Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 14:17 (GMT +7)
Để văn hóa soi đường cho quốc dân đi
Thứ 5, 05/10/2023 | 10:11:00 [GMT +7] A A
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 1946, Bác Hồ chỉ rõ: “Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”, “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, nhấn mạnh vai trò của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Tiếp nối tư tưởng, quan điểm của Người, nền văn hóa Việt Nam đã chuyển biến mạnh mẽ, có những đóng góp tích cực, quan trọng vào công cuộc phát triển đất nước trong thời kỳ mới. Quảng Ninh luôn chú trọng và xem văn hóa là thế mạnh to lớn để tạo đà cho sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh trong giai đoạn mới thông qua việc bảo tồn, phát huy, đưa bản sắc văn hóa dân tộc trở thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển.
Nền tảng bền vững
Quảng Ninh là một trong những tỉnh có kho di sản văn hóa lớn, phong phú, đa dạng, đặc sắc với hơn 600 di sản văn hóa vật thể là những đình, chùa, đền, miếu, danh lam thắng cảnh, di sản, kỳ quan thiên nhiên thế giới và gần 3.000 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể là những phong tục, tập quán, trò chơi dân gian, lễ hội của các dân tộc. Để bảo tồn bản sắc văn hoá bền vững, những năm qua tỉnh đã có rất nhiều quyết sách nhằm phát triển văn hóa các vùng miền, điển hình là các đề án: Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2026; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2030; khôi phục và phát triển văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030...
Mỗi dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đều có những nét văn hóa mang bản sắc riêng, với các di sản văn hóa truyền thống, độc đáo, như ngôn ngữ, chữ viết, trang phục cổ truyền, tập quán canh tác...
Là địa phương có trên 96% đồng bào dân tộc thiểu số, huyện Bình Liêu cũng đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống thông qua xây dựng các đề án, như: Đề án bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Đề án bảo tồn bản văn hóa người Tày thôn Đồng Thanh (xã Hoành Mô); xây dựng bản văn hóa người Dao tại Sông Moóc, xã Đồng Văn... Cùng với đó, mỗi dịp lễ hội Đình Lục Nà, Hội Soóng cọ, Ngày Kiêng gió được duy trì tổ chức hằng năm đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ nơi đây. Các trò chơi dân gian, các hoạt động tái hiện nghi lễ truyền thống, như: Lễ cấp sắc của người Dao, các nghi lễ đám cưới, rước dâu của người Dao, Sán Chỉ, lễ thôi nôi của người Tày… và các làn điệu hát Then của người Tày, hát Pả dung của người Dao, điệu Soóng cọ của người Sán Chỉ, đã tạo nên một không gian lễ hội rực rỡ sắc màu văn hóa.
Đặc biệt, nghi lễ Then của người Tày ở Quảng Ninh mà Bình Liêu là đại diện tiêu biểu đã được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ năm 2013. Năm 2019, Di sản Thực hành hát Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Cùng với huyện Bình Liêu, ở các huyện miền núi tỉnh Quảng Ninh còn có nhiều ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số, như Ngày hội văn hóa của người Sán Chỉ xã Đại Dực, huyện Tiên Yên; Ngày hội văn hóa, thể thao dân tộc Sán Dìu huyện Tiên Yên, Ngày hội văn hóa dân tộc Dao huyện Ba Chẽ... Mỗi lễ hội đều mang đậm bản sắc truyền thống, tôn vinh giá trị tinh thần của một dân tộc, nhưng vẫn có sự giao thoa, đan xen, kết hợp với văn hóa của nhiều dân tộc khác nhau.
Ngoài ra, từ năm 2018- 2022, tỉnh Quảng Ninh đã có 13 hiện vật được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia, 4 di tích được công nhận di tích cấp quốc gia và 10 di tích được xếp hạng di tích cấp tỉnh. Quảng Ninh đang phối hợp với tỉnh Hải Dương và Bắc Giang triển khai lập hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới.
Đến nay, các di sản, di tích đã trở thành những điểm du lịch trong hệ thống tuyến, điểm du lịch của nhiều địa phương, như: Di tích lịch sử nhà Trần (TX Đông Triều); Khu di tích - danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (TP Uông Bí); Khu di tích Bạch Đằng (TX Quảng Yên); chùa Lôi Âm và chùa Long Tiên (TP Hạ Long); đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả); chùa Cái Bầu (huyện Vân Đồn)... Đây là những nền tảng cần thiết và là những nguồn lực quan trọng, chắp thêm cánh cho ngành du lịch Quảng Ninh vươn rộng ra thị trường quốc tế, thực hiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả.
Văn hóa là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển
Với quan điểm văn hóa, con người là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng phục vụ cho sự phát triển, ngày 9/3/2018, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TU về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
Triển khai nghị quyết, bằng tư duy đổi mới, sáng tạo, Quảng Ninh đã đặt phát triển văn hóa phải ngang hàng với kinh tế, chính trị, coi văn hóa vừa là trụ cột, vừa là nền tảng phát triển xã hội. Trong đó, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để thực hiện khâu đột phá xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền. Quảng Ninh tiếp tục quan tâm dành nguồn lực đầu tư và ban hành các cơ chế, chính sách cho bảo tồn, phát triển văn hóa, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Để bảo tồn bản sắc văn hoá bền vững, những năm qua tỉnh đã có rất nhiều quyết sách nhằm phát triển văn hóa các vùng miền, điển hình là các đề án: Nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thiết chế văn hoá, thể thao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2026; bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị hệ thống di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2030… Tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương chủ động rà soát, bổ sung và điều chỉnh các quy hoạch, kế hoạch phát triển văn hóa phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Đồng thời, mở rộng và phát triển các dịch vụ văn hóa, khai thác các giá trị bản sắc văn hóa để phát triển du lịch, dịch vụ, tương xứng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Song song với đó, tỉnh quan tâm xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, đột phá. Căn cứ vào mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 11-NQ/TU, trên cơ sở yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh, trong 5 năm 2018-2022, HĐND tỉnh đã ban 39 nghị quyết về cơ chế chính sách liên quan đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh. Các chính sách, ưu đãi về đất, thuế, phí cho các cơ sở đào tạo, thiết chế văn hóa trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo quy định.
