Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 15:22 (GMT +7)
Đi cùng những chuyên gia lặn biển…
Chủ nhật, 09/07/2023 | 09:33:14 [GMT +7] A A
“Hồi còn thanh niên, bọn em còm lắm, chỉ tầm 50kg, sau mới thế này…” - nghe tôi xuýt xoa về vóc dáng anh thợ lặn nào của đoàn cũng to cao lừng lững, nhìn thật là “ngầu”, Phạm Văn Chiến, thợ lặn của Viện Tài nguyên Môi trường Biển (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam) cười hiền giãi bày. Lúc ấy thì tôi cũng gật gù cho qua nhưng sau chuyến đi biển cùng họ, xem họ cứ ì oạp lặn như như rái cá thì người chỉ bơi được chục mét đã… “hết hơi” như tôi xem chừng cũng ngộ ra nhiều điều.
Vào dịp đầu tháng 6 vừa qua, chúng tôi có cơ hội theo chân các nhà khoa học của Viện Tài nguyên Môi trường Biển đi khảo sát về đa dạng sinh học biển ở khu vực Hạ Mai, Thượng Mai (Vân Đồn) và vùng biển Cô Tô. Đoàn có 6 người, là các chuyên gia nghiên cứu về sinh vật biển như rong cỏ biển, cá, san hô…
Xuất phát từ cảng Cái Rồng, chiếc ca nô được đoàn thuê chạy căng trên mặt vịnh Bái Tử Long chừng 45 phút thì đến khu vực đảo Hạ Mai, là đảo nằm ngoài cùng của hệ thống đảo khu vực Bái Tử Long, thuộc xã đảo Ngọc Vừng, Vân Đồn. Nắng vàng tươi, trời trong và biển xanh như ngọc. Nhìn làn nước trong veo hiếm có, chúng tôi ai cũng xuýt xoa. Thời tiết như này, nước như này thì việc lặn hay ghi lại những hình ảnh dưới đáy biển hứa hẹn nhiều thuận lợi.
Nói về phương pháp khảo sát, TS Nguyễn Đức Thế, trưởng đoàn lần này cho hay, đội lặn sẽ cử một người lặn đi trước để rải dây, sau đó các nhóm khác sẽ lặn đi sau và khảo sát quanh phạm vi rải dây rộng mỗi bên khoảng 2m, kéo dài khoảng 100-200m. Việc khảo sát được làm theo điểm, các nhóm đều có camera để chụp ảnh hoặc quay lại những hình ảnh dưới đáy biển…
Không có chuyên môn, chúng tôi khá bỡ ngỡ khi nghe những chia sẻ của anh. Trong khi đó, các chuyên gia đã thay trang phục lặn, chuẩn bị đồ nghề và chỉ trong thoáng chốc, những tiếng “ùm” vang lên, họ đã dưới biển.
Chỉ nhìn họ cũng thấy nặng nề: Đồ lặn dày ngấm nước, bình khí cả chục cân, chân vịt và dây đeo chì quấn quanh người thêm tầm chục kg nữa. Tất cả giúp họ… chìm tốt nhất và lớp bảo hộ kín bên ngoài bảo vệ cơ thể thợ lặn dưới biển. Khâu cuối cùng là chuyển camera để họ tác nghiệp. Với hàng loạt thao tác và vật dụng nặng như thế nên đoàn có riêng một người trợ giúp trên bờ. Khi các thợ lặn chìm dần dưới mặt nước thì những cuộn bóng nước theo khí thở nổi lên phía trên là cơ sở để biết thợ lặn đang ở đâu. Tuy nhiên, đó là với con mắt có nghề, riêng chúng tôi nhìn gần còn rõ, một lúc thì chỉ thấy sóng nước một màu…
Chừng nửa tiếng sau, các chuyên gia bắt đầu nổi lên. Túi lưới đựng mẫu vật thu thập được chuyển lên tàu trước, kẹp chì, chân vịt được thu lên tiếp theo, cuối cùng thợ lặn mới lên thuyền. Thật sự hồi hộp muốn hỏi chuyện ngay nhưng nghĩ tới việc lặn lâu như vậy rất mất sức, chúng tôi đành nén lòng để chuyên gia “thở cái đã”.
Khu vực Hạ Mai qua khảo sát có vẻ không được như kỳ vọng. Vừa vuốt đám tóc ướt nước biển loà xoà trước mặt, ThS Phạm Văn Chiến vừa bảo: Ở trên bờ nhìn biển trong xanh như vậy nhưng khi lặn xuống mới thấy hơi bị vẩn đục, tầm nhìn chỉ được 1-2m. Tôi nghiên cứu về các sinh vật có xương sống như cá biển, động vật biển có xương sống, nhưng với đáy biển bị đục như thế này thì không thể quay được cảnh cá đang bơi.
