Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 00:30 (GMT +7)
Để ước mơ an cư không quá xa vời!
Thứ 2, 27/06/2022 | 08:39:22 [GMT +7] A A
Từ nhiều năm qua, xây nhà ở cho công nhân lao động (CNLĐ) luôn là vấn đề nóng không chỉ của Quảng Ninh nói riêng, mà là của cả nước nói chung. Tại chương trình đối thoại giữa Thủ tướng Chính phủ với CNLĐ mới đây, người lao động (NLĐ) hết sức vui mừng, phấn khởi khi nhận được những thông tin về chính sách nhà ở cho công nhân sẽ được Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ, tạo điều kiện cho NLĐ thu nhập thấp có nhà ở phù hợp.
Gần 20 năm sống trong nhà trọ hơn chục mét vuông
Những ngày nắng nóng lên đến 38 độ C như vừa qua, cứ tan ca, nghĩ đến việc về căn phòng trọ chỉ 12m2 ở tổ 4, khu 10, phường Bãi Cháy (TP Hạ Long) là anh Nguyễn Văn Sáu, Công ty TNHH Vinanewtarp Việt Nam (KCN Cái Lân) lại cảm thấy ngột ngạt. Sau một ngày làm việc trong nhà xưởng nóng bức, sức khỏe mệt mỏi, anh Sáu lại phải ngả lưng trên chiếc giường bỏng rát bởi nhiệt độ hấp thụ từ mái ngói proximang và 4 bức tường "tỏa nhiệt" ra khắp căn phòng. Không điều hòa, chiếc quạt nhỏ không đủ xua đi cái nóng bức của mùa hè.
“Có những đêm nóng quá, tôi phải để chậu nước cạnh giường để thấm nước vào khăn, kê dưới cổ ngủ. Chỉ mong trời mau sáng để đi làm…” - Anh Sáu chia sẻ.
Nhà trọ chật chội, không đủ cơ sở vật chất, điều kiện đáp ứng cuộc sống tối thiểu. Cuộc sống một thân một mình gần 13 năm nay đôi lúc khiến anh Sáu cảm thấy mệt mỏi, song vì vợ con, gia đình, anh vẫn cố gắng bám trụ.
Vợ anh Sáu là giáo viên ở quê (Thái Bình) thu nhập chỉ vài triệu đồng/tháng. 3 con đang tuổi ăn học. Vì thế, anh Sáu một mình bươn trải ra Hạ Long làm việc trong KCN để kiếm tiền nuôi con. Với năng lực và tay nghề tốt, từ công nhân, anh Sáu được đề bạt giữ vị trí quản lý Phân xưởng dệt, mức lương cũng nhờ đó tăng lên. Hiện thu nhập bình quân của anh khoảng 16 triệu đồng/tháng. Dù thu nhập có cao hơn so với công nhân chút ít, nhưng lại sinh hoạt ở thành phố du lịch đắt đỏ, chi phí thuê nhà, điện nước, hằng tháng phải gửi tiền về quê cho vợ con, bố mẹ, nên anh Sáu cũng chi tiêu rất chắt chiu.
Vì thế, mong muốn được mua nhà ở xã hội với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước là ước mơ để anh có thể đưa vợ con ra Hạ Long an cư.
Gặp lại sau 5 năm, tôi thấy chị Ngô Thị Thương vẫn ở trong căn phòng trọ 15m2 ở phường Giếng Đáy (TP Hạ Long). 17 năm làm việc tại Công ty TNHH Vinanewtarp Việt Nam cũng là 17 năm chị Thương ở trọ trong những ngôi nhà chỉ khoảng 10-15m2 quanh KCN Cái Lân. Điều kiện sinh hoạt cũng không hơn căn phòng trọ của anh Sáu, khi cuộc sống giữa lòng TP Hạ Long không ti vi, không điều hòa và mọi tiện nghi tối thiểu, không giải trí, vui chơi. Chị Thương làm mẹ đơn thân từ khi còn khá trẻ. Với thu nhập cả tiền lương, trợ cấp, tăng ca được hơn chục triệu đồng mỗi tháng, chị chi tiền thuê nhà, điện nước đã hết 1 triệu đồng, tiền ăn uống, sinh hoạt hết 3-4 triệu đồng, còn lại gửi về cho bố mẹ ở quê nuôi con giúp…
17 năm lăn lộn ở Hạ Long, nhưng khi nói về tương lai, chị Thương chỉ cười: Chắc sau này tích lũy được ít vốn liếng, em về quê tìm việc làm, chứ không thể thuê nhà ở mãi.
