Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 18:42 (GMT +7)
Đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo
Thứ 4, 25/09/2024 | 13:35:18 [GMT +7] A A
Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế được sửa đổi, bổ sung đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Trên đây là nội dung được Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nêu khi trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế tại Phiên họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 25/9.
Bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều về đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trách nhiệm đóng, quyền lợi, phạm vi hưởng, tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, quản lý quỹ và một số quy định kỹ thuật...
Trong đó, sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023, trên cơ sở giữ ổn định tỷ lệ hưởng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật hiện hành.
Đồng thời, bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.
Dự thảo Luật cũng bổ sung hình thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đặc thù đối với lực lượng vũ trang và nhân dân ở khu vực biên giới, các xã đặc biệt khó khăn, biển đảo.
Điều chỉnh giảm 1% tỷ lệ chi phí quản lý quỹ bảo hiểm y tế để tăng chi trực tiếp cho khám bệnh, chữa bệnh từ đầu năm (kinh phí khám bệnh, chữa bệnh tăng từ 90% lên 91%, chi phí quản lý tối đa giảm từ 5% còn là 4%), tiết kiệm thủ tục, thời gian phân bổ, điều chỉnh kinh phí.
Đặc biệt, dự thảo Luật bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc trong trường hợp đã mua sắm theo các quy định thuận tiện nhất của Luật Đấu thầu mới nhưng vẫn thiếu thuốc nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc và bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, không để người bệnh phải tự mua, tự chi trả và được bảo đảm quyền lợi.
Theo đó, các cơ sở có thể điều chuyển thuốc từ nơi sẵn có được mua sắm đúng quy định và thanh toán trực tiếp với cơ quan bảo hiểm xã hội theo giá thanh toán bảo hiểm y tế. Việc điều chuyển thuốc thực hiện trong trường hợp đã mua sắm đầy đủ theo quy định của pháp luật đấu thầu mà vẫn thiếu thuốc được quy định thay cho hình thức thanh toán trực tiếp đối với thuốc, vật tư y tế do người bệnh tự mua, đã được đánh giá tác động bổ sung.
Dự thảo Luật quy định hiệu lực thi hành, điều khoản chuyển tiếp của Luật. Trong đó, một số quy định liên quan đến cấp chuyên môn kỹ thuật có hiệu lực ngay từ 1/1/2025 để đồng bộ, cùng thời điểm có hiệu lực quy định cấp chuyên môn tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023. Các quy định khác có hiệu lực từ 1/7/2025 để có đủ thời gian xây dựng văn bản quy định chi tiết và chuẩn bị các điều kiện tổ chức thực hiện luật.
Đề nghị có quy định nguyên tắc về cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử
Thẩm tra dự án Luật, Thường trực Ủy ban Xã hội cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung và thấy rằng nội dung của dự thảo Luật cơ bản phù hợp với mục đích, yêu cầu xây dựng Luật. Các điều khoản được sửa đổi cơ bản bám sát với 4 chính sách đã được thông qua tại đề nghị Luật.
Về mức đóng, trách nhiệm đóng và phương thức đóng bảo hiểm y tế, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị cân nhắc không bổ sung quy định đối tượng học sinh, sinh viên được lựa chọn việc đóng bảo hiểm y tế theo nhóm học sinh, sinh viên được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng hoặc theo nhóm đối tượng hộ gia đình được giảm trừ theo số thành viên trong gia đình tham gia.
Việc này nhằm bảo đảm sự ổn định tham gia bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên và có thể nghiên cứu phương án tăng mức hỗ trợ đối với đối tượng này để giảm chi phí của gia đình phải đóng. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, quy định như vậy là phù hợp và bảo đảm quyền của các đối tượng.
Về cấp thẻ bảo hiểm y tế, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị rà soát từng đối tượng mới được bổ sung vào dự thảo Luật để quy định cụ thể hơn việc lập danh sách để cấp thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời, đề nghị có quy định nguyên tắc liên quan đến thẻ bảo hiểm y tế điện tử và việc cấp thẻ bảo hiểm y tế điện tử để phù hợp với thực tiễn.
Về phạm vi hưởng, mức hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, Điều 21, Điều 22 được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi hưởng, mức hưởng bảo hiểm y tế đối với một số đối tượng.
Trong bối cảnh dự án Luật được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 1 kỳ họp, Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Ban soạn thảo khi chưa đánh giá tác động kỹ lưỡng đến ngân sách nhà nước và quỹ bảo hiểm y tế cần thận trọng đối với việc mở rộng quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế; hạn chế điều chỉnh mức hưởng, phạm vi được hưởng với một số nhóm đối tượng và cần đảm bảo bình đẳng về quyền lợi giữa các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế có tính chất tương đồng.
Bảo đảm công bằng giữa khám bệnh dịch vụ và khám bệnh bảo hiểm y tế
Nêu ý kiến thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay những vấn đề bức xúc hiện nay liên quan đến thanh toán, quyết toán khi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, bảo đảm thuốc cho người dân khi đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế…
Chủ tịch Quốc hội đề nghị không được phân biệt đối xử và phải đảm bảo công bằng giữa khám bệnh dịch vụ và khám bệnh bảo hiểm y tế. "Phải quán triệt căn bản để người có tiền đi khám dịch vụ và người không có tiền đi khám bảo hiểm y tế được đối xử công bằng", Chủ tịch Quốc hội lưu ý.
Cho rằng việc mở rộng đối tượng tham gia là đúng để hướng tới bảo hiểm y tế toàn dân, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần rà soát kỹ để đảm bảo công bằng, không bỏ sót đối tượng, không ai bị giảm hay mất quyền lợi so với hiện tại…
Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhắc lại một số ý kiến đề nghị việc người có bảo hiểm y tế được cấp các loại thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế nhưng nếu không cấp được, người dân phải đi mua vẫn trong danh mục đó thì bảo hiểm phải trả tiền.
"Đây là vấn đề hợp lý, cần nghiên cứu để quyết định phù hợp", Phó chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()