Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:46 (GMT +7)
Chiêm ngưỡng “ứng viên” Bảo vật Quốc gia ở Bảo tàng Quảng Ninh
Chủ nhật, 19/12/2021 | 09:45:54 [GMT +7] A A
Trong hơn 2 vạn hiện vật Bảo tàng Quảng Ninh đang lưu giữ, đã có 8 hiện vật được công nhận là Bảo vật Quốc gia kể từ năm 2018 trở lại đây. Năm nay, Bảo tàng tỉnh tiếp tục lập hồ sơ đề cử thêm 4 hiện vật nữa vào danh sách này. Vậy đó là những hiện vật gì và giá trị đặc sắc của chúng như thế nào?
Qua trò chuyện, ông Kiều Đinh Sơn, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh cho biết, 4 “ứng viên” Bảo vật Quốc gia năm nay của đơn vị là Thạp đồng Đông Sơn, Thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần, Thạp gốm hoa nâu thời Trần và Bình gốm men vẽ nhiều màu thời Lê sơ.
Các hiện vật này, chỉ có duy nhất Thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần được phát hiện ở di tích hành cung của An Sinh Vương Trần Liễu, trong cuộc khai quật quy mô lớn năm 2017-2018 tại đền An Sinh (xã An Sinh, TX Đông Triều). Số còn lại nằm trong hệ thống hiện vật được Sở Văn hóa - Thể thao Quảng Ninh sưu tầm từ Dự án Sưu tầm bổ sung hiện vật phục vụ trưng bày của Bảo tàng Quảng Ninh, vào năm 2015 và 2018. Đây đều là hiện vật gốc, độc bản với những giá trị lịch sử, văn hoá đặc sắc, đã và đang được trưng bày trong các không gian của Bảo tàng Quảng Ninh.
Thạp đồng Đông Sơn (thế kỷ III - II trước Công nguyên)
Thạp đồng Đông Sơn là một hiện vật mang bản sắc của Văn hóa Đông Sơn (cách ngày nay 3.500 -2.000 năm). Toàn bộ thân và nắp thạp được đúc bằng kỹ thuật dùng khuôn sáp nóng chảy - một kỹ thuật đòi hỏi sự tích lũy kinh nghiệm lâu dài, thành thạo trong kỹ năng và chuẩn xác trong từng công đoạn, nên trên thạp không có dấu vết ráp khuôn.
Đây cũng là thạp đầu tiên có hình khỉ trên nắp thạp với 4 tượng khỉ quay mặt về 4 hướng khác nhau. Trên thạp, các hoa văn tả thực hình người, chim, thú, cá biển, sam biển, rùa biển rất thực và sinh động. Người được mô tả trong tư thế khụy chân lấy đà, chim trong tư thế đang bay, cá đang bơi, nhảy trên mặt nước... Đặc biệt, hình tượng các động vật biển qua những họa tiết trên thạp đã góp phần chứng minh yếu tố biển đậm nét trong văn hóa Đông Sơn.
Thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần (thế kỷ XIII)
Thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần của Bảo tàng Quảng Ninh có chất lượng tốt, ngoài việc sử dụng nguyên liệu đất sét trắng, được tuyển lựa kỹ càng, qua khâu làm đất cẩn thận, nung ở nhiệt độ cao, kỹ thuật sản xuất góp phần quan trọng tạo nên giá trị của di vật đặc biệt này.
Thống được tạo dáng từ việc dùng các con chạch đất chuốt tay dựa trên bàn xoay đồ gốm. Kết hợp bàn xoay là bàn tay nghệ thuật tài hoa của người nghệ nhân làm gốm trong việc sửa dáng, tạo khắc các băng hoa văn trải kín thân ngoài thống. Với kích thước lớn nhất trong hệ thống đồ gốm gia dụng và đồ gốm nghi lễ của nước ta, được tạo khắc hoa văn, tráng men và nung đốt hoàn toàn không có tỳ vết,… là những đặc trưng kỹ thuật hiếm có của thống gốm hoa nâu An Sinh.
