Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 22:40 (GMT +7)
Đề xuất cấm bán camera giám sát không rõ nguồn gốc, xuất xứ
Thứ 4, 22/05/2024 | 15:19:19 [GMT +7] A A
Cấm bán camera giám sát không rõ nguồn gốc là một ý kiến đề xuất trong bối cảnh thị trường camera giám sát Việt Nam phát triển "nóng" nhưng tồn tại vô số lỗ hổng.
Nhu cầu về camera giám sát đã tăng suốt thập kỷ qua và sẽ còn tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Theo một báo cáo mới đây của Fortune Business Insights, quy mô thị trường camera giám sát toàn cầu được định giá 35,47 tỷ USD năm 2022 và sẽ tăng lên 105,2 tỷ USD năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 16,8% mỗi năm.
Tại Việt Nam, theo thống kê của Pavana, nước ta nhập khẩu trung bình 5 triệu camera giám sát mỗi năm, phần lớn trong số đó có xuất xứ từ Trung Quốc. Dữ liệu thu thập được từ camera giám sát ngoại được lưu trữ tại các máy chủ nước ngoài. Điều này mang tới nhiều nguy cơ về lộ lọt dữ liệu, đặc biệt là các dữ liệu nhạy cảm của người dùng.
Trong bối cảnh đó, việc thúc đẩy thị trường camera giàu sức cạnh tranh hơn được xem là một hướng đi đúng đắn, bền vững và lâu dài cho sự phát triển của thị trường Việt Nam. Quan trọng hơn, đó phải là những sản phẩm camera Make in Viet Nam, được nghiên cứu, phát triển và sản xuất tại Việt Nam, do chính người Việt làm chủ. Điều này sẽ giúp yên tâm phần nào về câu chuyện an toàn dữ liệu.
Ông Đinh Cao Sơn, Giám đốc sản phẩm FPT Camera cho hay, để thúc đẩy sự phát triển của thị trường camera giám sát, Việt Nam cần chú trọng nhiều hơn vào việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, cùng với đó là các hoạt động nghiên cứu, phát triển.
Chỉ khi nắm trong tay nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực CNTT và an ninh mạng, Việt Nam mới sở hữu đội ngũ người lao động có kiến thức và kỹ năng cần thiết giúp tăng cường năng lực sản xuất và phát triển sản phẩm.
Chính phủ có thể cung cấp, hỗ trợ tài chính để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước nâng cao năng lực nghiên cứu và sáng tạo. Điều này giúp tạo ra các sản phẩm camera giám sát chất lượng cao và tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
“Việt Nam cũng cần khuyến khích hợp tác giữa các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, các tổ chức trong và ngoài nước để tạo ra một môi trường cộng đồng cần thiết cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp camera giám sát trong nước”, ông Sơn đề xuất.
Có cùng quan điểm, ông Bùi Trường Thi, CTO Vconnex cho rằng, Chính phủ và các tổ chức liên quan nên tạo điều kiện, cung cấp sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp, tổ chức nghiên cứu, phát triển các công nghệ mới, trong đó có việc cải tiến cho camera giám sát.
Việt Nam nên hình thành các chương trình, cơ chế hỗ trợ nhằm khuyến khích doanh nghiệp và tổ chức cùng hợp tác, liên kết trong việc phát triển, sản xuất các sản phẩm camera.
Cơ quan quản lý cũng cần xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn và chứng nhận khắt khe cho các sản phẩm camera giám sát. Chỉ khi nhà sản xuất trong nước đáp ứng tốt những yêu cầu này, người dùng mới có niềm tin để sử dụng các sản phẩm camera Make in Viet Nam.
“Bộ TT&TT nên đưa các yêu cầu khuyến nghị thành tiêu chuẩn kỹ thuật bắt buộc và phổ biến rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Việt Nam cũng cần có các chính sách cụ thể để hỗ trợ các đơn vị nghiên cứu, phát triển, sản xuất camera. Ví dụ như chính sách thuế nhập khẩu linh phụ kiện, chính sách hạ tầng kho bãi, nhà máy, chính sách thuế thu nhập cá nhân, doanh nghiệp,...” ông Thi nêu quan điểm.
Không chỉ phát triển thị trường trong nước, CTO Vconnex cho rằng, các nhà sản xuất camera Việt Nam nên xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài. Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ để khuyến khích việc xuất khẩu camera Việt ra thị trường quốc tế.
Một chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất camera còn đề xuất cần có sự kiểm tra, đánh giá đối với các nhà phát triển và phân phối thiết bị camera giám sát ở Việt Nam.
Trong đó, bao gồm việc kiểm soát hoạt động bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, online để loại bỏ các thiết bị không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa có đánh giá an toàn thông tin nhưng vẫn bày bán công khai, đánh vào tâm lý ham giá rẻ của người tiêu dùng.
Theo Vietnamnet
Liên kết website
Ý kiến ()