Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 01:38 (GMT +7)
Đền thờ Đức ông Hoàng Cần
Thứ 4, 12/07/2023 | 14:59:22 [GMT +7] A A
Theo cuốn Di sản Văn hóa Tiên Yên do NXB Văn hóa dân tộc (Hà Nội) xuất bản năm 2018, có tham khảo sách “Đại Nam nhất thống chí” và “Đồng Khánh địa dư chí”, thì Đức ông Hoàng Cần quê ở xã Hải Lạng, châu Tiên Yên, nay là huyện Tiên Yên.
Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” và “Đồng Khánh địa dư chí”, Đức ông Hoàng Cần có công dẹp giặc, giữ yên một vùng biên giới Đông Bắc. Đức ông được triều đình nhà Trần phong tặng chức Khâm Sai Đông Đạo Tiết Chế; triều đình nhà Nguyễn phong tặng chức Khâm Sai Thái Bảo Xuyên Quốc Công Tôn Thân và Bản cảnh thành hoàng. Nhân dân địa phương kính trọng gọi ông là Đại vương, lập đền thờ cúng, còn gọi là Miếu Đại vương.
Theo những người cao tuổi ở xã Hải Lạng, Đức ông Hoàng Cần trước đây được thờ tại Cửa Ông (TP Cẩm Phả), người dân xã Hải Lạng đến đó thắp hương. Để tiện việc thờ cúng, vào đầu thời Nguyễn, nhân dân xã Hải Lạng đã lập ngôi đền này. Theo tài liệu của cán bộ văn hóa xã Hải Lạng, trước đây có ngôi đền nhỏ 3 gian ở thôn Hà Dong, nhưng ngôi đền đó bị hỏng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Vì rất nhiều lý do, mãi đến năm 2012 ngôi đền mới có điều kiện xây dựng lại, bảo tồn được các giá trị văn hoá như ngày nay. Đền gồm một tòa đại bái 5 gian, 2 chái; hai tòa giải vũ; hệ thống trụ biểu, hoành mã, hồ thủy tạ, rừng sinh thái, đường giao thông nối với QL18A.
Bà Nguyễn Thị Chúc, năm nay 76 tuổi, làm công quả, trông coi Đền Đức ông Hoàng Cần, cho biết: “Ngôi đền khi được sửa chữa làm mới một số hạng mục đã thu hút rất nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu. Chính quyền mở rộng tuyến đường đi thẳng vào Đền, giúp đi lại rất thuận tiện, quang cảnh đẹp lên rất nhiều”.
Ngày lễ chính thức ở đền thờ Đức ông Hoàng Cần được tổ chức vào rằm tháng Giêng hằng năm. Đây là dịp để người dân tưởng nhớ, tri ân Đức ông cùng thuộc hạ đánh đuổi giặc ngoại xâm. Trong lễ tế thần Thành Hoàng, dân làng cầu thần, cầu phúc, lộc, sức khỏe, bình an, làm ăn thuận buồm xuôi gió, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu.
Vào các ngày lễ, dân làng chuẩn bị đóng góp lễ vật từ trước, mọi người cùng mang lễ vật tập trung tại sân để nấu đồ lễ dâng cúng thần Thành Hoàng. Ngày lễ rằm tháng Giêng, cơm được nấu và nắm nhiều hơn các ngày lễ khác để người tham dự sau khi ăn cỗ tại đền xong sẽ lấy phần mang về chia con cháu ăn lấy may, với mong muốn cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn gặp nhiều may mắn, phát tài.
Chính quyền xã Hải Lạng và người dân chung tay bảo tồn, phát huy giá trị của ngôi đền để Lễ hội Đức ông Hoàng Cần, Lễ hội Đại Phan, Lễ cúng cơm mới của người Sán Dìu tổ chức vào trung tuần tháng 10 âm lịch hằng năm tại xã Hải Lạng là điểm tìm đến của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh.
Liên kết website
Ý kiến ()