Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 19:47 (GMT +7)
Đến Đồng Nai đừng bỏ qua 6 điểm du lịch trứ danh này
Thứ 6, 06/10/2023 | 15:06:06 [GMT +7] A A
Không chỉ có những danh lam thắng cảnh với hệ sinh thái tự nhiên, Đồng Nai còn có nhiều di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật... hấp dẫn người yêu du lịch văn hóa.
Văn miếu Trấn Biên
Văn miếu Trấn Biên có tuổi đời hơn 300 năm, tọa lạc trong khuôn viên rộng hơn 15ha, thuộc địa phận phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa. Văn miếu là trung tâm văn hóa, giáo dục đầu tiên của tỉnh Đồng Nai nói riêng và của vùng Nam Bộ nói chung.
Du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng nét kiến trúc trang nhã và cổ kính truyền thống, với mái ngói màu xanh ngọc, nhiều hạng mục giống với Văn Miếu - Quốc Tử Giám; đồng thời thấy được giá trị về văn hóa, giáo dục từ thuở sơ khai của người Việt phương Nam.
Thành cổ Biên Hòa
Thành cổ Biên Hòa (Thành Cựu, Thành Kèn, Thành Xăng Đá) tọa lạc tại phường Quang Vinh, thành phố Biên Hòa. Đây là một trong những thành lũy quân sự lớn nhất trong lịch sử xây dựng thành ở Nam Bộ còn tồn tại đến ngày nay.
Thành cổ hiện tại vẫn còn dấu tích của những bức tường thành xây bằng đá ong từ thuở sơ khai. Hai tòa thành phía Đông và phía Tây mang kiến trúc Pháp đặc trưng với những ô cửa mái vòm.
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh
Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (Đền Bình Kính) được người dân lập nên để ghi nhớ công lao khai khẩn vùng đất Biên Hòa và Nam Bộ của bậc công thần đời chúa Nguyễn Phúc Chu. Đền tọa lạc tại phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa.
Bên trong di tích có một số công trình tiêu biểu: Tượng Nguyễn Hữu Cảnh, nhà Văn bia Biên Hòa – Đồng Nai, chính điện… Du khách đừng quên tìm hiểu về địa danh Cù lao Phố - nơi Nguyễn Hữu Cảnh đặt chân đến đầu tiên khi kinh lược xứ Đồng Nai, cùng những công trạng của ông trong việc xác lập chủ quyền ở Nam Bộ.
Mộ cự thạch Hàng Gòn
Mộ cự thạch Hàng Gòn, còn gọi là Mả Ông Đá hay Mộ Đông Dương. Ngôi mộ nằm tại xã Hàng Gòn, thành phố Long Khánh, là một di tích khảo cổ quốc gia đặc biệt, thuộc loại hình mộ táng dolmen quý hiếm ở Việt Nam và thế giới, có niên đại 150 năm trước Công nguyên đến 240 năm sau Công nguyên.
Du khách tham quan sẽ được tìm hiểu về Mộ cự thạch Hàng Gòn trong tiến trình lịch sử, cùng những những câu chuyện và bí ẩn xoay quanh việc xây dựng ngôi mộ với giá trị nghệ thuật, kỹ thuật và sự sáng tạo vượt bậc của cộng đồng cư dân cổ từng sinh sống ở vùng đất này.
Địa đạo Nhơn Trạch
Địa đạo Nhơn Trạch (địa đạo Phước An) tọa lạc tại xã Long Thọ, huyện Nhơn Trạch. Du khách sẽ được trực tiếp tham quan hệ thống địa đạo khoảng 200m.
Khu nhà trưng bày nổi bật với mô hình tái dựng hoạt động đào địa đạo; tư liệu, hình ảnh về đặc công Rừng Sác, về cuộc kháng chiến chống Mỹ của quân dân Nhơn Trạch, cùng với hàng trăm hiện vật của những chiến sĩ cách mạng.
Chùa Ông
Chùa Ông, còn gọi là Thất Phủ Cổ Miếu hay Miếu Quan Đế, tọa lạc ở phường Hiệp Hòa, thành phố Biên Hòa, được xây dựng cách đây hơn 300 năm, được xem là một trong những ngôi chùa cổ kính và linh thiêng nhất Nam Bộ.
Ngoài giá trị văn hóa, tín ngưỡng, chùa còn có giá trị về mặt lịch sử, gắn liền với sự định cư đầu tiên của cộng đồng người Hoa ở Nam Bộ vào giữa thế kỷ XVII.
Theo laodong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()