Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 17:36 (GMT +7)
Quyết tâm nâng cao Chỉ số ICT Index
Thứ 5, 08/07/2021 | 10:30:49 [GMT +7] A A
Công nghệ thông tin - truyền thông ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng, từng bước trở thành nền tảng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tham gia giải quyết hầu hết các “bài toán khó” trong phát triển KT-XH. Trong thời đại mới, dưới những thời cơ và cả thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, việc nâng cao chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT (ICT Index) ngày càng có ý nghĩa quan trọng.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Báo cáo Vietnam ICT Index hàng năm, tỉnh Quảng Ninh luôn đứng trong top 5 địa phương dẫn đầu toàn quốc. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 -2018 luôn đứng vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố; năm 2019 tỉnh Quảng Ninh vươn lên vị trí thứ 3 toàn quốc và năm 2020 vẫn duy trì được vị trí này. Với số điểm đạt được là 0,69 điểm, Quảng Ninh cao gấp 1,5 lần so với điểm trung bình chung của toàn quốc (0,45 điểm). Không dừng lại ở kết quả này, tỉnh quyết tâm tiếp tục nâng cao Chỉ số ICT Index năm 2021 và những năm tiếp theo.
Trong 3 nhóm tiêu chí đánh giá của ICT Index năm 2020, ngoài tiêu chí ứng dụng CNTT có điểm số tăng và giữ nguyên thứ hạng so với năm 2019 thì 2 tiêu chí hệ thống hạ tầng và hạ tầng nhân lực CNTT của tỉnh có điểm số và thứ hạng giảm so với năm trước đó. Trong đó, ở chỉ số hạ tầng kỹ thuật với 0,65 điểm tỉnh Quảng Ninh xếp thứ 5 toàn quốc, có điểm cao gấp 1,43 lần so với điểm trung bình chung của toàn quốc và cũng là kết quả đạt được cao nhất từ trước đến nay của tỉnh. Tuy nhiên, trong chỉ số này, tỉnh lại có khoảng cách xa hơn so với 2 địa phương đứng đầu. Điều này được lý giải là do ở hạng mục hạ tầng kỹ thuật xã hội và hạ tầng kỹ thuật của cơ quan nhà nước, Quảng Ninh đã chạm đến ngưỡng giới hạn của một số nội dung như: Tỷ lệ máy điện thoại di động, thuê bao băng rộng không dây/100 dân; tỷ lệ doanh nghiệp có kết nối Internet băng rộng, hay tỷ lệ các cơ quan nhà nước có kết nối mạng WAN hoặc mạng chuyên dùng của Chính phủ (đều đứng thứ 1). Nhưng lại chưa cải thiện được một số nội dung như: Tỷ lệ hộ gia đình có máy tính và thuê bao Internet/100 dân, hay tỷ lệ máy tính/CBCCVC trong các cơ quan nhà nước của tỉnh do một số khó khăn khách quan ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Đối với tiêu chí hạ tầng nhân lực, năm 2020 vừa qua, tỉnh giảm 1 bậc so với năm 2019 và xếp thứ 4/63. Phân tích nguyên nhân của việc giảm điểm giảm hạng này, các chuyên gia cho rằng, do đặc thù của Quảng Ninh còn có các điểm trường ở các xã, thôn, bản vùng sâu, vùng xa (tỷ lệ người lớn biết đọc, biết viết và tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đi học được đến trường chưa đạt tuyệt đối 100%), nên điểm số nội dung này thấp hơn so với các thành phố lớn có điều kiện thuận lợi, các nội dung này đều đạt 100%.
Trong ICT Index, tiêu chí ứng dụng CNTT của tỉnh năm 2020 tăng điểm và giữ nguyên vị trí xếp hạng. Đây là kết quả của việc ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước và cung ứng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh trong thời gian qua. Tuy nhiên, dư địa để tỉnh tiếp tục vươn lên trong chỉ tiêu này vẫn còn rất nhiều nếu có thể giải quyết được một số vấn đề, như: Xây dựng các CSDL chuyên ngành tại các cơ quan, đơn vị chưa có sự bứt phá; ứng dụng phần mềm nguồn mở còn thấp do số lượng máy tính trạm, máy chủ có cài đặt hệ điều hành phần mềm nguồn mở đạt tỷ lệ thấp. Cùng với đó, việc sử dụng văn bản điện tử có ký số trong trao đổi công việc giữa các đơn vị trong tỉnh đạt hiệu quả cao về số lượng và yêu cầu, tuy nhiên trong nội bộ mỗi cơ quan, đơn vị, việc sử dụng văn bản điện tử trong trao đổi công việc, các hoạt động nội bộ có ứng dụng CNTT còn hạn chế.
Trên cơ sở phân tích rõ những kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, để tiếp tục duy trì và cải thiện ICT Index của năm 2021 và các năm tiếp theo, tỉnh đã đặt ra nhiều mục tiêu và đang tích cực thực hiện. Trong đó đặc biệt chú trọng đến việc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật với việc đầu tư, nâng cấp và mở rộng mạng viễn thông, mạng truy nhập băng rộng với tốc độ cao; xây dựng các cột BTS tại các vùng sâu, vùng xa để tăng diện tích phủ sóng, nhằm nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ viễn thông, nhất là các vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Cùng với đó, phối hợp với các nhà mạng triển khai giải pháp duy trì ổn định số lượng thuê bao điện thoại cố định, phát triển thuê bao di động, internet, nhất là thuê bao 3G, 4G, phát triển 5G…
Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đến việc củng cố hạ tầng nhân lực CNTT bằng việc tích cực đầu tư cho giáo dục phổ thông theo hướng giáo dục thông minh; khuyến khích các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn mở chuyên ngành đào tạo CNTT, đồng thời thu hút các doanh nghiệp lớn, trường đại học lựa chọn Quảng Ninh để mở các cơ sở đào tạo về CNTT. Các đơn vị, địa phương cũng liên tục xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức tập huấn về CNTT cho CBCCVC; rà soát, bố trí, sắp xếp, đảm bảo các cơ quan, đơn vị, địa phương đều có cán bộ chuyên trách về CNTT và an toàn thông tin…
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()