Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 02:41 (GMT +7)
Đề xuất công nhận Phật hoàng Trần Nhân Tông là Danh nhân văn hoá thế giới
Chủ nhật, 15/01/2023 | 11:06:30 [GMT +7] A A
Việc đề xuất UNESCO vinh danh Trần Nhân Tông là Danh nhân văn hóa thế giới là chủ trương đã có từ lâu và hoàn toàn xứng đáng với tư tưởng mà Phật hoàng và Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử để lại cho hậu thế.
Phật hoàng Trần Nhân Tông là nhà chính trị và nhà tu hành Phật giáo mẫu mực thế kỷ XIII. Ông đã chỉ huy quân dân Đại Việt giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại quân xâm lược Mông Cổ, là biểu hiện của tình yêu xã tắc, yêu cái thiện và đấu tranh tiêu diệt, ngăn chặn cái ác với quy mô mang tầm quốc gia, nhân loại. Ông hội được những phẩm chất, tạo được đức nghiệp mà hiếm ông vua nào trong lịch sử Việt Nam có được; là nhà chính trị có tầm nhìn xa rộng, đã thực thi tư tưởng cai trị hướng tới sự hòa hợp bình yên và nhân đạo.
Ông là người sáng lập dòng thiền Trúc Lâm mang dấu ấn Việt sâu sắc, người nghệ sĩ tài hoa với những bài thơ bất hủ, khởi đầu cho dòng văn học viết bằng chữ Nôm và là nhà nhân văn chủ nghĩa có sức cảm hóa hàng triệu triệu con người. Tư tưởng hòa quang đồng trần, giải thoát không rời thế gian, niết bàn thị sinh tử, sinh tử thị niết bàn, bất nhị pháp môn… là những tư tưởng quan trọng mà ông đem dẫn dắt Thiền phái và nhân sinh. Với những đóng góp và ảnh hưởng đặc biệt to lớn cả quá khứ, hiện tại và tương lai, ông là thiền sư duy nhất được tôn là Phật hoàng.
Vị vua anh minh Trần Nhân Tông cũng được đặt tên cho một viện nghiên cứu đặt tại thành phố Boston, Mỹ, do một nhóm nhà nghiên cứu tại Trường Đại học Harvard sáng lập. Sau đó, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng đã thành lập Viện Trần Nhân Tông. Đây là cơ quan nghiên cứu với mục tiêu đề ra gồm: Tổ chức nghiên cứu về Trần Nhân Tông theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời xuất bản các kết quả nghiên cứu, các ấn phẩm về Trần Nhân Tông bằng nhiều loại hình; thúc đẩy, ứng dụng những tư tưởng nhân ái, giàu trí tuệ của Phật hoàng Trần Nhân Tông vào cuộc sống; quảng bá những giá trị tư tưởng và sự nghiệp vĩ đại của Trần Nhân Tông trên toàn thế giới.
Như vậy, Phật hoàng Trần Nhân Tông là tên gọi, là một danh nhân, nhưng cũng đã là một tinh thần, một giá trị. Viện Trần Nhân Tông thành lập với mong muốn làm sống động lại và phát huy một tinh thần, tinh thần của đề cao trí tuệ, của hoàn thiện con người, khai mở những năng lực không giới hạn của trí tuệ và ý chí tu dưỡng, rèn luyện tuyệt vời của con người, là sự kết hợp của tình yêu thương và hòa hợp, của hòa bình hữu nghị, là sự kết hợp giữa tinh thần dân tộc và tinh thần bác ái nhân văn, sự đề cao tự do của con người đạt tới bằng giải thoát trí tuệ và sự bình đẳng.
Tại một tọa đàm về Trần Nhân Tông gần đây được tổ chức tại TP Hạ Long, PGS.TS Trần Văn Luyện, Phó Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam, khẳng định, tọa đàm nhằm nghiên cứu những giá trị cốt lõi và kế thừa, phát huy tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông vừa với vai trò của một vị hoàng đế anh minh, lỗi lạc, vừa với vai trò là một người tu hành đắc đạo hóa Phật, khai sinh ra dòng Thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử mang bản sắc riêng của dân tộc Đại Việt thế kỷ thứ XIII, duy trì đến ngày nay là dân tộc Việt Nam.
Trần Nhân Tông tiếp nối ông nội là Trần Thái Tông và cha là Trần Thánh Tông, để trị vì vương triều đánh thắng quân xâm lược Mông - Nguyên, đồng thời xây dựng và kiến quốc Đại Việt trở thành đất nước hùng mạnh trong khu vực Đông Nam Á lúc đương thời. Điều đó đã cho thấy vị trí, vai trò rất to lớn của Hoàng đế Trần Nhân Tông cả trên lĩnh vực quân sự, ngoại giao, văn hóa và quản trị kinh tế vĩ mô của đất nước.
PGS.TS Trần Đình Nhã, Chủ tịch Hội đồng họ Trần Việt Nam, cho biết: Trong thời gian tới, Hội đồng chúng tôi sẽ tham mưu, phối hợp với các cơ quan, các bộ, ngành và UBND tỉnh Quảng Ninh xây dựng Đề án kỷ niệm 800 năm Vương triều Trần 1225-2025, làm hồ sơ trình UNESCO vinh danh Trần Nhân Tông là Danh nhân văn hóa thế giới.
Đây là việc không mới bởi cách đây 10 năm, UBND tỉnh và Đại học Quốc gia Hà Nội đã nêu vấn đề chuẩn bị hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Phật hoàng Trần Nhân Tông là Danh nhân văn hóa thế giới. Cùng với đó, UBND các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương hiện đang triển khai lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử là Di sản văn hóa thế giới. Riêng việc đề nghị công nhận Trần Nhân Tông là Danh nhân văn hoá thế giới, một số ý kiến cho rằng sẽ chuyển sang làm về tư tưởng Thiền phái Trúc lâm Yên Tử với các giá trị tích hợp của Phật giáo, vừa mang đậm bản sắc dân tộc, đồng thời đóng góp vào tư tưởng của nhân loại, để được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()