Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 27/01/2025 14:00 (GMT +7)
Để vùng Đông Bắc mãi xanh tươi
Thứ 6, 11/12/2020 | 06:55:17 [GMT +7] A A
Với gần 70% diện tích tự nhiên là rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, thời gian qua tỉnh Quảng Ninh tăng cường chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp trong quản lý, phát triển và khai thác bền vững tiềm năng, lợi thế rừng cũng như đất lâm nghiệp. Đặc biệt, ngày 28/11/2019 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ninh hướng tới tập trung nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phục vụ chương trình phát triển rừng trồng gỗ lớn; kèm theo đó là các cơ chế chính sách hỗ trợ…
Trên địa bàn Quảng Ninh hiện có hơn 18.000ha rừng gỗ lớn. |
Nhìn từ địa phương có tiềm năng, thế mạnh trồng rừng
Theo quy định, rừng gỗ lớn được tính khi chu kỳ phát triển đạt từ năm thứ 10 trở lên. Danh mục cây rừng gỗ lớn phù hợp với Quảng Ninh là keo, sa mộc, bạch đàn, dổi, lim, sến, táu, thông. Mật độ trồng dưới 1.000 cây/ha. So với rừng gỗ nhỏ, rừng gỗ lớn tăng gấp đôi về chu kỳ phát triển, tăng gấp 2-3 lần về giá trị, thường đạt từ 100-180 triệu đồng/ha. Việc trồng mới, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn, không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cao, mà còn góp phần làm giảm xói mòn, rửa trôi đất, phòng chống lũ lụt, hạn hán, bảo vệ và phát triển cho vùng Đông Bắc của tổ quốc mãi xanh tươi. Đây cũng là giải pháp quan trọng để thay đổi thực trạng kinh doanh lâm nghiệp hiện nay.
Huyện Ba Chẽ với trên 49.000ha đất rừng sản xuất, là địa phương có diện tích đất rừng sản xuất lớn nhất tỉnh. Đây cũng là địa phương có tiềm năng, thế mạnh và điều kiện địa chất thuận lợi để phát triển trồng rừng gỗ lớn. Vì thế, từ lâu Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã tích cực triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Minh Sơn, Bí thư Đảng ủy huyện Ba Chẽ, khẳng định: Kinh tế lâm nghiệp là ngành kinh tế mũi nhọn tạo việc làm và thu nhập chủ yếu cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Năm 2019 huyện đã ban hành Đề án phát triển trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2019-2025, trong đó mục tiêu đến năm 2025 hình thành và phát triển ổn định vùng gỗ lớn trên địa bàn huyện với quy mô 5.000ha. Đồng thời, hướng đến mục tiêu sớm đưa Ba Chẽ trở thành trung tâm kinh tế lâm nghiệp của tỉnh. Hằng năm, huyện đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó giao chỉ tiêu kế hoạch cụ thể đến từng đơn vị, các chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, HTX đã được giao, thuê đất lâm nghiệp trên địa bàn huyện. Nhờ đó, tốc độ trồng rừng và phát triển dược liệu tương đối nhanh.
Tại xã Thanh Lâm, địa bàn có ưu thế phát triển lâm nghiệp với diện tích sản xuất chiếm 7.600ha. Mỗi năm, bình quân trên địa bàn xã đã trồng khoảng 500-700ha cây lâm nghiệp, trong đó tỷ lệ cây gỗ lớn chiếm trên 80%, chủ yếu là keo, thông, lim. Để thực hiện đề án phát triển trồng rừng gỗ lớn, ông Hoàng Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh Lâm cho biết: Xã đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án trồng rừng gỗ lớn do đồng chí Bí thư Đảng ủy làm Trưởng ban, chỉ đạo xây dựng kế hoạch thực hiện trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2021-2025. Sau đó sẽ thành lập 2 tổ công tác đến từng thôn để tuyên truyền, vận động cho nhân dân hiểu về lợi ích của việc trồng rừng gỗ lớn, hướng tới tương lai chế biễn gỗ xuất khẩu, chế biến dược liệu mang lại giá trị cao hơn; tuyên truyền về cơ chế, chính sách, điều kiện thực hiện trồng rừng gỗ lớn trên địa bàn giúp người dân hiểu rõ, cân đối điều kiện của gia đình để tham gia thực hiện các dự án.
