Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 04:48 (GMT +7)
Đề xuất áp dụng công thức 7K + 3T để chống dịch COVID-19
Thứ 2, 02/08/2021 | 10:16:59 [GMT +7] A A
Người dân cần phải chủ động và tích cực hơn trong việc phòng chống dịch COVID-19 bằng “công thức 7K+ 3T”, khi mà khẩu hiệu “ở nhà là yêu nước” và “thông điệp 5K” trong bối cảnh hiện nay là chưa đủ và còn mang tính thụ động.
Nên áp dụng mô hình “công thức 7K+ 3T”
Ngày 2/8, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TPHCM (SACA) cho biết, đã có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề xuất một số kiến nghị về công tác phòng chống dịch COVID-19.
Theo SACA, từ khi làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam, chúng ta đã gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát được dịch bệnh, tâm lý chung của người dân TPHCM là rất sợ vào những khu tập trung cách ly F1 và các bệnh viện điều trị F0.
Việc giải pháp giãn cách theo phương châm “3 tại chỗ” hay “1 cung đường-2 điểm đến” làm tê liệt nền kinh tế TPHCM và các tỉnh lân cận nằm trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam. Nếu vẫn áp dụng cách chống dịch theo phương án này, thời gian ngưng trệ các hoạt động kinh tế, sản xuất và lưu thông hàng hóa kéo dài một cách không xác định, trong khi chúng ta đã phải chấp nhận rủi ro lây lan do không còn kiểm soát triệt để F1, F0 được nữa thì cả hai mục tiêu chúng ta đều không thể đạt được.
Theo SACA, không thể dập dịch trong một thời gian ngắn khi không kiểm soát được 100% các trường hợp F0, F1 mà không có sự thay đổi cơ bản về phương án phòng chống đại dịch. Phương châm “3 tại chỗ” hay “1 cung đường-2 điểm đến” trong hoạt động sản xuất vừa qua cho thấy vẫn còn nhiều kẽ hở khiến cho việc hình thành nên những ổ dịch mới tại một số nhà máy lớn, mà nguồn lây là do từ bên ngoài và cả bên trong khu vực sản xuất. Như vậy, biện pháp mạnh vô tình đã làm tê liệt gần như toàn bộ các hoạt động sản xuất kinh doanh và lưu thông hàng hóa mà không giảm được rủi ro về lây nhiễm.
Do vậy, SACA đề xuất người dân và doanh nghiệp cần phải chủ động và tích cực hơn trong việc phòng chống dịch bằng “công thức 7K+ 3T”, khi mà khẩu hiệu “ở nhà là yêu nước” và “thông điệp 5K” trong bối cảnh hiện nay là chưa đủ và còn mang tính thụ động.
“Công thức 7K+3T” gồm “Khẩu trang-Khoảng cách-Khử khuẩn-Không tụ tập-Khai báo y tế-Không khí trong lành-Khỏe mạnh” và 3T là “Tự phát hiện-Tự cách ly-Tự chăm sóc”. SACA đánh giá, “công thức 7K + 3T” không chỉ để gia tăng khả năng phòng bệnh, mà còn giúp cho mỗi cá nhân và doanh nghiệp có được sự sẵn sàng chống lại dịch bệnh một cách hiệu quả. Do đó, chính quyền TPHCM cần có tài liệu hướng dẫn người dân thực hành 3T và có đội ngũ hỗ trợ, giám sát việc thực hành 3T, đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin.
Sở Y tế TPHCM nhanh chóng soạn thảo và công bố các hướng dẫn thực hành 3T để phổ biến rộng rãi cho người dân trong việc sớm tự phát hiện bệnh, tự cách ly, tự chăm sóc. Cẩm nang 3T này cần thật rõ ràng, đầy đủ chi tiết nhưng dễ hiểu, dễ làm để người bệnh và gia đình cùng doanh nghiệp có thể thực hành 3T một cách đúng đắn và hiệu quả nhất.
Sử dụng các điểm tổ chức bầu cử để tiêm vắc xin
SACA cũng đánh giá, công tác tiêm vắc xin đang triển khai rất chậm, chưa kịp thời đối phó với sự bùng phát quá nhanh của dịch bệnh và nhu cầu cấp bách, chính đáng của người dân.
“Không thể dập hết dịch trong một thời gian ngắn trong khi chưa đạt được miễn dịch cộng đồng thì việc chúng ta sống chung với dịch là không thể tránh khỏi. Vấn đề là chúng ta cần trang bị tốt nhất các điều kiện để sống chung với dịch”, văn bản của SACA viết.
Thay vì dồn quá nhiều nguồn lực cho công tác dập dịch mà không đạt được mục tiêu. Chúng ta cần dành nguồn lực tốt nhất để phục vụ công tác tiêm chủng. Bởi vì trong bối cảnh hiện nay chỉ có đầy mạnh tiêm phòng thì mới có thể nhanh chóng đi đến miễn dịch cộng đồng và đạt được “mục tiêu kép”.
Do đó, cần áp dụng công nghệ thông tin để phân loại 3 đối tượng được tiêm chủng, gồm những người có sức khỏe và cơ địa bình thường, không có nguy cơ bị sốc phản vệ; những người có nguy cơ bị sốc; những người chống chỉ định tiêm chủng. Dữ liệu khai báo cần được số hóa và gửi về trung tâm tiếp nhận thông tin y tế. Trung tâm này có chức năng tự động phân loại và phản hồi cho người dân biết mình thuộc nhóm đối tượng nào.
SACA kiến nghị, sử dụng các điểm tổ chức bầu cử tại các địa phương trên cả nước để làm điểm tiêm phòng là cách nhanh nhất để huy động nguồn lực sẵn có tại các điểm bầu cử trước đây. Mỗi điểm tiêm phòng chỉ cần huy động khoảng 5-7 người trước đây đã từng phục vụ cho công tác bầu cử để làm công tác tiếp nhận, sắp xếp, ghi chép, kiểm tra giấy tờ... Đồng thời huy động thêm từ 2-3 y tá để tiêm; 1 bác sĩ để kiểm tra sức khỏe người dân trước khi tiêm cũng như xử lý rủi ro sốc phản vệ ngoài dự đoán. Mỗi y tá có khả năng tiêm không dưới 100 mũi mỗi ngày. Mỗi điểm sẽ tiêm được từ 200-300 mũi mỗi ngày.
Mỗi quận cần từ 2-3 xe cấp đông để phân phối xuống các phường. Mỗi phường có ít nhất là 1 điểm tiếp nhận để vắc xin được phân phối xuống các điểm tiêm phòng trong vòng 2h kể từ khi vaccine được xuất kho, trong vòng 4h sẽ tiêm hết để đảm bảo không quá 6h theo tiêu chuẩn thời hạn của vắc xin sau khi được lấy ra khỏi kho cấp đông.
Ước tính mỗi khu phố có thể có 2-3 điểm bầu cử, tương đương 2-3 điểm tiêm chủng. Mỗi quận có từ 20-25 phường, mỗi phường có 3-5 khu phố. Như vậy TPHCM sẽ có không dưới 2.000 điểm tiêm chủng. Mỗi điểm tiêm chủng không cần tập trung quá đông người, mà mỗi ngày tiêm khoảng 200 người/điểm tiêm chủng. Như vậy, mỗi tháng sẽ tiêm được 10.400.000 người. SACA tính toán, theo phương án này công tác tiêm chủng cho toàn bộ người dân TPHCM sẽ được hoàn tất trong tháng 10/2021.
Theo Tiền Phong
Liên kết website
Ý kiến ()