Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 16:40 (GMT +7)
Đề xuất đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện là 2% lương tối thiểu vùng IV
Thứ 2, 29/05/2023 | 15:23:24 [GMT +7] A A
Dự thảo Nghị định về chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện đề xuất mức đóng hằng tháng là 2% mức lương tối thiểu vùng IV. Người tham gia chính sách này bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
3 chế độ với bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về dự thảo Nghị định quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động (sau đây gọi tắt là bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện).
Có hai nhóm đối tượng áp dụng. Cụ thể là: Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động là công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên tham gia bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện (sau đây gọi tắt là người lao động); các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện.
Dự thảo Nghị định đề xuất 3 chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Đó là: Giám định mức suy giảm khả năng lao động; Trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ; Hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.
Người lao động được xem xét hưởng các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện khi có đủ các điều kiện sau đây: Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do tai nạn lao động xảy ra trong thời gian tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; Tai nạn xảy ra không thuộc các trường hợp được quy định dưới đây.
Cụ thể, người lao động không được hưởng các chế độ quy định nếu tai nạn xảy ra do một trong các nguyên nhân sau: Mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến công việc, nhiệm vụ lao động; Người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân; Sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.
Người lao động bị tai nạn lao động chủ động đi giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Sau khi bị thương tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;
Sau khi thương tật tái phát đã được điều trị ổn định;
Đối với trường hợp thương tật không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Y tế, người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.
Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động nhiều lần.
Đối với người lao động đã được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động theo quy định tại Nghị định này, nếu thương tật tái phát đã điều trị ổn định, thì được cơ quan bảo hiểm xã hội giới thiệu đi giám định lại sau 24 tháng, kể từ ngày người lao động được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó.
Hưởng trợ cấp một lần khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30%
Dự thảo Nghị định nêu rõ, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% do tai nạn lao động được hưởng trợ cấp một lần.
Cụ thể, suy giảm 5% khả năng lao động được hưởng 5 lần mức lương cơ sở. Sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở.
Ngoài mức trợ cấp quy định trên, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Cứ thêm mỗi năm đóng kể từ năm đóng thứ 2 trở đi được tính thêm 0,3 mức lương cơ sở.
Thân nhân của người lao động bị chết do tai nạn lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Thứ nhất, người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động;
Thứ hai, người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động;
Thứ ba, người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật do tai nạn lao động mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động;
Thứ tư, người lao động bị suy giảm khả năng lao động trên 31% bị chết trong quá trình điều trị do thương tật tái phát mà số tháng người lao động đó được hưởng trợ cấp chưa đủ 36 tháng.
Hưởng trợ cấp hằng tháng khi suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên
Dự thảo Nghị định đề xuất, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên do tai nạn lao động thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Nếu người lao động bị suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng mức trợ cấp hằng tháng bằng 30% mức lương cơ sở. Sau đó, cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở.
Ngoài mức trợ cấp quy định nêu trên, hằng tháng, người lao động còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện. Từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5% mức lương cơ sở. Sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức lương cơ sở.
Thời điểm hưởng trợ cấp một lần và trợ cấp hằng tháng được tính từ tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.
Với trường hợp giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động nhiều lần, thời điểm trợ cấp được tính kể từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện của lần điều trị đối với tai nạn lao động sau cùng, hoặc từ tháng có kết luận giám định tổng hợp của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.
Với trường hợp bị tai nạn lao động mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện, thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
Trường hợp người lao động được đi giám định mức suy giảm khả năng lao động quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 5 Nghị định này thì thời điểm hưởng trợ cấp mới được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.
Thời điểm hưởng trợ cấp một lần cho thân nhân người lao động bị tử vong do tai nạn lao động được tính từ lúc cơ quan bảo hiểm xã hội ra quyết định.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên do bị tai nạn lao động mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt, hoặc cụt, liệt hai chi, hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp hằng tháng, mỗi tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.
Người lao động bị tai nạn lao động mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật.
Loại phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình, niên hạn, mức tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình, hồ sơ, trình tự thực hiện được áp dụng như đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Điều 51 Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Theo nhandan.vn
- Hồ sơ nghỉ hưu trước tuổi của người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện
- Nhiều lao động đóng bảo hiểm 30 năm nhưng lương hưu chỉ 2,5-3 triệu đồng
- Trường hợp được hưởng thai sản khi mới đóng bảo hiểm xã hội
- Người lao động nước ngoài có phải đóng bảo hiểm thất nghiệp?
- Cảnh báo tình trạng mua bán sổ bảo hiểm xã hội
Liên kết website
Ý kiến ()