Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 11:29 (GMT +7)
Đến tuổi nào thì trẻ ngừng phát triển chiều cao?
Thứ 3, 29/10/2024 | 10:15:09 [GMT +7] A A
Để phát triển chiều cao tối ưu cho trẻ, cha mẹ và bản thân các em cần quan tâm đến các giải pháp dinh dưỡng, tập luyện… ngay từ nhỏ.
Giai đoạn vàng để phát triển chiều cao cho trẻ
Theo chuyên gia dinh dưỡng, TS.BS. Trương Hồng Sơn (Viện Y học ứng dụng Việt Nam), để phát triển chiều cao tối đa cho trẻ, cần nắm rõ những thời điểm vàng để cơ thể tăng trưởng rất nhanh về chiều cao đó là thời kỳ bào thai, giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi và giai đoạn dậy thì.
Thời kỳ bào thai, nếu người mẹ ăn uống tốt, tăng từ 10 - 25kg (trong 9 tháng mang thai) thì con sẽ đạt được chiều cao từ 50cm trở lên và có cân nặng khoảng 3kg lúc chào đời.
Giai đoạn từ sơ sinh đến 3 tuổi là giai đoạn phát triển chiều cao một cách mạnh mẽ nhất. Trong 12 tháng đầu trẻ có thể tăng 25cm, 2 năm tiếp theo mỗi năm trẻ cao thêm 10cm nếu được nuôi dưỡng tốt.
Trong giai đoạn dậy thì (con gái từ 10-16 tuổi, con trai từ 12-18 tuổi) cơ thể sẽ có 1-2 năm chiều cao tăng vọt từ 8-12cm mỗi năm nếu được nuôi dưỡng tốt. Sau thời kỳ dậy thì, cơ thể trẻ cũng tăng chiều cao nhưng với tốc độ rất chậm. Tổng cộng số tăng chiều cao của các năm sau không bằng một năm chiều cao tăng vọt của thời kỳ dậy thì. Nếu bỏ qua giai đoạn dậy thì tức là đã hoài phí một cơ hội ngàn vàng tăng trưởng chiều cao và cơ hội sẽ không bao giờ trở lại một lần nữa.
Đa số các kết quả nghiên cứu đều cho rằng, chiều cao của con người ảnh hưởng bởi các yếu tố: dinh dưỡng (32%), di truyền (23%), rèn luyện thể lực (20%), môi trường sống, bệnh tật, giấc ngủ… Nếu được nuôi dưỡng tốt, trong cùng một gia đình, thế hệ sau luôn có chiều cao vượt hơn thế hệ trước.
Dinh dưỡng - chìa khóa then chốt để phát triển chiều cao
Dinh dưỡng giữ vai trò rất quan trọng, trong đó 3 giai đoạn chủ yếu góp phần quyết định chiều cao của cơ thể là giai đoạn bào thai (nhất là 6 tháng cuối của thai kỳ, lúc còn trong bụng mẹ), giai đoạn đầu cuộc đời (5 năm đầu tiên) và đặc biệt là giai đoạn khi bước vào lứa tuổi dậy thì. Dinh dưỡng phù hợp, tức là phải cung cấp các chất dinh dưỡng đúng theo nhu cầu của trẻ trong từng giai đoạn phát triển, đặc biệt ở tuổi dậy thì. Vậy nên ăn gì để tăng chiều cao?
Protein (chất đạm): Rất quan trọng đối với trẻ đang tăng trưởng. Là thành phần men tiêu hóa, nội tiết, kháng thể... Trẻ không đủ protein sẽ ngưng tăng trưởng, sụt cân, hệ tiêu hóa kém, dễ mắc bệnh, ảnh hưởng đến tăng chiều cao.
Lysin: Là axit amin thiết yếu. Trẻ thiếu lysin dẫn tới không tổng hợp được protein gây gầy, teo cơ, nhão cơ, biếng ăn. Thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đậu nành… là những thực phẩm có nhiều lysine.
Canxi: Giúp xương phát triển vững chắc và tăng chiều cao. Nhu cầu canxi thay đổi theo tuổi, trung bình trẻ 6 tháng-18 tuổi cần khoảng 400-700 mg/ngày. Thức ăn có nhiều canxi là sữa, cua, ốc, tôm, tép, cá kho nhừ ăn cả xương, đậu phụ, các loại rau.
