Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 19:56 (GMT +7)
Đi chợ online
Thứ 5, 30/09/2021 | 08:05:34 [GMT +7] A A
Dịch bệnh đã khiến nhiều ngành nghề, tập đoàn, doanh nghiệp… và ngay cả những người nông dân phải thay đổi hình thức sản xuất, kinh doanh, buôn bán. Điều dễ nhận thấy trong gần 2 năm qua là việc chuyển đổi số ở nhiều cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp, đơn vị đã có bước chuyển biến hết sức mạnh mẽ và đạt được những thành quả tích cực. Hoà chung với dòng chảy tất yếu đó là những công dân số được hình thành.
Câu chuyện đi chợ online, mua, bán hàng qua mạng giờ đây đã trở nên rất phổ biến. Nhất là khi những sàn thương mại điện tử lớn ra đời như: Lazada, Hotdeal, Shopee, Sendo, Tiki, Adayroi, Lotte, Zanado... đã làm thói quen đi chợ mạng trở nên quen thuộc, nhất là với giới trẻ. Cùng với đó là thế giới mạng xã hội cũng đóng góp một phần không nhỏ tạo ra rất nhiều chợ nhỏ và lực lượng người mua riêng cũng vô cùng sôi động.
Có thể nói, trong thời đại 4.0, đặc biệt là khi dịch Covid-19 bùng phát thì sàn thương mại điện tử, mạng xã hội thực sự lên ngôi, đóng vai trò như những chiếc cầu nối liên kết hàng ngàn shop bán hàng, công ty, doanh nghiệp và nguồn khách hàng đa dạng, rộng rãi, thường xuyên truy cập các trang thương mại điện tử để tìm mua các sản phẩm. Đối với các đơn vị chủ hàng, người bán, họ có thể tiếp cận khách hàng tiềm năng của mình một cách dễ dàng, nhanh chóng mà chính xác, thuận tiện.
Trong giai đoạn này, thương mại điện tử cũng góp phần vào việc hạn chế dịch bệnh lây lan khi giảm tối đa việc tiếp xúc giữa người mua, người bán, tránh tụ tập đông người tại các trung tâm thương mại, chợ truyền thống, siêu thị…
Giờ đây, việc ngồi nhà đi chợ mua, bán hàng qua mạng đã rất quen thuộc với nhiều người. Từ mua những vật dụng nhỏ như cuốn sách, vở, cân hoa quả, mớ rau… đến những thiết bị sinh hoạt lớn như ti vi, tủ lạnh, điều hoà…, thậm chí cả ô tô, xe máy cũng được thực hiện giao dịch một cách dễ dàng, hiệu quả. Thời gian qua, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, khiến rất nhiều nông sản của người dân bị ùn ứ do bị đứt gãy thị trường, thì các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đã đóng vai trò quan trọng trong kết nối tiêu thụ, giúp người nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn.
Như ở TX Đông Triều, người trồng na nơi đây đã có một vụ tiêu thụ sản phẩm thuận lợi, mặc dù dịch Covid-19 ở một số tỉnh, thành phố còn diễn biến phức tạp. 1.550 hộ trồng na (800ha) vui mừng, phấn khởi khi 6.500 tấn quả được bán hết với giá cả ổn định. Đóng góp vào thành công đó có việc kích cầu tiêu thụ sản phẩm na qua các kênh thương mại điện tử. Trong đó, TX Đông Triều đã xây dựng sàn thương mại điện tử riêng với địa chỉ: https://dongtrieumart.vn, nhằm chủ động, linh hoạt tiêu thụ nông sản cho người dân trên địa bàn. Hay trước đó, qua các kênh thương mại điện tử, thương lái, chợ, siêu thị, chuỗi cửa hàng, TX Đông Triều đã tiêu thụ hết 12.000 tấn vải thiều cho người dân trên địa bàn, qua đó tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Giờ đây, không chỉ các sở, ngành, đơn vị, địa phương tích cực thích ứng với thời kỳ công nghiệp 4.0, mà mỗi doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn, thậm chí là từng cá nhân cũng ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội vào kinh doanh, buôn bán, đem lại hiệu quả cao. Cũng chính từ thực tiễn đó đã thay đổi thói quen đi chợ của rất nhiều người.
Thực tế thời gian qua cho thấy, các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đã hỗ trợ rất tốt cho các tập đoàn, doanh nghiệp, cửa hàng, nhà hàng… và người dân trong tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá. Hiệu quả của hình thức đi chợ này là không phải bàn cãi, giúp thị trường tiêu thụ đa dạng hơn, nhanh hơn, thuận tiện cho người mua - kẻ bán, qua đó góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()