Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:44 (GMT +7)
Để trẻ em được chăm sóc và phát triển toàn diện
Thứ 5, 26/05/2022 | 09:08:15 [GMT +7] A A
Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là vấn đề có tính chiến lược của quốc gia và mỗi địa phương. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã và đang triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm cho trên 300.000 trẻ em trên địa bàn tỉnh được chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng, được giáo dục và học tập, được bảo vệ để có môi trường sống an toàn, được vui chơi, giải trí và được lắng nghe, thấu hiểu.
Trẻ em được chăm sóc sức khỏe, được học hành
Theo nhận định của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), 1.000 ngày đầu tiên trong cuộc đời của một đứa trẻ rất quan trọng đối với sự phát triển về mặt xã hội, cảm xúc, nhận thức và thể chất của các em. Chiến lược chăm sóc trẻ thơ toàn diện tại Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng được triển khai từ các công tác chăm sóc tập trung vào những năm đầu đời của trẻ.
Từ năm 2003 đến nay, cùng với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về chăm sóc, giáo dục trẻ em, tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm đầu tư từ nguồn ngân sách tỉnh đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em từ tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. 100% đơn vị điều trị đa khoa tuyến tỉnh, đa khoa tuyến huyện có khoa sản, khoa nhi hoặc khoa ghép Ngoại - Sản, Nội - Nhi; 100% trung tâm y tế cấp huyện có khoa chăm sóc sức khỏe sinh sản; 100% xã có biên chế y sản nhi hoặc nữ hộ sinh.
Việc bố trí đội ngũ y, bác sĩ có chuyên môn đến từng xã, phường đã tạo tiền đề vững chắc cho trẻ em Quảng Ninh được phát triển đảm bảo ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Hiện 100% trẻ em dưới 6 tuổi được khám chữa bệnh miễn phí tại tất cả các địa phương trong tỉnh, đa số các trẻ trong độ tiêm chủng được tiêm phòng đủ 7 loại vắc-xin theo từng giai đoạn phát triển của trẻ.
Cùng với đó, việc đảm bảo các chỉ tiêu về dinh dưỡng cho trẻ cũng luôn được các cấp, ngành quan tâm chỉ đạo. Đặc biệt, thực hiện đề án phát triển toàn diện cho hơn 10.000 trẻ em ở miền núi, các địa phương đã huy động nguồn lực xã hội để hỗ trợ sữa cho trẻ em mầm non, khám sàng lọc các dị tật mắt, bệnh tim bẩm sinh cho trẻ, trao tặng áo ấm... Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi trên địa bàn tỉnh giảm còn 21,7% vào năm 2021.
Trước những nguy cơ của dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh đã tăng cường tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi, tỷ lệ đạt trên 98% và hiện đang tiếp tục chiến dịch tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi.
Theo đồng chí Nguyễn Hoài Sơn, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, bên cạnh thực hiện tốt các chính sách của Trung ương về bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, các sở, ngành, địa phương đã đề xuất HĐND tỉnh ban hành một số văn bản, nghị quyết về chính sách đặc thù riêng của tỉnh hỗ trợ trẻ em về y tế, giáo dục, trợ giúp xã hội... Giai đoạn 2012-2021, tỉnh bố trí trên 1.655 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, hơn 38,6 tỷ đồng từ ngân sách cấp huyện để thực hiện chương trình hành động vì trẻ em. Đến hết năm 2021 có 74.234 lượt trẻ em được hỗ trợ, trong đó có 69.533 trẻ em được hưởng chính sách đặc thù của tỉnh, 90% trẻ dưới 6 tuổi được cấp phát thẻ BHYT.
Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt luôn được quan tâm, ưu tiên. Trẻ em khuyết tật nặng, đặc biệt nặng, trẻ nhiễm HIV/AIDS, trẻ thuộc hộ nghèo, trẻ mất nguồn nuôi dưỡng trên địa bàn tỉnh được hưởng chính sách trợ cấp thường xuyên của Nhà nước. Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được tỉnh đầu tư nhằm đảm bảo mỗi năm chăm sóc, nuôi dưỡng từ 80-100 trẻ em mồ côi, mất nguồn nuôi dưỡng. Thông qua các hoạt động, các mô hình, từ năm 2012 đến nay có 334 trẻ khuyết tật được giáo dục hòa nhập, 43 trẻ khiếm thính được học lớp học chuyên biệt; quản lý, giáo dục, trợ giúp pháp lý cho hơn 560 trẻ vi phạm pháp luật và 4.200 trẻ hư có nguy cơ vi phạm pháp luật... Khoảng 6.300 trẻ em thuộc đối tượng sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm HIV/AIDS, trẻ nhiễm HIV/AIDS, mắc bệnh hiểm nghèo hoặc bệnh phải điều trị dài, trẻ không có nguồn nuôi dưỡng, trẻ tự kỷ… được hỗ trợ theo Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh với tổng số tiền 25 tỷ đồng.