Còn TS Nguyễn Đăng Ngải, Viện Phó Viện Tài nguyên – Môi trường biển, là chuyên gia nghiên cứu về san hô thì bảo: Đảo Hạ Mai nằm tương đối xa bờ nên việc khảo sát san hô nói riêng, quần xã sinh vật biển nói chung ở đây khá ít. Đây là lần thứ 3 đơn vị khảo sát tại Hạ Mai trong vòng 20 năm trở lại đây. Về đặc điểm sinh học, khu vực Hạ Mai xa bờ, ít bị ảnh hưởng, tác động của yếu tố con người hay ô nhiễm môi trường, nước cũng khá trong sạch nhưng rạn san hô không được như kỳ vọng. Ở đây chủ yếu là các tập đoàn san hô nhỏ, đường kính dưới 50cm, có vẻ như rạn đang phục hồi sau những suy thoái, không như ở khu vực vịnh Bái Tử Long, Vịnh Hạ Long có những tập đoàn san hô lớn…
Chúng tôi không nói chuyện được nhiều vì các ca lặn phải tranh thủ thời gian để tiếp tục. Hai đợt lặn tại Hạ Mai kết thúc cũng là giờ trưa, chúng tôi ghé lên đảo Hạ Mai, nhờ cán bộ Trạm kiểm soát biên phòng Hạ Mai để được nghỉ chân ăn trưa trên đảo. Đúng là đảo có giá trị riêng của đảo, sau mấy tiếng dập dềnh trên ca nô, đặt chân lên đảo chúng tôi có cảm giác vững vàng khác hẳn.
Bữa trưa diễn ra đơn giản với xôi, chút hoa quả đã được đoàn mang theo từ sáng. Tôi băn khoăn khi quan sát sức ăn của đội, rõ ràng là thợ lặn chàng nào cũng cao to, việc lặn sâu rất mất sức nhưng ăn khá ít, không chỉ bữa trưa mà quãng nghỉ giữa các đợt lặn, họ cũng ăn uống rất hạn chế. Giải thích cho chúng tôi, TS Nguyễn Đức Thế bảo, khi ăn nhiều lại lặn sâu thì không chịu được. Còn muốn ăn bù sức thì dành cho bữa tối là chính…
Bữa trưa kết thúc rất nhanh gọn, cả đoàn không nghỉ mà gần như trở lại tàu ngay để di chuyển sang khu vực Thượng Mai. Ở đây, đoàn tiếp tục lặn khảo sát ở 2 điểm nữa và kết thúc lặn vào khoảng 3h chiều. Không thể lặn quá sớm cũng không thể lặn muộn, đó là lý do vì sao họ tranh thủ quãng thời gian có nắng của buổi sáng và đầu giờ chiều như vậy.
Kết quả khảo sát tại Thượng Mai dường như khả quan hơn. Các thợ lặn đều vui mừng vì đáy biển trong hơn, san hô đẹp, nhiều hơn, các loại rong tìm thấy cũng có những phát hiện thú vị hơn, cá rạn san hô cũng phong phú hơn. Mẫu vật thu về nhiều hơn, cùng với những mảnh, cành san hô, những mẫu rong là những con bàn mai lớn bằng cả bàn tay người lớn, thân bám nhiều loại rong…
Qua trò chuyện, các nhà khoa học của Viện Tài nguyên - Môi trường Biển cho biết: Vùng biển Quảng Ninh, tập trung ở khu vực Vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long và quần đảo Cô Tô xưa kia đã được họ lặn, khảo sát trong nhiều năm và đánh giá cao về sự phong phú của các rạn san hô cũng như quần thể những loài cá phát triển gắn liền với các rạn san hô. Các khu vực đều có những loài quý hiếm, nằm trong sách Đỏ Việt Nam. Đặc biệt trong đó có thể kể tới rạn san hô rất phát triển ở khu vực bãi Hồng Vàn (Cô Tô), từng có chiều dài tới 3-4 km và rộng tới 1 km. Ở khu vực này vào những năm 90 qua khảo sát cũng có những thảm rong mơ dày đặc như cánh rừng và cao tới 4m, nay đã suy giảm đi không ít vì nhiều lý do…
Nối tiếp đợt lặn khảo sát ở Vân Đồn, đoàn di chuyển tới Cô Tô, nơi có thể xem là vô cùng phong phú san hô và các loại rong biển. Khu vực khảo sát tại đảo Thanh Lân khá gần bờ nhưng nước rất trong, có độ sâu khoảng 2-3m, vậy mà chỉ nhìn trên tàu chúng tôi cũng thấy những thảm san hô đậm màu dưới đáy nước. Còn ở khu vực Cô Tô con, nước sâu hơn chừng 6-8m. Trong khi chờ các thợ lặn, anh Võ Văn Sắt chủ tàu kể chuyện bảo: San hô ở bãi Hồng Vàn ngày xưa nhiều lắm, dài cả cây số, nhưng sau này do đánh bắt cá bằng những phương pháp huỷ diệt nên giờ mới không còn, chỉ còn san hô khối, san hô cành còn ít thôi. Giờ bà con không khai thác như vậy nữa nhưng ngư dân một số nơi khác tới thì vẫn chưa cấm triệt để được.