Vitamin A: Sinh tố đặc biệt cần thiết cho sự tăng trưởng của trẻ. Ngoài ảnh hưởng đến mắt, da, sức đề kháng bề mặt cơ thể chống nhiễm trùng, khả năng chống oxy hóa, chống ung thư hóa, thiếu vitamin A cũng gây chậm tăng trưởng xương. Thức ăn nhiều vitamin A: sữa, trứng, cá, gan, thịt, rau lá xanh đậm, củ quả màu vàng cam (bí đỏ, cà rốt, gấc, đu đủ, xoài chín...).
Vitamin D: Giúp hấp thu canxi tốt hơn. Hơn nữa, vitamin D giúp tăng tổng hợp chất protein. Cơ thể nhận một phần vitamin D từ thức ăn (sữa, bơ, phô mai, trứng, gan gà, dầu gan cá thu...) còn chủ yếu là tiền chất vitamin D nằm dưới da, khi tiếp xúc ánh nắng mặt trời trực tiếp sẽ giúp da tổng hợp vitamin D, với thời gian từ 15-30 phút/ngày.
Sắt: Là nguyên liệu để tạo máu. Thiếu sắt sẽ dẫn đến thiếu máu gây tăng trưởng chậm. Thức ăn nhiều sắt: gan, huyết, trứng, thịt, cá, đậu, rau dền, sữa có bổ sung sắt.
Kẽm: Rất cần thiết cho nhiều hoạt động chuyển hóa của cơ thể, giúp phân chia tế bào, thúc đẩy sự tăng trưởng. Nhu cầu kẽm: 0,5 mg/kg cân nặng, tối đa 15 mg mỗi ngày.
Iốt:Là nguyên liệu tạo nên nội tiết tố tuyến giáp, tác động lên nhiều bộ phận cơ quan trong cơ thể để thúc đẩy sự tăng trưởng. Nhu cầu iốt tăng dần theo tuổi: từ 50-150 mcg/ngày. Thức ăn nhiều iốt: phô mai, trứng gà, sữa, cá biển, rau câu, tảo.
Ở giai đoạn dậy thì, cơ thể trẻ cần nhiều năng lượng. Lứa tuổi này nên ăn khoảng 6 bữa trong ngày thay vì chỉ có 3 bữa ăn chính. Việc chia nhỏ bữa ăn giúp cơ thể hấp thu được chất dinh dưỡng nhanh chóng và đầy đủ hơn. Lượng dưỡng chất này đảm bảo cho hormon tăng trưởng được bài tiết tốt hơn, kích thích cơ thể phát triển nhanh và đạt được một chiều cao lý tưởng.
Tăng cường luyện tập thể dục thể thao
Để phát triển chiều cao một cách tích cực nhất, cha mẹ cần ‘truyền thông’ cho các con rằng, lối sống ít vận động sẽ ức chế sự phát triển của cơ, xương, qua đó làm giảm chiều cao lẽ ra có thể đạt được. Tập thể dục thể thao đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển chiều cao. Mỗi ngày nên dành 30 phút đến 1 tiếng để luyện tập. Các bài tập phát triển chiều cao dành cho tuổi thiếu niên giúp kéo giãn các chi và mô tế bào trong cơ thể. Những hoạt động thể thao như bóng rổ, bơi lội, quần vợt và bóng đá, cầu lông… sẽ giúp ích rất nhiều cho mục tiêu cải thiện chiều cao. Tập luyện có ý nghĩa lớn, nó làm tăng cường quá trình trao đổi chất trong cơ thể, tăng trọng khối xương khi trưởng thành. Khi luyện tập, tuần hoàn máu được lưu thông tốt hơn, trao đổi chất được tăng cường và hormon tăng trưởng (GH) tiết ra nhiều hơn.
Bên cạnh đó, thói quen ngủ, nghỉ ngơi khoa học giúp ích rất nhiều cho sự phát triển thể chất của trẻ, bởi khi ngủ, cơ thể sẽ tái tạo và phục hồi các tế bào. Ngủ đủ 8 giờ vào ban đêm. Ngủ sớm, dậy sớm. Ngủ đủ, ngủ sâu cũng làm hormon tăng trưởng tiết ra nhiều, kích thích xương dài hơn.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()