Tất cả chuyên mục

Trao đổi với chúng tôi, tác giả của giải pháp “Nghiên cứu chế tạo bột huỳnh quang phát xạ ánh sáng đỏ và xanh lam ứng dụng trong chế tạo đèn huỳnh quang và huỳnh quang compact phục vụ trong chiếu sáng nông nghiệp công nghệ cao”, tiến sĩ Đỗ Quang Trung, Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh (TX Đông Triều), cho biết: Việt Nam là một trong những nước có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho trồng các loại cây ăn quả nhiệt đới có giá trị xuất khẩu cao. Tuy nhiên, hiện nay nguồn cung cấp sản phẩm trái cây không đồng đều, phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết, chất lượng của sản phẩm cũng chưa cao. Nguyên nhân chủ yếu là do kỹ thuật trồng và chăm sóc cây chưa đúng cách.
Sau nhiều năm nghiên cứu, tiến sĩ Trung và hai đồng tác giả là Nguyễn Thị Thanh Hoa và Nguyễn Thị Thanh Hà nhận thấy, việc sử dụng ánh sáng nhằm kích thích, can thiệp vào quá trình sinh trưởng, tăng trưởng của nhiều loại cây ăn quả, một số loại hoa…, người dân vẫn sử dụng bóng đèn chiếu sáng thông thường. Với ánh sáng này, cây hoàn toàn không hấp thụ được các ánh sáng cần thiết, gây lãng phí điện và chất lượng sản phẩm không được cải thiện nhiều. Do vậy, mục đích mà nhóm tác giả đặt ra là nghiên cứu, chế tạo đèn chuyên dụng dùng riêng cho cây, loại đèn này phải thoả mãn phổ hấp thụ diệp lục của cây, tức là được phủ lớp bột huỳnh quang đỏ và xanh lam bên trong với các tỷ lệ thành phần thích hợp.
![]() |
Tiến sĩ Đỗ Quang Trung (thứ 2, trái sang) giới thiệu đèn chuyên dụng cho cây trồng với đoàn khảo sát Hội thi STKT tỉnh lần thứ V. |
Để chế tạo ra loại đèn chuyên dụng cho cây trồng, nhóm tác giả đã nghiên cứu chế tạo bột huỳnh quang pha tạp đất hiếm, có hiệu suất cao và phát xạ trong vùng ánh sáng màu đỏ và màu xanh lam được sử dụng trong đèn huỳnh quang và huỳnh quang compact ứng dụng trong chiếu sáng nông nghiệp công nghệ cao. Giải pháp này đã được ứng dụng vào quá trình trồng cây ăn quả, các loại hoa, đem lại giá trị kinh tế cao cho nông dân. Hơn nữa, việc sử dụng ánh sáng nhân tạo để kích thích cây trồng sinh trưởng đã góp phần hạn chế sử dụng các loại thuốc hoá học kích thích, giúp bảo vệ môi trường, tạo ra các sản phẩm chất lượng, phù hợp với nhu cầu thị hiếu của người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Cùng với đó, việc chủ động chế tạo nguyên vật liệu cung cấp cho các nhà sản xuất đèn sẽ giúp làm chủ được công nghệ và cải tiến các thiết bị chiếu sáng có công suất, kiểu dáng và dải ánh sáng thích hợp có thể áp dụng với điều kiện chiếu sáng của các vùng miền trên cả nước, không phải nhập khẩu các thiết bị chiếu sáng từ nước ngoài với giá thành cao.
Với tính năng đặc thù của sản phẩm hai loại đèn chiếu sáng nói trên đều sử dụng các bột huỳnh quang pha tạp ion đất hiếm, nên cho hiệu suất phát xạ cao, tiết kiệm năng lượng cho chiếu sáng. Các sản phẩm của ứng dụng là các loài cây, hoa có giá trị kinh tế cao như cây hoa cúc, lan, thanh long, cho ra hoa đẹp, kết trái trái vụ. Bên cạnh ứng dụng cho cây trồng, nhóm tác giả đang tiến hành thử nghiệm chiếu sáng kích thích gà đẻ siêu trứng, dụ cá…
Ông Hoàng Hùng Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh đánh giá về hiệu quả giải pháp: Xã hội càng phát triển thì nhu cầu của người dân về các thực phẩm chất lượng, an toàn ngày càng cao. Việc sử dụng các thiết bị chiếu sáng nhân tạo này đã kích thích cây trồng sinh trưởng phát triển ra hoa, quả, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân, đồng thời giúp bảo vệ môi trường, sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Phạm Hoạch
Ý kiến ()