.
Công nghệ robot, trí tuệ nhân tạo đang được nhiều bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh áp dụng trong các khâu của khám, chữa bệnh và quản lý, vận hành. Qua đó, rút ngắn thời gian điều trị, mở rộng cơ hội cho người bệnh trong chăm sóc sức khỏe. Chất lượng giáo dục và đào tạo của tỉnh từng bước được nâng lên nhờ sự tham gia của các mô hình, thiết bị giáo dục hiện đại. Hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước được cải thiện và nâng cao thông qua thực hiện chuyển đổi số. An ninh quốc phòng ngày càng chuyên nghiệp hóa với sự trợ lực từ những công nghệ tiên tiến.
Tiếp bước trên hành trình đổi mới
Dưới sự “trợ lực” từ KH&CN, kinh tế - xã hội của tỉnh có những bước tiến nhanh, chắc chắn, đưa Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương có tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh trong nước. Đến nay, tỷ lệ sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao của tỉnh đạt 45,45% trên tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Với quan điểm công nghệ phải đi trước một bước để dẫn dắt các ngành, lĩnh vực phát triển, thời gian qua tỉnh đã dành nhiều ưu tiên cho phát triển KH&CN. Tỉnh đặt mục tiêu đẩy mạnh phát triển, ứng dụng KH&CN theo xu hướng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, từ đó phát triển kinh tế tri thức, tăng năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh hội nhập quốc tế, phát triển bền vững. Nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu, đổi mới, ứng dụng KH&CN đã được triển khai. Trong 10 năm qua, tỉnh đã ban hành hàng loạt nghị quyết chuyên đề về phát triển KH&CN, đồng thời dành sự quan tâm hàng đầu cho hoạt động này. Hằng năm, tỉnh bố trí ít nhất 4% ngân sách chi thường xuyên để phát triển KH&CN, ưu tiên vào những lĩnh vực trọng tâm: Dịch vụ du lịch, dịch vụ thương mại, y tế, giáo dục, công nghệ sinh học, CNTT; hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN...
Tiếp bước trên “chuyến tàu” công nghệ số, Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu về ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo, lấy đây là đòn bẩy để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh công nghiệp, dịch vụ hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực phía Bắc. Để đạt được mục tiêu này, nhiều giải pháp nâng cao vai trò của KH&CN sẽ được tỉnh tập trung đẩy mạnh những năm tới, như: Dành nguồn lực thích đáng cho KH&CN; phát triển đồng bộ hạ tầng, nhân lực KH&CN; tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, hiện đại; nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về KH&CN... Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số toàn diện, tận dụng triệt để thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 để tạo cơ hội bứt phá phát triển kinh tế - xã hội.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()