Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:45 (GMT +7)
Đi đền, chùa thế nào cho lòng an yên, tĩnh tại?
Thứ 3, 14/02/2023 | 09:09:13 [GMT +7] A A
Du xuân, vãng cảnh đền, chùa, đình, miếu đầu năm là nhu cầu thiết thực của nhiều người dân. Tuy nhiên, đi thế nào cho lòng an nhiên tự tại thì không phải ai cũng tìm ra được cách thức cho riêng mình.
Phong tục sắm lễ đi đền, chùa đầu năm và ngày thường là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, lâu đời của dân tộc ta, xuất phát từ tấm lòng thành kính dâng lên thần, phật. Nhiều người quan niệm đi lễ đền, chùa vào đầu xuân, nhất là đêm giao thừa, mùng 1 Tết hoặc rằm tháng Giêng để cầu mong cho cả tháng bình an, làm ăn may mắn, thuận buồm xuôi gió. Đi lễ những ngày này, thần thánh và tổ tiên, ông bà sẽ thông thương với con người, giúp lòng cầu nguyện thành hiện thực.
Thực tế, người ta đến đền, chùa, đi lễ hội xuân để cầu điều gì đó chứ rất ít người chỉ đến để tìm sự bình yên bằng cách thanh lọc tâm hồn, soi lại mình, tự vấn lương tâm, tránh xa những cám dỗ tội lỗi và có thêm sức mạnh, niềm tin vào sự thiện lương. Đi đền, chùa thực ra là để hòa mình vào chốn tâm linh, giúp tinh thần được thanh tịnh và thoải mái nhất.
Nằm ở vị trí cửa ngõ vùng Đông Bắc tổ quốc, Quảng Ninh không chỉ là điểm đến của đông đảo nhân dân, du khách hành hương tới các điểm du lịch tâm linh đầu xuân, mà còn là điểm đến của nhiều tour tuyến du lịch tâm linh. Du khách lại thường có thói quen tập trung đến những điểm di tích nổi tiếng. Lượng người đông, tập trung trong một khoảng thời gian ngắn, gây áp lực rất lớn cho hạ tầng và nhân lực phục vụ du lịch, kéo theo nhiều hệ lụy, phiền toái.
Tại những khu di tích có nhiều điểm đến như Yên Tử, Bạch Đằng, di tích nhà Trần tại Đông Triều, lượng du khách trải đều, trong khi một di tích cấp tỉnh như chùa Ba Vàng, ngày hội xuân hàng ngàn du khách tập trung vào khoảng sân chùa. Phật tử chen chúc vái lưng nhau chứ ngước mãi lên vẫn chưa nhìn thấy Phật ở đâu mà vái lạy. Đường đi cũng chen chật cứng. Có người phải cuốc bộ hàng cây số mới lên được chùa vì tình trạng tắc đường, kẹt xe cục bộ. Hơn nữa, lượng du khách tập trung lớn khi có sự vụ gì sẽ rất vất vả cho lực lượng đảm bảo giao thông, an ninh trật tự.
Bởi vậy, lực lượng cảnh sát giao thông, công an xã, phường, an ninh trật tự, dân phòng, chưa kể các lực lượng bảo vệ, vệ sĩ được thuê đã phải triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, tăng cường tuần tra, kiểm soát, điều tiết hướng dẫn phân luồng giao thông từ xa, từ sớm... Lực lượng công an đã phải tăng cường kiểm tra các phương tiện vận chuyển hành khách, quyết liệt xử lý hành vi chở quá số người quy định để đảm bảo an toàn giao thông và phòng ngừa đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm, phục vụ nhân dân và du khách tham quan, chiêm bái đầu xuân.
Chính quyền địa phương cũng vất vả hơn trong việc quản lý địa bàn. Ông Đào Anh Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung, TP Uông Bí, cho biết: Chúng tôi đã lên kế hoạch phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng và ban quản lý các di tích, ban tổ chức lễ hội để làm tốt công tác quản lý, đảm bảo an toàn, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn giao thông tại các di tích và lễ hội xuân. Những sự cố về giao thông, chính quyền địa phương đã kịp thời có mặt tại hiện trường phối hợp với lực lượng chức năng để xử lý.
Tuy nhiên, dù các lực lượng chức năng đã căng mình phục vụ nhưng tại Uông Bí vừa qua vẫn xảy ra tình trạng mất an toàn giao thông, 1 vụ gây thương vong về người, 1 vụ xích mích giữa đội ngũ bảo vệ và lái xe du lịch, tạo ra hình ảnh không đẹp không đáng có tại di tích và lễ hội đầu xuân. Những du khách chẳng may rơi vào hoàn cảnh đó, đi chùa chưa tìm thấy an yên đâu đã rơi vào phiền toái, thậm chí là đau khổ, dằn vặt rồi.
Theo báo cáo về công tác quản lý và tổ chức lễ hội đầu xuân Quý Mão 2023 của Sở Văn hóa và Thể thao, tại một số di tích trên địa bàn tỉnh còn tình trạng rải tiền lẻ, đốt vàng mã, thu phí trông giữ phương tiện có bảng niêm yết giá nhưng không có vé, bán thẻ tử vi, bán hàng rong gây mất mỹ quan... Các hiện tượng này đã được lãnh đạo Sở, Thanh tra Sở, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nhắc nhở, ban hành các văn bản chấn chỉnh.