Thời gian qua, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư đối với các thiết chế văn hóa, thể thao quy mô hiện đại mang đặc sắc kiến trúc riêng, trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, thu hút nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc tế và khu vực. Điển hình như: Cụm công trình Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Cung Quy hoạch, Hội chợ và Triển lãm, Công viên hoa Hạ Long, Quảng trường 30/10, Nhà thi đấu Thể dục thể thao tỉnh, Cung Văn hóa Thanh thiếu nhi, Trung tâm VHTT các dân tộc vùng Đông Bắc... Ở cấp huyện, thiết chế văn hóa, thể thao được quan tâm xây mới và sửa chữa, cải tạo nâng cấp. Đến nay, 100% các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên toàn tỉnh có nhà văn hóa, 50% các xã có nhà văn hóa xã và sân chơi thể thao đơn giản.
Việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh cũng được tỉnh quyết liệt chỉ đạo triển khai, nhất là trong xây dựng môi trường văn hóa trong cơ quan, tổ chức và xây dựng môi trường văn hóa trong gia đình đến cộng đồng dân cư. Các cấp ủy đảng, các sở, ban, ngành và các địa phương đã xây dựng nội quy, quy chế, các quy định chuẩn mực về đạo đức, tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, đảng viên, triển khai xây dựng quy chế văn minh công sở. Trong các cơ quan chính quyền đã định hình, phát triển văn hóa đồng hành, thực thi, phục vụ của các cơ quan quản lý đối với người dân và doanh nghiệp, giữ vững chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS đứng đầu những năm gần đây.
Nhằm tạo nên những sản phẩm văn hóa, thể thao đặc sắc, riêng có; góp phần quảng bá văn hóa, con người, hình ảnh Quảng Ninh đến với bạn bè quốc tế, Quảng Ninh đã tổ chức nhiều hội thảo quan trọng và những sự kiện hấp dẫn. Nổi bật là các hoạt động: Carnaval Hạ Long - Quảng Ninh, Liên hoan xiếc thế giới, Festival âm nhạc, Tiếng hát Asean +3, Gala xiếc ba miền, Ngày hội Yoga quốc tế, Giải chạy marathon quốc tế Hạ Long, Giải bóng chuyền bãi biển quốc tế Tuần Châu; SEA Games 31; Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX...
Nhờ nhận diện rõ tiềm năng, thế mạnh nên thời gian qua những giá trị văn hóa đặc sắc của tỉnh Quảng Ninh đã được chọn lọc, sáng tạo, hình thành nên ngành công nghiệp văn hóa Quảng Ninh. Với việc phát triển công nghiệp văn hóa có trọng tâm, trọng điểm; gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung đưa du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn. Điều này đã thể hiện tư duy đổi mới của Quảng Ninh trong việc xây dựng chuỗi sự kiện văn hóa điểm nhấn để tạo dấu ấn khác biệt, qua đó quảng bá, định vị thương hiệu địa phương, xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển công nghiệp văn hóa.
Một số địa phương đã hình thành nên những thôn, bản trở thành “bảo tàng sống” về bản sắc văn hóa truyền thống. Đơn cử như TP Hạ Long đã hoàn thành việc xây dựng bản Dao Thanh Y (xã Bằng Cả) trở thành điểm du lịch văn hóa với các điệu múa trống trong lễ cấp sắc, múa lễ cầu mùa, hát Sáng cố do người dân trong xã Bằng Cả biểu diễn, kết hợp ẩm thực với những món ăn truyền thống của người Dao; huyện Vân Đồn đang triển khai đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu...
Trong lĩnh vực du lịch, tiềm lực văn hóa trở thành nguồn tài nguyên quý để phát triển ngành công nghiệp không khói. Bên cạnh những lễ hội đã trở thành thương hiệu như Carnaval Hạ Long, Carnaval Mùa đông thì các lễ hội đặc sắc của địa phương cũng được tổ chức thường niên như Hội Mùa vàng, Hội Hoa sở Bình Liêu, Lễ hội Trà hoa vàng Ba Chẽ, Ngày hội Hát tháng ba của dân tộc Sán Chỉ, Hội Kiêng gió của dân tộc Dao…, cùng bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số đã làm nên những trải nghiệm văn hóa vùng miền đặc sắc. Sản phẩm du lịch văn hóa ngày càng có những đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm cho người dân bản địa.
Bằng tư duy đổi mới, cách làm sáng tạo, khoa học, cùng quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Quảng Ninh đã gắn kết sự phát triển hài hòa giữa văn hóa với kinh tế, tạo thành nguồn lực nội sinh, động lực quan trọng trong sự phát triển bền vững của tỉnh. Kể từ triển khai Nghị quyết 11 đến nay, Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả rõ rệt, đã và đang không ngừng thấm sâu vào đời sống xã hội tạo nên những thành tựu vượt bậc, những đổi mới toàn diện, những bản sắc văn hóa được phát huy.
Đặng Dung-Diên Khánh
Liên kết website
Ý kiến ()