Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 22:00 (GMT +7)
Đi chợ mùa giãn cách: Bí quyết sắm đủ vẫn an toàn
Thứ 2, 16/08/2021 | 15:04:47 [GMT +7] A A
Lên danh sách đồ cần mua, dùng app mua sắm, chọn giờ thấp điểm là những mẹo giúp người nội trợ sắm đủ cho cả nhà nhưng vẫn an toàn trước dịch bệnh.
Ảnh: VietNamNet |
Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến cuộc sống của người dân thay đổi rất nhiều. Nhiều thói quen, sở thích phải tạm gạt sang một bên. Chuyện đi chợ cũng không ngoại lệ.
Nhiều tỉnh thành phát phiếu đi chợ trong mùa giãn cách. Có khu chợ lại chăng dây, che nylon... để đảm bảo khoảng cách tối thiểu giữa người mua và người bán. Tuy nhiên, mỗi bà nội trợ lại có một mẹo đi chợ riêng trong mùa dịch bệnh để vừa mua sắm đủ theo yêu cầu vừa giữ cho bản thân được an toàn.
Lên danh sách đồ cần mua, hạn chế đi chợ
Dù được phát phiếu đi chợ hay nằm trong "vùng xanh", bạn vẫn nên lập danh sách kỹ lưỡng, chỉn chu những mặt hàng cần mua. Ở thời điểm này, càng hạn chế ra ngoài, tiếp xúc với nhiều người càng tốt cho chính bạn và gia đình!
Thông thường, gia đình tôi chỉ đi chợ tối đa 2 lần/tuần chứ không mua sắm thịt cá tươi sống thường xuyên như thời gian trước.
Mẹo nhỏ của tôi là lên thực đơn cho khoảng 3-4 ngày. Từ đó, sẽ nắm bắt được cần mua gì, chuẩn bị thế nào cho từng bữa ăn. Cách này giúp bạn mua sắm đầy đủ hơn và tiết kiệm được nhiều thời gian cho việc chuẩn bị cơm nước khi WFH (làm việc tại nhà).
5K mọi lúc mọi nơi
Chắc chắn chưa bao giờ 5K được nhắc nhiều như lúc này. Nếu ý thức cá nhân không tốt, người chịu thiệt đầu tiên chính là bạn chứ không phải cộng đồng hay bất cứ ai!
Thế nên, dù có vội hay bận tới đâu, bạn cũng không thể quên những việc cơ bản như:
- Đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn suốt quá trình đi đến, ở chợ và trên đường về.
- Giữ khoảng cách an toàn (tốt nhất là 2m) với những người khác trong chợ.
- Xịt khuẩn, rửa tay thường xuyên sau khi chạm vào bất cứ đâu.
Làm gì khi đi chợ về?
Việc đầu tiên tôi phải làm khi đi chợ hay đi làm, từ bên ngoài về là rửa tay bằng xà phòng cùng nước sạch hoặc nước rửa tay sát khuẩn.
Tiếp theo, tôi sẽ bỏ khẩu trang (có thể xịt khử khuẩn cho khẩu trang hoặc vứt gọn trong thùng rác) và thay quần áo ở nhà. Sau đó, tôi súc miệng bằng nước muối, rửa mắt bằng nước muối sinh lý.
Tôi cũng để các túi nylon đựng đồ ăn vừa được mua về ở nơi khô thoáng và tranh thủ xịt khử khuẩn rồi mới đưa vào bếp sơ chế, bảo quản thực phẩm.
Đối với các loại thực phẩm có bao gói, gia đình tôi thường bỏ bao gói ngay lập tức và thay bằng hộp hoặc túi đựng thực phẩm an toàn.
Sau khi sơ chế, tôi tranh thủ buộc kín túi rác rồi đưa tới khu vực chứa rác của khu dân cư và không quên rửa tay chân kỹ lưỡng một lần nữa.
Dùng app mua sắm thời bệnh dịch
Thời gian trước, các app mua sắm online từ thời trang tới đồ ăn... hẳn là thứ nhà nào cũng ưa chuộng. Nhưng do giãn cách, chỉ còn một vài đơn vị đảm bảo tình hình sức khoẻ của shipper mới được tham gia vận chuyển. Trong đó có 2 siêu thị yêu thích của tôi.
Chính vì vậy, tôi thường xuyên "canh me" khung giờ giảm giá, ít người đặt hàng để đặt hàng từ các hệ thống siêu thị này. Việc nhờ người đi chợ giùm rất tiện lợi, giúp gia đình tôi hạn chế ra ngoài mà vẫn có được đủ món mình yêu thích. Đôi khi tôi nhờ siêu thị mua giùm nên cả tuần chẳng cần ra ngoài sắm thêm gì.
Vì số lượng người có nhu cầu nhờ đi chợ khá cao nên tôi thường chọn sẵn các món đồ mình cần vào giỏ đồ. Khi nào áng chừng lượt người sử dụng app thấp, tôi sẽ vào đặt hàng nên không tốn thời gian "canh me", chờ đợi rồi bực bội khi không hoàn thành được đơn hàng.
Chính Sở Công thương TP.HCM cũng khuyến khích người dân chuyển sang mua sắm gián tiếp, hạn chế đến các điểm đông người. Người mua hàng tuân thủ giữ khoảng cách khi giao hoặc nhận hàng, thực hiện giao hàng không tiếp xúc, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách 2m.
Sau khi nhận hàng rửa tay sạch và vệ sinh hàng hóa vừa nhận. Như thế chẳng tiện lợi hơn rất nhiều sao?
Theo vietnamnet.vn
Liên kết website
Ý kiến ()