Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 16:26 (GMT +7)
Đến với rừng Đồng Sơn - Kỳ Thượng…
Chủ nhật, 12/11/2023 | 09:09:15 [GMT +7] A A
Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng có diện tích tự nhiên lớn, lên tới gần 15.600ha, trải rộng trên địa phận 5 xã khu vực đồi núi phía Bắc của TP Hạ Long. Nơi đây được ví như “lá phổi xanh” của tỉnh Quảng Ninh, có những giá trị to lớn về đa dạng sinh học và giàu tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái với vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên kỳ thú…
Thiên nhiên kỳ thú
Theo đánh giá của các nhà khoa học thì Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng là khu vực điển hình của hệ sinh thái rừng kín lá rộng thường xanh núi thấp, có diện tích rừng tự nhiên tập trung lớn với độ che phủ đạt trên 95% và phong phú các loài động, thực vật rừng.
Các nghiên cứu về thực vật cho thấy, rừng nơi đây khá đa dạng với 1.282 loài thực vật bậc cao có mạch. Trong đó có các loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam như: Giổi bà, giổi nhung, giổi thơm, dẻ đen, lát hoa, sao hòn gai, sến mật, trầm hương, ba kích... Bên cạnh đó, trong Khu bảo tồn cũng có nhiều loài cây thuốc quý hiếm, với 428 loài cây thuốc mọc tự nhiên.
Động vật trong Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng có 921 loài thú, chim, bò sát, ếch nhái, côn trùng, ốc cạn, cá... Trong số các loài thú có 30 loài động vật quý hiếm và bị đe doạ, có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ của IUCN, như: Sơn dương, gấu ngựa, khỉ mặt đỏ, voọc xám, cáo lửa, cầy gấm, cầy vằn Bắc, báo lửa, sóc bay trâu…
Khu bảo tồn hiện có 28 loài thực vật có mạch, 3 loài thú, 12 loài chim và 13 loài bò sát, 2 loài ếch nhái, 1 loài cá nước ngọt nằm trong Sách đỏ của IUCN. Đặc biệt, nằm trong hệ động vật phong phú, khu bảo tồn có 2 loài đặc hữu là thằn lằn cá sấu và cá cóc Việt Nam, trong đó loài cá cóc Việt Nam được phát hiện tại Khu bảo tồn từ năm 2007, là loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam và Danh lục đỏ IUCN (2006, 2007). Hai loài này ở nước ta hiện chỉ phân bố ở một số tỉnh Đông Bắc như Bắc Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Riêng ở Quảng Ninh chỉ có ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng và Khu rừng quốc gia Yên Tử.
|
|
Khỉ mặt đỏ là loài động vật quý hiếm ở rừng Đồng Sơn-Kỳ Thượng. |
Cá cóc bụng hoa là động vật đặc hữu của khu bảo tồn. |
Mang trong mình những giá trị đa dạng sinh học cao, vì vậy nhiệm vụ trọng tâm, mang tính “sống còn” đối với Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng là công tác bảo vệ rừng, ngăn chặn nạn xâm hại rừng. Bởi lẽ, nơi đây có nhiều cửa ngõ vào rừng, dân cư vùng giáp ranh chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số còn có những hạn chế về nhận thức, điều kiện kinh tế khó khăn, sống phụ thuộc nhiều vào khai thác từ rừng…
Mặc dù vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của các ngành, các cấp, sự phối kết hợp của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng với lực lượng Kiểm lâm, Quân đội, Công an, dân quân tự vệ, cộng đồng địa phương... ngày càng chặt chẽ hơn nên đã kịp thời giải quyết tình hình vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng; cơ bản giữ ổn định về diện tích các trạng thái rừng, duy trì và thúc đẩy tiến trình phục hồi tự nhiên của các hệ sinh thái, không làm suy giảm đa dạng sinh học, tăng khả năng bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng đối với quản lý, sử dụng bền vững rừng.
Cảnh quan “sơn thủy hữu tình”
Nhắc đến Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng, bên cạnh giá trị đa dạng sinh học với nhiều loài động vật, thực vật quý hiếm thì vẻ đẹp cảnh quan cũng là một giá trị rất đặc sắc. Nơi đây, các cánh rừng tự nhiên xanh tươi được đan xen bởi hàng trăm khe suối, thác nước lớn nhỏ, tạo thành bức tranh “sơn thủy hữu tình” làm say đắm lòng người.
Đi bộ dưới những tán cây rừng, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng suối reo, vượt đèo, băng thác, chinh phục đỉnh Thiên Sơn - đỉnh cao nhất của khu bảo tồn, ở độ cao 1.096m so với mực nước biển hay khám phá những đỉnh cao mây phủ trên dưới nghìn mét như Khe Ru, Đèo Kinh, Đồng Trà, Am Váp... là những hành trình đầy ấn tượng với những người làm nghiên cứu khoa học cũng như du khách ưa thích khám phá, chinh phục thử thách thiên nhiên.
Với vẻ đẹp cảnh quan hoang sơ, giàu tiềm năng, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng được kỳ vọng là mảnh đất màu mỡ cho phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch mạo hiểm…, có sự kết nối với di sản thế giới Vịnh Hạ Long, nhất là khi xu hướng du lịch trải nghiệm, khám phá thiên nhiên ngày càng được nhiều du khách ưa chuộng hơn.
Thời gian gần đây, một số mô hình du lịch khai thác vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên và bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc thiểu số vốn chiếm đa số ở các xã trong phạm vi khu bảo tồn và khu vực lân cận cũng bắt đầu mở ra, đáp ứng nhu cầu du khách.
Qua tìm hiểu được biết, năm 2021, UBND tỉnh Quảng Ninh đã phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến 2030. Trong đó, mục tiêu chung của phương án này chính là xã hội hóa, thực hiện đồng bộ hoạt động bảo tồn các hệ sinh thái rừng hiện có, bảo tồn nguồn gen đặc hữu, quý, hiếm và tính đa dạng sinh học của rừng.
Bên cạnh đó, khai thác lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, tài nguyên rừng, giá trị di tích lịch sử, văn hóa địa phương và các nguồn lực để phát triển du lịch, tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng. Qua đó, không chỉ bảo tồn tốt các giá trị của rừng mà còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội, giữ vững trật tự xã hội và an ninh quốc phòng địa phương. Tuy nhiên, cho đến nay thì Đề án Phát triển du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng vẫn đang chờ được phê duyệt, để có thể đưa phương án quản lý rừng bền vững đi vào triển khai thực hiện.
Tham gia việc điều tra, khảo sát về đa dạng sinh học ở Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng thời gian qua, TS. Đỗ Văn Tứ, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật (Viện Hàn lâm KHCN Việt Nam), đánh giá: Nơi đây có những hệ sinh thái rất đẹp với sự đa dạng sinh học cao, cùng với bản sắc văn hoá của đồng bào dân tộc địa phương khá độc đáo, nếu như chúng ta phát triển du lịch thì hứa hẹn cải thiện đời sống bà con, góp phần nâng cao sinh kế cộng đồng, cũng như giảm áp lực lên việc khai thác tài nguyên rừng. Tuy nhiên, việc khai thác du lịch cũng chỉ là một khía cạnh, cần khai thác những khía cạnh khác nữa. Chúng ta sản xuất lâm nghiệp thì nên gia tăng các đối tượng khác, cũng như gia tăng về nghiên cứu để tăng hiệu quả sản xuất của bà con, chứ không nên tập trung quá nhiều vào việc mở rộng diện tích hay chỉ trồng một vài đối tượng nhất định là keo, quế như hiện nay...
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()