Những năm gần đây, hơn 6,4ha đất rừng của hộ gia đình anh Phùn Văn Lĩnh, dân tộc Dao, thôn Đồng Thầm, xã Thanh Lâm gần như bỏ trống, các cây trồng chưa phát huy hiệu quả kinh tế. Năm 2020, được sự tuyên truyền, vận động của chính quyền xã, thôn, lại được hỗ trợ 10 triệu đồng/ha trồng rừng gỗ lớn theo chủ trương của tỉnh, anh Lĩnh đã có động lực để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho gia đình. “Từ đầu năm đến nay, gia đình tôi đã trồng được 4/6,4ha cây trồng gỗ lớn với các loại cây như keo, bạch đàn” - Anh Lĩnh cho biết. Theo tính toán, sau 10 năm cánh rừng này có thể mang lại cho gia đình anh 700-800m3/ha keo, gấp gần 3 lần so với cánh rừng chỉ độ 7 năm tuổi (200m3/ha).
Rừng trồng của hộ gia đình anh Phùn Văn Lĩnh, xã Thanh Lâm, huyện Ba Chẽ. |
Vấn đề đầu ra cho sản phẩm cũng được huyện, xã quan tâm triển khai song song. Theo Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Thanh Lâm, với cây gỗ lớn xã đã kết nối với doanh nghiệp trong CCN Nam Sơn bao tiêu sản phẩm đầu ra; đồng thời đưa vào quy hoạch điểm công nghiệp trên địa bàn xã thu hút doanh nghiệp chế biến gỗ đầu tư theo hướng chế biến gỗ xuất khẩu chất lượng cao.
Với sự vào cuộc quyết liệt của Đảng bộ chính quyền và nhân dân, năm 2020 xã Thanh Lâm đã phát triển được 730ha rừng trồng, trong đó 106ha rừng trồng gỗ lớn.
Cán bộ xã Thanh Lâm tuyên truyền về chủ trương trồng rừng gỗ lớn đến người dân trên địa bàn. |
Không riêng Thanh Lâm mà các địa phương trên địa bàn huyện Ba Chẽ cũng đã và đang sôi nổi với phong trào thi đua trồng rừng gỗ lớn. Nhờ đó, đến nay diện tích rừng gỗ lớn trên địa bàn huyện đạt 1.468ha, tập trung vào một số loại cây, như: Thông mã vĩ, bạch đàn, keo tai tượng, sa mộc, dổi xanh, lát hoa, lim xanh... Được biết, đăng ký kế hoạch trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2021-2025, Ba Chẽ dự kiến trồng 3.340ha rừng gỗ lớn; dự kiến diện tích chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn là 557ha. Tin chắc rằng với những quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cùng sự hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh, mục tiêu trồng rừng gỗ lớn của Ba Chẽ sẽ sớm đạt được kế hoạch như mong muốn.
Cần sớm có cơ chế, chính sách ưu đãi
Được biết, thời gian qua, cùng với ban hành Nghị quyết 19-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, các chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn của Trung ương, tỉnh Quảng Ninh cũng có các cơ chế chính sách hỗ trợ, tập trung nghiên cứu chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng phục vụ chương trình phát triển rừng trồng gỗ lớn. Trong giai đoạn 2017-2020, toàn tỉnh có 13 phương án, dự án được phê duyệt với tổng kinh phí 5,767 tỷ đồng; có tổng số 137 hộ được hưởng lợi từ chính sách.
Ông Nguyễn Văn Bông, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) cho biết: Sở NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch phát triển lâm nghiệp, trong đó phát triển nguồn giống có nguồn gốc xuất xứ như keo, bạch đàn, thông; tham mưu cho tỉnh ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn; tham mưu cho tỉnh xây dựng một số mô hình trồng rừng gỗ lớn...
