Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 14:21 (GMT +7)
Để mãi ngân vang những tiếng chèo
Chủ nhật, 17/12/2023 | 09:57:27 [GMT +7] A A
Đông Triều là một cái nôi quan trọng của chèo với truyền thống hát chèo, biểu diễn chèo nổi trội. Đây cũng là địa phương đi đầu còn lưu giữ, bảo tồn loại hình nghệ thuật này ở Quảng Ninh. Tuy nhiên, hiện nay người biết đàn, hát, múa, diễn chèo nơi đây không còn nhiều, đặc biệt là những nghệ nhân chèo chỉ còn đếm trên “đầu ngón tay” và phần đông đều đã cao tuổi, thậm chí có cụ đã không còn đủ minh mẫn, sức khỏe để truyền nghề...
Hiện nay, trên địa bàn thị xã có 12 CLB hát chèo, 244 thành viên, số lượng thành viên dao động từ 12-60 người/CLB. Ở các làng, khu phố trên địa bàn đều có ít nhất 1 CLB hát dân ca hoặc đội văn nghệ thường xuyên luyện tập, hát biểu diễn cả dân ca, chèo và một số thể loại khác.
Những năm qua, Đông Triều đã có nhiều giải pháp để bảo tồn nghệ thuật chèo nơi đây. Địa phương đã mở được nhiều lớp học hát chèo với hàng trăm học viên tham gia, là những người biết hát chèo, yêu thích bộ môn nghệ thuật này, trong đó có cả các em nhỏ, trong thời gian từ 10-20 ngày/khoá. Thầy cô truyền dạy là những nghệ nhân, nghệ sĩ có kinh nghiệm về hát, diễn chèo cổ, điệu chèo cổ có đặt lời mới... Nội dung chủ yếu là học hát chèo, múa minh họa cho các điệu hát chèo, luyện âm, luyện phách, nhịp trống chèo, diễn xuất trên sân khấu...
Sân chơi cho chèo được thị xã chú trọng, các địa phương cơ sở quan tâm. Hằng năm, thị xã tổ chức các buổi Giao lưu trình diễn các làn điệu chèo tại lễ hội xuân Ngoạ Vân kể từ năm 2016 đến nay. Hay như Liên hoan văn nghệ các làng - khu phố văn hoá tại lễ hội đền An Sinh tổ chức từ năm 2000 đến nay, đều xây dựng thang điểm ưu tiên, khuyến khích đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống, trong đó có hát chèo... Đây đều là các lễ hội có quy mô cấp thị xã, thu hút được đông đảo các nghệ nhân, diễn viên các CLB, các đội văn nghệ tham gia.
Ở các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội của làng, khu phố, xã, phường, thị xã… đều có sự tham gia biểu diễn của các đội văn nghệ cơ sở, trong đó có biểu diễn chèo. Đơn cử như đội hát chèo của phường Hoàng Quế tham gia hội diễn cấp tỉnh còn đoạt giải cao. Chèo còn vào các khu du lịch Quảng Ninh Gate, du lịch làng quê Yên Đức phục vụ du khách trong nước và quốc tế trong nhiều năm.
Mặc dù hoạt động khá sôi nổi, chèo ở Đông Triều được lớp người cao tuổi yêu thích, các nghệ nhân, diễn viên không chuyên nhiệt tình tham gia, các cấp, ngành, địa phương quan tâm... song thực tế chưa có chính sách động viên, đãi ngộ và khai thác trí lực của các nghệ nhân chèo để họ có sức khỏe, nuôi dưỡng tinh thần sáng tạo và trao truyền nghệ thuật chèo. Số lượng nghệ nhân chèo tại các CLB không nhiều và phần lớn đã cao tuổi, đang dần già yếu. Lớp trẻ rất ít hiểu về giá trị nghệ thuật chèo, nên đa số không mặn mà để học tập, lưu giữ, bảo tồn và phát triển nghệ thuật chèo. Nguồn kinh phí hoạt động và giao lưu chủ yếu của các CLB là do hội viên tự đóng góp nên gặp nhiều khó khăn.
Qua nghiên cứu của đơn vị có chuyên môn, nhiều làn điệu chèo cổ hiện nay còn ở trong dân gian tại Đông Triều chưa được khai thác sưu tầm, tổng hợp, phân loại và phổ biến rộng rãi. Các trích đoạn, vở diễn chưa được phục hồi, thậm chí còn mai một, mất đi những giá trị nghệ thuật quý giá của chèo cổ, như: Nghệ thuật ứng diễn, một số tích cổ, truyền thống... Không gian diễn xướng chèo cũng bị biến đổi, tổ chức hoạt động biểu diễn chủ yếu là tự phát, việc dàn dựng, biểu diễn và truyền dạy chưa được quy củ và lề lối... nên hiệu quả chưa cao, nhiều giá trị nghệ thuật chèo bị mai một. Việc đưa chèo vào phục vụ du lịch còn nhỏ lẻ, chưa gắn với các tour một cách bài bản, chủ yếu biểu diễn phục vụ nhu cầu nghe hát của du khách...
Muốn nối mạch chèo với cuộc sống đương đại hôm nay trên vùng đất Đông Triều còn rất nhiều việc phải làm. Chính vì vậy, thị xã đang tiến hành xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Chèo tại thị xã Đông Triều, giai đoạn 2023-2030”. Qua đây đặt ra các vấn đề cấp bách trong việc khảo sát, sưu tầm, tổng hợp, phân loại, đánh giá và có giải pháp, mô hình bảo tồn, phát huy và phát triển nghệ thuật chèo phù hợp trong thực tiễn hiện nay. Hy vọng, khi đề án được hiện thực hoá sẽ giúp phục hồi, bảo tồn bền vững các giá trị của nghệ thuật chèo, giúp Đông Triều toả sáng với thương hiệu “đất chèo”, thúc đẩy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững của địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()