Trước tình trạng khách đông, để đảm bảo an toàn và văn minh nơi thờ tự, các đền, chùa đều phải bố trí lại bảng biểu hướng dẫn, củng cố đường đi lối lại, hành lang, đặt bát hương ở ngoài trời để cho phật tử thắp hương, thuê mướn thêm đội ngũ bảo vệ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, người giúp việc vặt... Gần như mỗi đền, chùa đều có Phật tử giúp việc nhắc nhở du khách không thắp hương trong chùa, không mang vàng mã, không hút thuốc trong chính điện, nhắc nhở du khách về ăn mặc trang phục lịch sự...
Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao, Quảng Ninh hiện có 638 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, với hơn 100 lễ hội, trong đó có 80 lễ hội truyền thống. Một số khu di tích lại có đến hàng chục điểm di tích nằm rải rác chứ không tập trung vào một nơi. Các di tích khai hội vào những ngày khác nhau trong mùa xuân mà không khai hội đồng loạt cùng một ngày.
Thực tế đó tạo ra rất nhiều lựa chọn về điểm đến và thời gian cho nhân dân và du khách. Có những người sáng suốt sẽ không lao vào chỗ đông mà lựa chọn đi vãng cảng đền, chùa vào những thời điểm vắng vẻ, ít du khách tham quan. Trong khi hàng trăm người chen nhau xếp hàng đợi đi cáp treo vào ban ngày thì có Phật tử lặng lẽ hành hương Yên Tử về đêm. Hành hương Yên Tử vào buổi đêm, ngoài việc thả bước tản bộ leo bậc đá, du khách còn được tận hưởng cảm giác đặc biệt ngắm bạt ngàn rừng Yên Tử trong đêm tĩnh mịch. Giữa hai hàng tùng cổ thụ, hàng trúc thanh tao, con đường hành hương đến đỉnh thiêng Yên Tử toát lên một vẻ đẹp huyền diệu. Khác với sự náo nhiệt, chen lấn trong không khí ngột ngạt của vàng hương, của mùi đồ ăn vào ban ngày, Yên Tử về đêm đẹp trong sự tĩnh lặng, yên ả trong sương đêm bảng lảng.
Du khách cũng có thể đi chùa khi trời còn sương sớm trong lành. Lên chùa như thể theo bước nhà sư đang thiền hành để lắng nghe tiếng lá cây rì rào trong gió, tiếng chim muông vẫy gọi và học cách để có những bước đi thật thanh thoát, nhẹ nhàng, tự tại và an nhiên.
Tương tự, nhiều người khuyên cũng không nên tập trung đi chùa lớn vào Tết Nguyên tiêu. Bà Lê Kim Lăng ở phường Hồng Gai, TP Hạ Long, chia sẻ: "Từ mùng 8 tháng Giêng trở ra đến rằm là có thể cúng Tết Nguyên Tiêu và đi chùa đầu năm được rồi. Đừng có tập trung đi vào tối hôm rằm, vừa đông đúc, ngột ngạt vừa mất đi cái tâm tĩnh tại khi đi chùa. Đâu cứ phải đến chùa đông, đến đúng ngày mới là được Phật chứng cho. Phật ở chùa nào chẳng có. Phật ngày nào chẳng có, lúc nào chẳng có và hơn nữa, Phật còn tại tâm cơ mà".
Thực tế, năm nay, có những Phật tử lựa chọn hành hương lên những ngôi chùa cổ kính, thậm chí là chùa làng nép mình bên sườn núi, bên bờ tre, hàng cây, có ao hồ rộng lớn với tiếng chuông văng vẳng. Lên chùa để hoan hỉ gặp gỡ những sư thầy, những Phật tử khiêm nhường, giản dị, đức độ. Trong những ngày đầu xuân này, tôi gặp nhiều Phật tử mặc áo dài truyền thống, áo nâu hay áo lam Phật tử trong dịp đi lễ chùa, đền, miếu vừa nhã nhặn, làm đẹp cho mình, vừa tăng thêm vẻ tôn kính nơi thờ cúng linh thiêng.
Tại lễ hội Tiên Công cũng có nhiều thay đổi tích cực. Trước đây, những đoàn rước và du khách thường phải chen nhau nhích từng bước một trong buổi sáng mùng 7 tháng Giêng để về miếu Tiên Công ở trung tâm xã Cẩm La. Vì vậy, những năm gần đây, nhiều người chọn cách đi lễ trước ngày khai hội chính thức. Bà Dương Thị Dung, Chủ tịch UBND xã Cẩm La, TX Quảng Yên, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội Tiên Công xuân Quý Mão 2023, cho biết: "Năm nay, có những gia đình đã dẫn lễ lên miếu Tiên Công ngay từ mùng 2 Tết rồi chứ không đợi đến ngày khai hội. Có khoảng 200 gia đình cụ Thượng dẫn lễ trước mà không chờ đến ngày rước mới lên miếu đường dâng hương tiên tổ".
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()