Thông tin được nêu trong dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá. Dự thảo do Bộ Công an hoàn thiện, đang lấy ý kiến đóng góp trong 2 tháng, từ 22/4.
Nghị quyết dự kiến thí điểm việc cấp quyền lựa chọn theo nhu cầu sử dụng biển số ôtô thông qua đấu giá. Nội dung bao gồm: Giá khởi điểm của biển số đưa ra đấu giá; trường hợp bán cho người duy nhất tham gia đấu giá; quyền và nghĩa vụ của người trúng đấu giá; sử dụng nguồn thu từ đấu giá biển số.
Dự thảo quy định, biển số được đưa ra đấu giá là biển ôtô nền màu trắng, chữ và số màu đen trong kho biển số chưa được đăng ký mà công an dự kiến cấp mới theo từng tháng, quý, 6 tháng hoặc một năm. Việc này không áp dụng với biển số cấp cho xe mua sắm từ ngân sách Nhà nước, xe của Quân đội sử dụng vào mục đích quốc phòng, xe của doanh nghiệp Quân đội làm kinh tế, xe của tổ chức doanh nghiệp nước ngoài, cơ quan đại diện ngoại giao...
Việc xác định giá khởi điểm được chia thành 2 vùng, với mức giá khác nhau.
Vùng 1 (Hà Nội và TP HCM): Giá khởi điểm = 10 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương.
Vùng 2 (các địa phương còn lại): Giá khởi điểm = 2 lần mức lệ phí đăng ký cao nhất đang áp dụng tại địa phương.
Người trúng đấu giá có quyền ký hợp đồng với cơ quan đấu giá để xác lập quyền với biển số trúng đấu giá để sử dụng. Khi chuyển nhượng xe, người trúng đấu giá được quyền giữ lại biển số để đăng ký cho xe khác thuộc sở hữu, hay còn gọi là "biển số đi theo người". Khi thay đổi địa chỉ nơi thường trú khác tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, người trúng đấu giá không phải nộp lại biển số trúng đấu giá.
Biển số trúng đấu giá chỉ được cấp cho người đã đăng ký tham gia đấu giá và trúng đấu giá. Biển số trúng đấu giá được cơ quan đăng ký quản lý và chỉ cấp khi người trúng đấu giá làm thủ tục đăng ký theo quy định về đăng ký xe. Cơ quan này có quyền thu hồi biển số trúng đấu giá khi biển số được sử dụng không đúng quy định của pháp luật. Ví dụ, xe gắn biển số trúng đấu giá vi phạm pháp luật bị tịch thu.
Theo Bộ Công an, hiện nay nhiều người có nhu cầu sở hữu biển số xe theo sở thích, thường gọi là "biển số đẹp" tùy theo quan niệm của từng người. Trên thực tế, mỗi người sẽ lựa chọn biển số theo sở thích cá nhân như ngày tháng năm sinh, ngày kỷ niệm chứ không nhất thiết phải là biển số đẹp, số đặc biệt. Bởi thế bán biển số đấu giá cho một người duy nhất sẽ mang lại lợi ích cho người dân và tăng nguồn thu cho nhà nước.
Do đó, Bộ đề nghị đưa vào Nghị quyết Quốc hội quy định về việc "bán cho người duy nhất trong trường hợp khi đã hết hạn mà chỉ có một người một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá ít nhất bằng giá khởi điểm khi đấu giá lần đầu".
Bộ Công an sẽ giao công an cấp tỉnh ký hợp đồng thuê tổ chức đấu giá tài sản có trang web để tổ chức đấu giá trực tuyến. Cơ quan tổ chức đấu giá là Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đều được tham gia cuộc đấu giá biển số của địa phương nơi đóng trụ sở hoặc nơi đăng ký thường trú.
Dự kiến, số tiền thu được từ đấu giá biển số sau khi trừ các khoản chi phí tổ chức đấu giá theo quy định, sẽ phân chia nguồn thu theo tỷ lệ 70% nộp vào ngân sách Trung ương, 30% phân bổ cho ngân sách địa phương.
Đề án đấu giá biển số xe đẹp từng từng được Cục Cảnh sát giao thông đề xuất từ năm 1993, tuy nhiên gặp bế tắc vì Luật Đấu giá tài sản không đưa biển số xe vào danh mục tài sản đấu giá, khiến các Bộ liên quan không có căn cứ pháp lý để triển khai. Hải Phòng, Bình Thuận, Nghệ An từng "vượt rào" tổ chức đấu giá biển số xe, thu hàng tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo song đã bị Bộ Tài chính, Bộ Công an "tuýt còi" vì vướng thủ tục pháp lý.
Năm 2008, Cục Cảnh sát giao thông tiếp tục đề xuất đấu giá biển số xe, Thủ tướng đã chấp thuận chủ trương và giao các Bộ nghiên cứu triển khai. Hai Bộ Công an và Tài chính đã xây dựng dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn nhưng sau đó lại "đổ vỡ" do nhiều vướng mắc.
Ý kiến ()