Các đồ gốm thời Trần thường có kích thước nhỏ hoặc trung bình, dưới 50cm. Do đó, để nung được sản phẩm như thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần tại Bảo tàng Quảng Ninh là một thách thức lớn cho thợ gốm. Với đường kính hơn 1m, cao hơn 70cm và nặng tới 126kg, thống gốm hoa nâu An Sinh hiện là đồ gốm có kích thước lớn nhất trong toàn bộ hệ thống đồ gốm gia dụng và đồ gốm nghi lễ Việt Nam thời kỳ phong kiến.
Thống gốm hoa nâu An Sinh thời Trần có 6 băng hoa văn ngang, khắc các hình hoa, dây lá, vân mây, rồng bay nhả ngọc phun châu, chim ngậm cành hoa dây…, đều được tô hoa nâu, hàm chứa một ý niệm văn hóa đặc sắc thời Trần.
Chiếc thống này được khai quật ở hành cung của An Sinh Vương Trần Liễu xưa, có kích thước lớn, hình dáng, hoa văn trang trí được tạo tác tỉ mỉ, nhất là hoa văn 8 con rồng, có thể nhận định đây là đồ dùng của tầng lớp quý tộc Trần, hoặc là đồ lễ khí trong các hoạt động nghi lễ của đời sống cung đình hoặc đời sống tôn giáo. Thống là hiện vật quý giá, mang giá trị lịch sử, văn hóa và nghệ thuật to lớn, đại diện tiêu biểu cho dòng gốm hoa nâu thời Trần.
Thạp gốm hoa nâu thời Trần (thế kỷ XIII - XIV).
Thạp gốm hoa nâu thời Trần của Bảo tàng Quảng Ninh còn nguyên vẹn với hoa văn trang trí đặc trưng, là một di vật hiếm gặp và có giá trị tiêu biểu nhất của loại hình gốm hoa nâu thời Trần.
Thạp có chất lượng tốt, ngoài việc sử dụng nguyên liệu đất sét trắng, nung ở nhiệt độ cao, kỹ thuật sản xuất góp phần quan trọng tạo nên giá trị của di vật. Đặc trưng tiêu biểu nhất, giá trị nhất của thạp là từ trên xuống dưới tạo nhiều lớp hoa văn trang trí khác nhau.
Thạp có miệng loe, mép miệng nhọn, vai gãy ngang trang trí cánh sen kép đắp nổi thành dải. Tổng cộng có 15 cánh sen chính liền nhau nằm trên và 15 cánh sen phụ nằm dưới giữa hai cánh sen chính. Các cánh sen được khắc thủ công, nên kích thước to, nhỏ khác nhau.
Trên thạp có 3 băng hoa văn ngang, trong đó băng hoa văn trên cùng khắc các cặp lá cây cách điệu; băng hoa văn dưới cùng khắc các cánh hoa sen to, thô tiếp nối và liền sát nhau. Băng thứ 2 là băng hoa văn chính, khắc 2 con ngựa, 1 con hổ và 2 con chim theo chiều ngược kim đồng hồ.
Trong đó, hình người cưỡi ngựa đầu tiên trong tư thế ngựa phi nhanh, đầu và cổ ngựa ngẩng cao, dướn về phía trước; người cưỡi ngựa thứ hai trong tư thế đi thong thả, người ngồi khoanh chân trên lưng ngựa. Hình hổ liền sát sau ngựa thứ hai, trong tư thế ngồi trên hai chân sau, thân cong khom về phía trước. Chim trong tư thế bước đi về phía trước, đuôi dài, xòe to chạm đất… Các họa tiết trang trí trên thạp là kết quả của sự kết hợp giữa bàn xoay, nặn tay, chạm khắc, trổ thủng, in khuôn, dán và tô điểm phối hợp màu men.
Có thể thấy, hình dáng, hoa văn chạm khắc và phối màu men trang trí đã tạo nên giá trị kỹ-mỹ-nghệ thuật và lịch sử văn hóa cốt lõi của thạp gốm hoa nâu thời Trần ở Bảo tàng Quảng Ninh. Đây thực sự là tác phẩm nghệ thuật quý hiếm bằng gốm men còn tồn tại đến ngày nay với chức năng là vật dụng tế khí trong các nghi lễ của đời sống cung đình và tín ngưỡng tôn giáo dân gian, đồng thời hàm chứa các giá trị văn hóa đương thời.
