Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 21:05 (GMT +7)
Đề xuất tăng giá truyền tải điện
Thứ 5, 02/02/2023 | 09:46:29 [GMT +7] A A
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa có đề xuất Bộ Công Thương tăng gần 4% giá điện truyền tải lên 79,09 đồng/kWh so với mức đã được duyệt năm 2022 để Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) không bị lỗ.
Theo EVN, giá điện truyền tải năm 2022 đã được Bộ Công Thương phê duyệt từ tháng 5/2022 với mức 75,85 đồng/kWh. Mức giá truyền tải này đã được Bộ Công Thương phê duyệt dựa trên các yếu tố như sản lượng điện truyền tải dự kiến 216,033 tỷ kWh.
Báo cáo của EVN cho biết, so với mức tính toán của Bộ Công Thương, thực tế sản lượng điện truyền tải năm ngoái thấp hơn kế hoạch 2,14%, chỉ đạt 211,4 tỷ kWh. Với mức này EVNNPT ghi nhận doanh thu gần 16.172 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ gần 16.035 tỷ đồng và từ hoạt động tài chính xấp xỉ 137 tỷ. Tổng chi phí của doanh nghiệp là hơn 16.973 tỷ đồng, trong đó đã gồm lỗ chênh lệch tỷ giá.
EVN cho biết đã tính toán lại kết quả sản xuất kinh doanh điện năm 2022 trên cơ sở cập nhật sản lượng điện truyền tải, các chi phí khác đã thực hiện với giá truyền tải 75,85 đồng/kWh. Kết quả năm 2022, EVNNPT lỗ gần 684,86 tỷ đồng, chủ yếu do chênh lệch tỷ giá, và trong phương án giá truyền tải đã phê duyệt chưa tính tới yếu tố này.
Vì vậy, EVN kiến nghị Bộ Công Thương duyệt điều chỉnh giá truyền tải điện năm 2022 tăng thêm 3,24 đồng, lên mức 79,09 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT), tương ứng tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của EVNNPT là 0%.
Việc điều chỉnh giá truyền tải điện sẽ nhằm giúp Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia không bị lỗ trong năm 2022, giúp doanh nghiệp giữ được hệ số đánh giá tín nhiệm, đảm bảo các cam kết với các tổ chức vay vốn và tiếp tục huy động được vốn đầu tư xây dựng hệ thống truyền tải điện.
Về hoạt động của tập đoàn, EVN cho biết, 2022 là năm khó khăn chưa từng có của ngành điện, khi các thông số đầu vào tăng mạnh (giá than nhập khẩu, than pha trộn, giá khí, dầu...) và chi phí mua điện tăng thêm khi các nhà máy điện tham gia thị trường.
Tính chung cả năm 2022, công ty mẹ và các đơn vị thành viên EVN bị lỗ tổng cộng khoảng 28.876 tỷ đồng dù tập đoàn đã thực hiện các biện pháp tiết kiệm, tiết giảm đầu tư chi phí đầu vào, vận hành tối ưu hệ thống điện.
Riêng giá than năm tăng gấp 6 lần so với đầu năm 2021 đã khiến chi phí sản xuất điện từ than nhập khẩu cũng lên tới 3.500-4.000 đồng/kWh, trong khi giá bán điện bình quân được quy định chỉ ở mức 1.864 đồng/kWh. Việc phải bán dưới giá thành khiến EVN phải trải qua một năm lỗ lịch sử.
EVN cũng cho biết, với cơ chế giá điện như hiện nay và các chi phí đầu vào như giá than nhập khẩu, than pha trộn, giá khí, dầu... không giảm, EVN và các tổng công ty điện lực, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia dự kiến lỗ sản xuất kinh doanh khoảng 64.941 tỷ đồng, nếu giá bán lẻ điện giữ như hiện hành.
Ước tính 6 tháng đầu năm EVN dự kiến lỗ 44.099 tỷ đồng và 6 tháng cuối năm dự kiến lỗ 20.842 tỷ đồng. Như vậy, cùng với số lỗ của năm 2022 (28.876 tỷ đồng) thì tổng lỗ sản xuất kinh doanh EVN luỹ kế 2 năm 2022 và 2023 lên tới hơn 93.000 tỷ đồng.
Việc bị lỗ quá lớn trong 2 năm liên tiếp sẽ khiến EVN mất cân đối tài chính và không có tiền để thanh toán chi phí mua điện cho các đơn vị phát điện và sẽ kéo theo khủng hoảng dây chuyền trong cả ngành cũng như không đảm bảo được việc cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội.
Theo tienphong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()