Hệ thống các trường học được đầu tư hoàn thiện, quy mô, mạng lưới cơ sở giáo dục được duy trì ổn định và không ngừng phát triển, cơ bản đáp ứng yêu cầu bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em. Chương trình giáo dục của các nhà trường đều được tích hợp việc giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ứng xử... cho học sinh; đồng thời, thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, xây dựng môi trường lành mạnh, không có bạo lực trong các cơ sở giáo dục...
Các cấp, ngành quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khu vui chơi cho trẻ. Toàn tỉnh hiện có 61 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa, điểm vui chơi giải trí cấp xã dành cho trẻ em; 1.534/1.543 thôn, khu có nhà văn hóa tạo chỗ vui chơi cho trẻ. Các sở, ngành, địa phương triển khai 10 mô hình chăm sóc trẻ em.
Xã hội hóa công tác trẻ em được tỉnh Quảng Ninh và các địa phương đẩy mạnh. Trong 10 năm (2012-2021), tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm hỗ trợ được hơn 248,8 tỷ đồng; trong đó Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh vận động được hơn 28,87 tỷ đồng, hỗ trợ 74.358 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn...
Các hoạt động trực tiếp bảo vệ chăm sóc trẻ em trên toàn tỉnh cũng được tăng cường. Hàng loạt các hoạt động trực tiếp được triển khai trong năm 2021: “Kết nối dịch vụ chăm sóc và phát triển toàn diện trẻ em dựa trên đánh giá nhu cầu của trẻ”; hỗ trợ trẻ em khuyết tật tiếp cận các dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em tại cộng đồng; dạy nghề gắn với tạo việc làm cho trẻ em khuyết tật tại mô hình “Kết nối dịch vụ chăm sóc và phát triển toàn diện trẻ em trong những năm đầu đời tại cộng đồng”, “Vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ trẻ em vùng đặc biệt khó khăn”. Các mô hình trên được nhân rộng tại các địa phương như: Ba Chẽ, Đông Triều, Cẩm Phả, Uông Bí và Móng Cái.
Trẻ em được lên tiếng và được lắng nghe
Lắng nghe ý kiến của trẻ em và luôn dành một sự quan tâm, đầu tư đặc biệt tới những vấn đề liên quan tới trẻ em, tỉnh Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong cả nước thực hiện thí điểm mô hình Hội đồng trẻ em.
Được thành lập từ năm 2018, Hội đồng trẻ em tỉnh Quảng Ninh hiện có 34 thành viên từ 9-15 tuổi, là đại diện cho hơn 300.000 thiếu nhi tỉnh Quảng Ninh, tiêu biểu trong các lĩnh vực: Học tập, hoạt động Đội, công tác xã hội, văn hóa nghệ thuật… được lựa chọn từ 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Hội đồng trẻ em tổ chức các phiên họp định kỳ 2 năm 1 lần và tổ chức họp trước các kỳ họp của HĐND tỉnh để thảo luận, tham mưu, kiến nghị những giải pháp liên quan đến các vấn đề về trẻ em. Những vấn đề các em gặp phải chủ yếu là những vấn đề nóng như phòng chống xâm hại tình dục, an toàn trên không gian mạng, phòng chống đuối nước, các vấn đề tâm lý tuổi học đường… Đây là những vấn đề rất cần phải có sự chung tay của toàn xã hội, cũng như sự cần thiết trang bị cho mỗi em những kiến thức, kỹ năng phù hợp, kịp thời.
Theo chị Đặng Hương Lan, Uỷ viên BCH Tỉnh Đoàn, Phó trưởng Ban Thanh thiếu nhi Trường học Tỉnh Đoàn, mô hình Hội đồng trẻ em là một hướng đi mới, cách làm mới đem lại hiệu quả nhất định trong công tác thúc đẩy quyền của trẻ em, giúp các em nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề các em quan tâm, tạo cơ hội cho trẻ em phát huy quyền của bản thân, tạo sự bình đẳng và môi trường tích cực để các em trao đổi ý kiến, tâm tư, nguyện vọng và những kiến nghị xuất phát từ trong cuộc sống, trong học tập, rèn luyện, vui chơi và giải trí. Đồng thời, mô hình này phát huy tốt vai trò là cầu nối giúp lãnh đạo địa phương, cơ quan hoạt động trong lĩnh vực trẻ em nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của các em. Các thông điệp của trẻ em được cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và HĐND, UBND tỉnh tiếp nhận và từng bước giải quyết một cách có hiệu quả tích cực.
Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, các kỳ họp của HĐND tỉnh cuối năm đều mời 200 thanh thiếu nhi tiêu biểu của TP Hạ Long, trong đó có thành viên của Hội đồng trẻ em tham dự họp, tạo điều kiện cho thanh thiếu nhi thực hiện quyền của mình, đồng thời giúp hiểu rõ hơn về hoạt động của HĐND và trách nhiệm của những đại biểu HĐND đại diện cho nhân dân.
Để lắng nghe trẻ em nói và giải quyết các vấn đề của trẻ em nhằm thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em, các sở, ngành, địa phương triển khai nhiều mô hình, hoạt động.
Tại các trường học, các mô hình như: CLB Báo chí phát thanh, CLB Tuyên truyền viên măng non, Diễn đàn trẻ em, CLB Quyền trẻ em… được hoạt động sôi nổi tại 13/13 huyện, thị xã, thành phố, thu hút 125.000 lượt trẻ em tham gia và phản ánh, đóng góp ý kiến, trở thành kênh truyền thông hữu hiệu, lành mạnh của các em thiếu niên, nhi đồng nói lên tiếng nói, quan điểm của mình về các vấn đề từ kinh tế - xã hội, văn hóa, môi trường cho đến những câu chuyện “Vườn trường” vụn vặt hàng ngày mà rất đáng nhớ.
Em Thái Nguyệt Anh, lớp 11 Toán, Trường THPT Chuyên Hạ Long, Chủ tịch CLB Phát thanh & Báo chí Chuyên Hạ Long, cho biết: Các chương trình Phát thanh & Báo chí do CLB chủ trì đã trở thành kênh thông tin được mong chờ đối với mỗi học sinh Chuyên Hạ Long. Với thời lượng 2-3 tác phẩm phát thanh và 3-4 tin/bài viết đăng tải trên Fanpage, các thông tin, câu chuyện không chỉ xoay quanh các hoạt động, sự kiện của trường mà còn là những phản ánh, cảm nghĩ của chính các em về những vấn đề trong xã hội. Bằng chính lăng kính của người trong cuộc, đây là cơ hội để không chỉ các thành viên CLB mà nhiều bạn học sinh kịp thời thể hiện những quan điểm, nguyện vọng của mình; từ đó, góp phần tạo sự thấu hiểu, đồng cảm chung.
Lắng nghe, thấu hiểu từ gia đình, bố mẹ là một điều rất quan trọng đối với quá trình phát triển của trẻ em. Do đó, công tác tuyên truyền đảm bảo cộng đồng, mỗi gia đình, người dân có hiểu biết về quyền và các chế độ chính sách đối với trẻ em nói chung và việc đảm bảo môi trường sống an toàn cho trẻ em nói riêng luôn được xem là nhiệm vụ ưu tiên thường xuyên. Trong giai đoạn 2012-2021, 18.157 hộ gia đình đã ký cam kết đạt ngôi nhà an toàn; 27.461 lượt người lớn, trẻ em được truyền thông, tập huấn kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích, sơ cứu trẻ đuối nước. Các trường học đều ký cam kết an toàn giao thông, dạy bơi miễn phí cho gần 6.000 trẻ từ nguồn ngân sách tỉnh và 40.000 trẻ từ nguồn xã hội hóa.
Đáng chú ý, tại các địa phương trong tỉnh, Đường dây bảo vệ trẻ em và phòng chống xâm hại tình dục trẻ em hoạt động hiệu quả, hỗ trợ được cho nhiều trường hợp trẻ em dưới 16 tuổi.
Đầu tư, chăm sóc toàn diện cả về trí tuệ, thể chất, tinh thần và ý thức, niềm tin cho trẻ em ngay từ khi còn nhỏ đến lúc trưởng thành chính là hướng đi đúng đắn nhất, chiến lược nhất để hình thành một xã hội văn minh, tiến bộ, đảm bảo sự phát triển ổn định, thịnh vượng lâu dài cho xã hội. Đó cũng chính là định hướng, là mục tiêu mà cả hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư tại Quảng Ninh đang nỗ lực và kiên trì hiện thực hóa.
Hùng Sơn - Phương Loan
Liên kết website
Ý kiến ()