Hiện nay, người dân trên địa bàn tỉnh đa số trồng các loại cây gỗ lớn như thông mã vĩ, bạch đàn, keo tai tượng, sa mộc, dổi xanh, lát hoa, lim xanh. |
Với những giải pháp tích cực được triển khai, đến nay, tổng diện tích trồng rừng gỗ lớn trên toàn tỉnh là hơn 18.260ha. Trong đó, Bình Liêu 7.451ha; Hạ Long 4.618ha; Ba Chẽ 1.468ha; Hải Hà 1.779ha; Móng Cái 853ha; Đông Triều 746ha; Cô Tô 768ha; Tiên Yên 353ha; Cẩm Phả 222ha...
Sau 5 năm thực hiện hoạch định các vùng sản xuất gỗ lớn, bao gồm: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Ba Chẽ, Tiên Yên, Bình Liêu, Đầm Hà, Uông Bí và Đông Triều, toàn tỉnh đang có 1.645ha rừng trồng gỗ lớn keo, sa mộc, bạch đàn, dổi, lim, sến, táu, dành để cung ứng nguyên liệu gỗ, trong đó chuyển hóa từ rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn là 240ha, trồng mới là 1.406ha.
Mặc dù đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên, kết quả trên còn rất khiêm tốn với mục tiêu đề ra, càng nhỏ bé so với tổng diện tích rừng trồng mới mỗi năm, cũng như vốn rừng sản xuất của toàn tỉnh. Việc trồng rừng gỗ lớn thời gian qua cũng chưa nhận được sự vào cuộc của các chủ rừng, chưa đạt được kết quả như kỳ vọng.
Nguyên nhân được cho là đặc thù chu kỳ trồng rừng gỗ lớn dài, ít nhất trong khoảng 10 năm mới mang lại nguồn thu, gấp đôi thời gian trồng rừng gỗ nhỏ. Trong khi đó, đời sống của các chủ rừng vẫn còn khó khăn, phụ thuộc lớn vào rừng, cần phải có thu nhập để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn hiện nay chưa thực sự đủ mạnh. Chính sách hiện hành với mức hỗ trợ từ 10-15 triệu đồng/ha đang chuẩn bị vào giao đoạn kết thúc. Dự thảo chính sách hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn mới, với giải pháp hỗ trợ 20-25 triệu đồng/ha, thông qua lãi suất ngân hàng mà ngành NN&PTNT đệ trình tạm thời chưa áp dụng ở giai đoạn này. Chính bởi vậy, việc khuyến khích trồng rừng gỗ lớn thời điểm hiện nay đã khó nay lại càng khó hơn. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh cũng chưa đánh giá được điều kiện lập địa để trồng các loại cây phù hợp.
Rừng gỗ lớn là khâu then chốt tạo nên giá trị ngành lâm nghiệp, góp phần không nhỏ vào cơ cấu kinh tế chung của tỉnh. Trong chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021-2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển 12.826ha rừng gỗ lớn; trong đó, trồng mới 7.271ha, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn là 5.554ha. Đây sẽ là điều kiện tiêu quyết để Quảng Ninh thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến lâm sản trên địa bàn. Theo đó, Quảng Ninh sẽ hình thành nhà máy chế biến lâm sản tổng hợp và chế biến tinh, thành phẩm lâm sản sau chế biến được xuất khẩu.
Tuy nhiên, theo Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm, để thực hiện được mục tiêu đó, tỉnh cần sớm có những chính sách ưu đãi đặc thù phù hợp trong trồng rừng gỗ lớn. Chỉ khi những cơ chế chính sách đủ mạnh, đủ sức thu hút, mới tạo được tính lan tỏa mạnh mẽ trong trồng rừng gỗ lớn.
Chế biến gỗ tại CCN Nam Sơn (huyện Ba Chẽ). |
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()