Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 12:27 (GMT +7)
Xung quanh việc bài thơ của Nguyễn Cẩn khắc ở núi Bài Thơ bị vùi lấp
Chủ nhật, 07/11/2021 | 09:31:11 [GMT +7] A A
Sở Văn hóa - Thể thao và UBND TP Hạ Long vừa phối hợp với các phòng, ban liên quan của Sở để khảo sát vị trí bài thơ cổ khắc trên vách đá bị vùi sâu dưới chân núi Bài Thơ. Cơ quan chức năng đã khai quật để xác định bài thơ của ai, sáng tác vào thời điểm nào, để có phương án chính thức.
Theo nhà thơ Trần Nhuận Minh, nguyên Chủ tịch Hội VHNT Quảng Ninh, bài thơ cổ bị đất vùi lấp là của Nguyễn Cẩn. Tác giả Nguyễn Cẩn có tên trong sách "Lược truyện các tác gia Việt Nam" do nhà thư mục học Trần Văn Giáp biên soạn, Nhà xuất bản Khoa học xã hội ấn hành năm 1971. Ông người làng Du Lâm, huyện Đông Ngàn, nay là huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh, hiệu là Hương Khuê, tác giả của nhiều bài thơ chữ Hán, được coi là một trong những nhà thơ xuất sắc cuối thời Nguyễn, đầu thế kỷ XX. Ông làm Quan Án sát triều Nguyễn, từng được bổ nhiệm làm Tuần phủ Quảng Yên.
Bài thơ của Nguyễn Cẩn được khắc trên vách đá núi Bài Thơ vào năm 1910. Bài thơ phiên âm chữ Hán như sau: “Thánh Tông hoàng đế đề thi thạch/ Đông minh chi sơn cao bách xích/ Thiên phong, hải đảo nhật dạ kích/ Ngũ bách niên dư, tự do xích/ Họa xưng ngự bút ế hà nhân?/ Trịnh Vương vọng ý đồng bất dân/ Ngã lai bạt kiếm, nộ thả sân/ Hu ta hậu Lê chi quân thần”. (Dịch nghĩa như sau: Hoàng đế Thánh Tông đề thơ lên đá/ Núi ở bể Đông cao hàng trăm thước/ Gió trời, sóng biển ngày đêm vỗ vào/ Thế mà hơn 500 năm rồi chữ vẫn còn, chưa mất/ Họa lại, dám xưng là ngự bút; hừ ai đấy nhỉ/ Ý xấu của Trịnh Vương là muốn cùng trường tồn/ Ta đến ta rút kiếm phẫn nộ và căm tức/ Than thay cho vua tôi nhà hậu Lê).
Theo nhà nghiên cứu Lại Văn Hùng, Viện Văn học, điều hiện lên khá rõ nét trong bài thơ là tâm trạng thương cảm. Thực tế thì đến năm 1910, triều đình nhà Nguyễn đã đi vào hồi cuối và nhà Lê đã bị mất cách đó hơn 1 thế kỷ rồi. Cái vương vấn của kẻ sĩ chỉ còn là cái vương vấn đối với một thời vang bóng.
Nguyễn Cẩn thể hiện tư tưởng chính thống của mình là ở chỗ ông không muốn có một nhà chúa bên cạnh một nhà vua. Thực tế lịch sử nhà chúa luôn lấn át nhà vua. Cũng đã từng có lần chúa Trịnh có ý phế bỏ cả vua Lê. Do vậy, tác giả buồn bã, hoài cảm và từ tâm trạng ấy chuyển sang sự phẫn nộ, giận dữ. Câu cuối bài thơ có thể hiểu là ý tác giả muốn chê bai cả đám vua tôi nhà hậu Lê đã để cho chúa Trịnh có ý xấu, nhưng cũng có thể hiểu là sự cảm thông chua xót, đầy bất lực.
Có lẽ, lối cổ thể của bài thơ và cách gieo vần trắc ở 4 câu đầu, vần bằng ở 4 câu sau góp phần nói lên điều đó. Toàn bộ bài thơ như một lời bình luận độc đáo. Bình về hai bài thơ, một đề, một họa và sâu sắc hơn là bình về lịch sử, bình về thái độ của người sau đối với lịch sử. Do vậy, giá trị của nó vượt hơn hẳn giá trị của một bài thơ đề vịnh thông thường.
Bài thơ của Nguyễn Cẩn trước đây nằm trên vách núi, thấp hơn so với các bài thơ của vua Lê Thánh Tông và chúa Trịnh Cương. Sau khi hoàn thành việc xây dựng Đền bài thơ cổ núi Bài Thơ, bài thơ này đã bị vùi sâu dưới đất do khu vực có bài thơ này được đổ đất tôn cao nền.
Theo nhà thơ Trần Nhuận Minh, hiện trên vách núi Bài Thơ có 12 bài thơ, nhưng chỉ có 3 bài: Bài của vua Lê Thánh Tông (năm 1468), chúa An Đô vương Trịnh Cương (1729) và Nguyễn Cẩn (1910) là có giá trị văn hóa và lịch sử, với tính chuyên nghiệp cao. Bài thơ của nhà thơ Nguyễn Cẩn được khắc trên vách đá núi Bài Thơ vào năm 1910, là một trong 3 thi phẩm kiệt xuất trong chùm thơ 12 bài, hiện còn trên vách đá núi Bài Thơ. Năm 1992, cụm di tích Núi Bài Thơ (gồm di chỉ bài thơ cổ, đền Trần Quốc Nghiễn và chùa Long Tiên) được công nhận là di tích lịch sử, văn hoá quốc gia.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()