Mua đất, xây nhà ở nơi thứ gì cũng đắt đỏ là điều xa vời với rất nhiều NLĐ. Vì thế, họ phải thuê nhà ở, giảm thiểu tối đa chi phí sinh hoạt, tập trung làm việc, tăng ca, gửi con cái về quê cho ông bà chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhiều đứa trẻ vì thế thiếu sự chăm sóc của bố mẹ, thậm chí gọi ông bà là "bố mẹ" mà lạ lẫm với bố mẹ của mình mỗi khi đoàn viên như hoàn cảnh của chị Thương.
Chị Vũ Thị Giang, Ủy viên BCH Công đoàn, Trưởng Ban Nữ công Công ty TNHH Vinanewtarp Việt Nam, cho biết: Công ty hiện có hơn 350 lao động đang làm việc, trong đó tỷ lệ lao động phải thuê nhà ở chiếm hơn 40%. Để NLĐ giảm bớt khó khăn, hằng tháng ngoài mức lương bình quân từ 7-8 triệu đồng/người, Công ty cũng hỗ trợ tiền nhà trọ cho công nhân với mức 600.000 đồng, tiền xăng xe 300.000 đồng, tiền nóng bức 200.000 đồng vào 6 tháng (mùa nóng), tiền con nhỏ dưới 6 tuổi 100.000 đồng/cháu, thưởng chuyên cần cá nhân 500.000 đồng, thưởng chuyên cần tập thể 200.000 đồng, tiền hỗ trợ trượt giá 500.000 đồng, thưởng thâm niên 100.000 đồng/năm công tác, thưởng an toàn 100.000 đồng.
Không ít doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà hằng tháng cho NLĐ như Vinanewtarp. Tuy nhiên, giải pháp này vẫn chưa thực sự giải quyết tận gốc của vấn đề và nhiều doanh nghiệp trong quá trình tuyển dụng lao động vẫn gặp không ít khó khăn. Trong dài hạn, nếu vấn đề điều kiện sinh sống của công nhân trong các KCN không được cải thiện thì nó có ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung của các KCN. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho nguồn lao động của các KCN luôn rơi vào tình trạng mất ổn định.
Gỡ “nút thắt” ở chính sách
Theo thống kê của Sở Xây dựng, Quảng Ninh hiện có gần 400.000 CNLĐ đang sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh. Với trên 70.000 lao động ngành Than, thì 61.000 công nhân có chỗ ở ổn định, 9.000 người còn lại chưa có chỗ ở ổn định. Trong giai đoạn trước, các đơn vị thuộc TKV và Tổng Công ty Đông Bắc đã triển khai gần 50 khu nhà ở cho công nhân, với tổng diện tích đất khoảng 59ha, trên 4.000 căn hộ, đáp ứng chỗ ở cho khoảng 10.000 công nhân.
Tại các KCN, CCN, tổng số công nhân đang làm việc khoảng 33.600 người và đã có hơn 18.200 người có chỗ ở, đáp ứng được 54% so với nhu cầu về nhà ở trên thực tế. Khoảng 15.400 người chưa có chỗ ở ổn định, chủ yếu ở Hạ Long, Quảng Yên, Móng Cái và Hải Hà. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1 dự án nhà ở công nhân đã hoàn thành đưa vào sử dụng là Nhà ở công nhân KCN Hải Yên của Công ty TNHH Texhong Ngân Long (696 căn hộ tập thể); 1 dự án đang triển khai xây dựng là Nhà ở cho công nhân và chuyên gia KCN Đông Mai của Tổng Công ty Viglacera; 2 dự án đã được lựa chọn nhà đầu tư, đang triển khai hoàn thiện hồ sơ pháp lý là thiết chế công đoàn đồi Thuỷ Sản (Tổng LĐLĐ Việt Nam), Dự án nhà ở công nhân KCN Cảng biển Hải Hà (Công ty TNHH KCN Texhong Việt Nam).
Đối với các đối tượng thu nhập thấp, CBCCVC, nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng, có khoảng 26.000 người có nhu cầu nhà ở. Phần lớn số người thu nhập thấp khu vực đô thị trên địa bàn tỉnh đã có nhà ở thuộc sở hữu hợp pháp, tuy nhiên khoảng 15.000 người đang ở nhà có diện tích chật hẹp, chất lượng nhà ở thấp, chủ yếu là nhà ở thiếu kiên cố.
Trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai 2 dự án nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp là nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại phường Kim Sơn, TX Đông Triều (Công ty CP Gốm màu Hoàng Hà); nhà ở xã hội tại khu đô thị Hà Khánh, TP Hạ Long, giai đoạn 1 (Tập đoàn FLC); 1 dự án nhà ở xã hội cho CBCNV Cảng hàng không Vân Đồn (chỉ bố trí cho thuê) là nhà ở xã hội Sunhome tại xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn (Sun Group).
Hiện nay trên địa bàn tỉnh đã quy hoạch 7 khu nhà ở công nhân của 7 KCN, với tổng diện tích đất khoảng 55,5ha. Với quỹ đất xây dựng nhà ở cho công nhân ngành than, theo số liệu thống kê, ngoài 50 khu đất đã xây dựng nhà ở, ngành than đang tiếp tục quy hoạch khoảng 10 khu nhà ở tập thể, với diện tích đất khoảng 5,04ha, dự kiến đáp ứng chỗ ở cho 2.400 công nhân.
Thời gian qua, việc quy hoạch và dành quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh được thực hiện nghiêm túc, đảm bảo theo quy định hiện hành. Theo đó, trong tổng quỹ đất 20% đã được quy hoạch, bố trí khoảng 663ha. Trong đó có 20 địa điểm quỹ đất 20% với tổng diện tích 35,2ha có thể kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở xã hội ngay trong năm 2022.
Dù đã rất nỗ lực, tuy nhiên theo Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Mạnh Tuấn, việc triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân hiện vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo quy định của Luật Nhà ở thì quỹ đất 20% xây dựng nhà ở xã hội chỉ dành cho việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; một số quỹ đất 20% đã bàn giao cho địa phương, nhưng chưa có cơ chế để sử dụng vào mục đích khác (xây dựng nhà tái định cư, công vụ…), chưa phát huy hiệu quả sử dụng đất.
Cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển nhà ở đã được quy định, tuy nhiên địa phương chưa có các chính sách ưu đãi, khuyến khích thêm. Pháp luật chưa có quy định về cơ chế chính sách cho việc phát triển nhà ở cho đối tượng NLĐ có mức thu nhập trung bình (không thuộc diện được hỗ trợ nhà ở xã hội do vẫn phải đóng thuế TNCN). Chưa có hướng dẫn cụ thể việc hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội. Việc mua bán nhà ở xã hội còn bất cập, chưa phù hợp với điều kiện thực tế; đơn thuần chỉ là để ở, không thực sự hình thành tài sản, kém hấp dẫn các đối tượng mua.
Việc huy động vốn để thực hiện phát triển nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ. Qua khảo sát có thể nhận thấy nhu cầu nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh tương đối lớn (đặc biệt là công nhân ngành than, công nhân KCN); tuy nhiên số lượng có thể đáp ứng điều kiện hưởng chính sách nhà ở xã hội lại không lớn. Các nhà đầu tư chưa mặn mà trong việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Để tháo gỡ những rào cản đó, về phía tỉnh đã triển khai các cơ chế, chính sách, thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu của Trung ương; ban hành các quy định cụ thể về cơ chế khuyến khích, ưu đãi của địa phương. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Gắn trách nhiệm của các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị trong việc phát triển nhà ở xã hội. Chủ động bố trí đủ nguồn vốn từ ngân sách, quỹ đất cho đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, NLĐ trên địa bàn...
Tuy vậy, vướng mắc liên quan đến chính sách của Trung ương trong xây dựng nhà ở cho công nhân còn rất nhiều, như vướng về Luật Đất đai, Luật Nhà ở, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp... Vì thế, vừa qua tại chương trình đối thoại với NLĐ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã giao Bộ Xây dựng chủ trì, xem xét, tiếp thu toàn bộ vướng mắc của luật pháp và nhu cầu nhà ở của công nhân, trên cơ sở đó, vấn đề gì thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì sẽ sửa ngay. Vấn đề gì liên quan đến luật pháp thì tổng hợp cùng các bộ, ngành liên quan, đánh giá tác động và đề xuất giải pháp phù hợp thực tiễn làm sao nhanh nhất có thể giải quyết vấn đề này căn cơ, bài bản, vừa bảo đảm tính trước mắt, vừa bảo đảm lâu dài, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của NLĐ, cũng như phù hợp điều kiện hoàn cảnh của đất nước ta hiện nay.
Tin rằng, với sự quan tâm của Chính phủ, của tỉnh, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, phân khúc nhà ở xã hội sẽ được quan tâm đúng mức để ước mơ an cư của NLĐ không còn quá xa vời.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()