Bình gốm men vẽ nhiều màu thời Lê sơ, thế kỷ XV
Bình gốm men vẽ nhiều màu với chất liệu, màu men và đặc biệt là kỹ thuật vẽ nhiều màu thể hiện trình độ phát triển cao của kỹ nghệ sản xuất gốm sứ Đại Việt thời Lê sơ.
Nguyên liệu chế tạo bình gốm là đất sét trắng được lọc ủ kỹ, cộng với độ nung cao khiến cho xương gốm có kết cấu xốp mà vẫn chắc. Kỹ thuật vẽ nhiều màu không chỉ đòi hỏi trình độ về thẩm mỹ mà hơn hết nó đòi hỏi một quy trình kỹ thuật phức tạp từ khâu vẽ, tráng men đến nung đốt.
Bình gốm men vẽ nhiều màu là một sản phẩm nghệ thuật tiêu biểu, đặc sắc thời Lê sơ. Nếu như sứ thời Lý – Trần tiêu biểu bởi các dòng sứ men trắng, gốm men lục và gốm hoa nâu thì gốm thời Lê sơ tiêu biểu là dòng gốm men vẽ lam và đặc sắc nhất là loại gốm men vẽ nhiều màu.
Khác với dòng gốm này của Trung Hoa, ngoài việc sử dụng các màu lam, lục, đỏ, vàng… thì gốm men vẽ nhiều màu Đại Việt còn dùng kim loại vàng như một màu để vẽ trên men. Điều này đòi hỏi người thợ có kỹ thuật cao không chỉ ở khâu vẽ mà còn cả ở các khâu khác để đảm bảo có một sản phẩm chất lượng cao, cũng cho thấy sức sáng tạo của các thợ gốm Đại Việt.
Giá trị nổi bật của bình gốm thể hiện qua các đề tài và màu sắc hoa văn trang trí, trong đó, các họa tiết hoa lá, hình học làm nền tôn lên hoa văn rồng vờn ngọc báu. Khác với các đồ án rồng vờn ngọc thường thấy là song long hý ngọc báu thì trên bình này lại trang trí 2 con rồng đang nối đuôi nhau bay lượn hý ngọc báu. Ngọc báu được thể hiện bằng hình tròn xoáy ốc, giống đồ án thái cực hơn là ngọc báu.
Chính cấu trúc chuyển động của rồng kết hợp với ngọc báu dường như thể hiện sự vận động không ngừng của vũ trụ theo quan điểm của Đạo giáo. Giả thuyết này được bổ sung thêm bởi màu sắc chủ đạo trang trí bình là đỏ nâu (chu sa), màu mang tính biểu trưng của Đạo giáo. Với màu sắc và đồ án hoa văn như vậy, dường như bình được dùng trong các nghi lễ hoặc thể hiện triết lý của Đạo giáo.
Khác với các đồ gốm cao cấp trang trí rồng khác, rồng trang trí trên bình là rồng có 4 móng. Dưới thời Lê sơ, hình tượng rồng là biểu trưng cho nhà vua và hoàng gia, ở đây có thể là hàm ý các sản phẩm đẳng cấp cao chỉ xếp sau những sản phẩm dành riêng cho nhà vua.
Phan Hằng
- Bảo vật quốc gia
- “Công nhận, bảo quản Bảo vật Quốc gia tuỳ thuộc vào điều kiện thực tế của địa phương…”
- Công nhận Bảo vật Quốc gia: Cần sự tiếp sức của các địa phương
- Quảng Yên: Khai mạc triển lãm hình ảnh Bảo vật Quốc gia và ảnh thời sự, nghệ thuật 2021
- Chiêm ngưỡng Bảo vật Quốc gia gốm thời Lý ở Bảo tàng Quảng Ninh
Liên kết website
Ý kiến ()