Mải mê lặn, quay lại hình ảnh dưới đáy biển, TS Thế nhô lên mặt nước với một bên má bắt đầu đỏ ửng lên. Anh bảo do mải quay không tránh kịp con sứa lửa táp vào mặt, hệt như bị điện giật, sau đó là cảm giác nóng rát… Đây là một rủi ro nghề nghiệp với thợ lặn. Anh lên tàu rồi, chúng tôi vẫn quan sát thấy con sứa nhỏ nhưng đuôi dài tới cả mét bơi lập lờ trong làn nước..
Sau một hồi “sơ cứu”, chúng tôi tranh thủ hỏi chuyện anh. TS Thế bảo, đơn vị đã có nhiều dự án khảo sát, điều tra về đa dạng sinh học ở khu vực biển Cô Tô. Chuyến khảo sát lần này, anh quay được nhiều hơn những đàn cá bơi lội trên rạn san hô, TS Thế giải thích: Cá rạn san hô là nhóm cá chỉ thị cho sức khoẻ của rạn. Ở khu vực Thượng Mai (Vân Đồn), Cô Tô, chúng tôi thấy có sự xuất hiện của nhóm cá này với chủ yếu là họ cá bướm, cá thia, cá bàng chài… Khi rạn san hô có sức khoẻ tốt hoặc có sự phục hồi thì nhóm cá này xuất hiện phong phú hơn. So sánh với kết quả khảo sát của Viện ở Cô Tô gần đây từ 2017 đến 2019 trong dự án xây dựng khu bảo tồn biển Cô Tô – đảo Trần thì đa dạng cá rạn san hô có sự phục hồi nhất định.
Chuyến đi lần này có một “lão tướng” lặn biển với kinh nghiệm 40 năm chuyên nghiên cứu về rong biển, đó là PGS.TS Đàm Đức Tiến. Sáng sớm nay, khi trời còn mờ tối, ông đã cùng cộng sự của mình dậy sớm ra bãi Hồng Vàn thu gom mẫu rong dạt vào bờ. Và khi tàu vào gần bờ ở khu vực Hồng Vàn cũng là bãi rong lớn đang vào mùa của Cô Tô, ông đã thay đồ lặn để trực tiếp khảo sát bãi rong này.
Ở độ tuổi hơn 60 như ông ít người còn lặn biển, vậy mà ông mê mải lặn tới gần 30 phút ở bãi rong. Mãi khi các học trò giục, ông mới chịu lên tàu, gương mặt không giấu được sự tiếc rẻ. Ông bảo: Đây có lẽ là bãi rong phong phú nhất về thành phần loài ở Cô Tô hiện nay. Giờ đang đúng mùa rong biển, sinh lượng tập trung vào một số nhóm, như rong mơ, rong quạt…, trong đó nhóm rong mơ có thể đạt tới 10kg tươi/m2. Ngoài ra, nhiều nhóm rong ở nước ta trước đây tưởng chỉ có một loài thì giờ phát hiện ở Cô Tô có nhiều loài…
Sau cả ngày lặn dưới biển, đoàn trở về dường như ai cũng thấm mệt. Các đợt lặn có thu hoạch tương đối khả quan cho thấy nguồn lợi đa dạng sinh học biển ở vùng biển Vân Đồn, Cô Tô đang có sự phục hồi tốt. Tất nhiên, đây chỉ là khởi đầu cho những nghiên cứu chuyên sâu sau này của các chuyên gia. Còn chúng tôi có thêm một trải nghiệm với nghề lặn biển, dù không lặn, không bơi mét nào, “trời yên biển lặng” và không ai say sóng mà bước trên bờ rồi thi thoảng vẫn còn cảm giác “chênh vênh”.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()