Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:29 (GMT +7)
Đề xuất thêm hai quyền mới cho lực lượng Cảnh sát cơ động
Thứ 7, 09/10/2021 | 09:52:34 [GMT +7] A A
Việc xây dựng luật sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Cảnh sát cơ động thực hiện tốt nhiệm vụ theo yêu cầu của thực tiễn đặt ra, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của Cảnh sát cơ động, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Làm rõ tính đặc thù của Cảnh sát cơ động
Ngày 8/10, Ủy ban Quốc phòng và An ninh họp phiên họp toàn thể lần thứ 2, thẩm tra dự án Luật Cảnh sát cơ động. Báo cáo tại phiên họp, Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cho biết, dự thảo luật quy định cụ thể 7 quyền hạn của Cảnh sát cơ động, trong đó bổ sung thêm 2 quyền hạn mới.
Cụ thể, Cảnh sát cơ động được mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ vào cảng hàng không và lên tàu bay dân sự trong các trường hợp chống khủng bố, giải cứu con tin, trấn áp đối tượng có hành vi phạm tội nguy hiểm có sử dụng vũ khí; bảo vệ vận chuyển hàng đặc biệt, áp giải bị can, bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và sử dụng tàu bay riêng do cấp có thẩm quyền. Tiếp đến là sử dụng để ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái và các phương tiện khác trực tiếp tấn công, xâm phạm hoặc tin đe dọa tấn công, xâm phạm mục tiêu bảo vệ của Cảnh sát cơ động.
Tán thành sự cần thiết ban hành luật, đại diện cơ quan thẩm tra, Thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh đánh giá, tờ trình của Chính phủ đã thể hiện rõ đặc thù của Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang chiến đấu tập trung, sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu; được trang bị vũ khí, phương tiện kỹ thuật đặc chủng, hiện đại; phương án tác chiến đặc biệt…
Việc xây dựng luật này sẽ tạo hành lang pháp lý quan trọng cho Cảnh sát cơ động thực hiện tốt nhiệm vụ theo yêu cầu của thực tiễn đặt ra, bảo đảm quyền, nghĩa vụ của Cảnh sát cơ động, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Cơ quan thẩm tra đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá kỹ những quy định mới của dự thảo luật so với pháp luật hiện hành, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật và bảo đảm thuận lợi trong tổ chức thực hiện.
Tán thành với dự thảo luật, song các đại biểu cũng đề nghị làm sáng tỏ hơn tính đặc thù của Cảnh sát cơ động sử dụng biện pháp vũ trang là chủ yếu, tính cơ động cao, tác chiến mau lẹ, được sử dụng vũ khí, phương tiện đặc biệt để giải quyết các sự việc trong tình huống cấp bách. Đại biểu cũng đề nghị quy định cụ thể, chặt chẽ hơn các trường hợp được ngăn chặn, vô hiệu hóa phương tiện bay không người lái.
Hai phương án về hệ thống tổ chức
Về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động, dự thảo luật nêu 2 phương án. Theo đó, phương án 1 quy định mang tính nguyên tắc gồm Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cảnh sát cơ động Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phương án 2, ngoài quy định về hệ thống tổ chức như phương án 1 còn quy định về cơ cấu với 6 lực lượng cụ thể. Cả hai phương án đều giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của Cảnh sát cơ động.
Về việc này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang cho biết, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhất trí với quy định của phương án 1, vì thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân. Đồng thời phương án này cũng tương tự với quy định về hệ thống tổ chức của một số lực lượng khác như lực lượng Cảnh vệ, lực lượng Cảnh sát biển, lực lượng Bộ đội Biên phòng.
Tại phiên thảo luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang phân tích, Luật Công an nhân dân quy định lực lượng Công an nhân dân có nhiệm vụ và quyền hạn áp dụng 7 biện pháp, trong đó có biện pháp vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Như vậy, sử dụng biện pháp vũ trang trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được quy định đối với tất cả các lực lượng trong Công an nhân dân mà không chỉ có Cảnh sát cơ động.
Theo ông Giang, việc sử dụng cụm từ “chuyên trách thực hiện biện pháp vũ trang” trong xác định vị trí, chức năng của Cảnh sát cơ động là chưa chính xác và gây nhiều tranh luận không cần thiết. Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị quy định “Cảnh sát cơ động là lực lượng vũ trang nhân dân, thuộc Công an nhân dân Việt Nam, là lực lượng đặc biệt, nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội”.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, việc ban hành Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết để tạo cơ sở hành lang pháp lý chặt chẽ cho hoạt động của Cảnh sát cơ động. Lãnh đạo Quốc hội cũng lưu ý, việc nâng từ Pháp lệnh thành Luật Cảnh sát cơ động cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, phải bám vào quy định của Hiến pháp.
Theo Tiền phong
Liên kết website
Ý kiến ()