Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:58 (GMT +7)
Để tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS trước năm 2030
Thứ 3, 28/09/2021 | 06:26:17 [GMT +7] A A
Ngày 6/7/2021, Ban Bí thư Trung ương ban hành Chỉ thị số 07-CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam trước năm 2030. Với Quảng Ninh, không chỉ khi có Chỉ thị này, mà trước đó công tác phòng, chống HIV/AIDS luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm.
Hằng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Trên cơ sở đó, các địa phương chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch phù hợp với tình hình thực tế; chú trọng kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS; đồng bộ, thống nhất công tác phòng, chống HIV/AIDS với công tác phòng, chống ma túy, mại dâm. Các cấp, các ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội còn chủ động lồng ghép, phối hợp hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa", xây dựng gia đình văn hóa, tổ dân phố, thôn, bản văn hóa, cuộc vận động "Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"...
Quảng Ninh còn tăng cường hợp tác quốc tế, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án được tài trợ. Hiện trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện Dự án USAIDEPIC, Dự án Quỹ toàn cầu và Dự án CCRD. Đây là nhưng dự án tài trợ rất hiệu quả cho công tác phòng, chống HIV/AIDS.
Công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS tiếp tục được các ban, ngành đoàn thể và các địa phương trong tỉnh quan tâm, triển khai thực hiện phù hợp với từng địa bàn, đối tượng cụ thể; trong đó chú trọng đến các đối tượng có nguy cơ tại cộng đồng. Hoạt động tuyên truyền của các địa phương, đơn vị khá đa dạng, như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và địa phương; lồng ghép với hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, các buổi sinh hoạt cộng đồng, sinh hoạt câu lạc bộ, văn hoá, thể thao...
Từ đầu năm 2021 đến nay, các ngành đã tiến hành hơn 21.500 lượt truyền thông về HIV/AIDS cho gần 867.700 lượt người. Qua đó, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về công tác phòng, chống HIV/AIDS, dịch Covid-19. Người dân nhờ đó cũng tham gia tích cực vào hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS.
Công tác giám sát dịch được quan tâm. Từ đầu năm đến nay, các phòng xét nghiệm trên địa bàn tỉnh đã xét nghiệm sàng lọc 59856 mẫu; qua đó phát hiện 225 mẫu dương tính với HIV.
Trong công tác phòng chống HIV/AIDS, các cấp, ngành, địa phương còn chú trọng đến việc giảm thiểu tác hại của dịch bệnh này thông qua một loạt hoạt động, như: Truyền thông thay đổi hành vi, hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, sử dụng bao cao su đúng cách; vận động, giới thiệu tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ khám chữa bệnh, tư vấn xét nghiệm tự nguyện... Từ đầu năm đến nay, các ngành, nhân viên tiếp cận cộng đồng thuộc các nhóm giáo dục đồng đẳng, các cộng tác viên, phòng tư vấn, các cơ sở y tế đã tiếp cận và cấp hơn 301.000 bơm kim tiêm sạch; cấp phát gần 221.000 bao cao su cho hơn 21.000 lượt người có nguy cơ cao lây nhiễm HIV.
Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 cơ sở điều trị Methadone với 1.004 bệnh nhân đang điều trị. Tại các cơ sở này, công tác kiểm tra sức khỏe, tư vấn cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân được các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên cơ sở thực hiện thường xuyên. Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị giám sát chặt chẽ tình hình cấp phát thuốc và tồn kho thuốc tại các cơ sở. Lượng thuốc luôn đảm bảo cung cấp đúng, đủ cho các bệnh nhân điều trị. Việc điều trị Methadone đã góp phần đáng kể làm giảm sự lây truyền HIV, viêm gan B, viêm gan C và một số bệnh xã hội trong nhóm đối tượng nghiện ma túy.
Cùng với đó, tỉnh còn đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ điều trị HIV/AIDS, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Từ đầu năm đến hết ngày 15/9, có thêm 68 bệnh nhân nhận thuốc ARV (thuốc làm hạn chế sự nhân lên của vi rút HIV), nâng tổng số người nhận thuốc ARV lên 5.040 người. Các cơ sở y tế cũng chú trọng đến công tác vận động phụ nữ mang thai làm xét nghiệm HIV, tăng cường điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Đến hết 15/9, có 48 trường hợp phụ nữ mang thai nhiễm HIV được điều trị ARV trước khi mang thai, 13 người được điều trị trong khi chuyển dạ đẻ. Có 66 trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV đều được điều trị dự phòng lây truyền HIV.
Việc quan tâm, triển khai tốt các hoạt động phòng chống, giảm thiểu tác hại bởi HIV/AIDS của các đơn vị y tế trên địa bàn đã góp phần kéo giảm tình trạng lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Hiện tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư ở Quảng Ninh chỉ còn 0,41%. Tính đến hết tháng 3/2021, Quảng Ninh còn 5.582 người nhiễm HIV xác định đúng địa chỉ có mặt trên địa bàn.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()