Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:32 (GMT +7)
Để thúc đẩy thành lập doanh nghiệp KH&CN
Thứ 4, 03/06/2020 | 07:55:11 [GMT +7] A A
Hỗ trợ tối đa nhất cho doanh nghiệp thành lập doanh nghiệp KH&CN vẫn đang là giải pháp mà Sở KH&CN hướng đến nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận được những cơ chế, chính sách ưu đãi liên quan. Qua đó, nâng cao năng lực cũng như thúc đẩy sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Theo kế hoạch, đến hết năm 2020, Quảng Ninh có khoảng 80 doanh nghiệp KH&CN. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, số lượng doanh nghiệp KH&CN trên toàn tỉnh mới chỉ đạt 14 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ gần 18% so với mục tiêu đề ra. Con số khiêm tốn này cho thấy việc phát triển doanh nghiệp KH&CN của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn.
Trong nhiều chính sách hỗ trợ đối với doanh nghiệp, có thể nói doanh nghiệp KH&CN được tiếp cận những cơ chế khá ưu đãi, như: miễn thuế 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo; được miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước khi xây dựng phòng thí nghiệm, cơ sở ươm tạo công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp KH&CN, xây dựng cơ sở thực nghiệm, cơ sở sản xuất thử nghiệm; ưu đãi về vốn vay tín dụng; hỗ trợ hoạt động nghiên cứu, thương mại hóa kết quả KH&CN; được Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn, hỗ trợ tối đa 50% lãi suất vay vốn tại ngân hàng thương mại...
Ưu đãi thì rất hấp dẫn, tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thực sự mặn mà với việc trở thành doanh nghiệp KH&CN. Theo ông Phạm Xuân Dương, Phó trưởng Phòng Quản lý Công nghệ và thị trường công nghệ (Sở KH&CN): Doanh nghiệp chưa thực sự nhận thấy hết hiệu quả, lợi ích của loại hình này, do vậy còn e ngại. Nhiều doanh nghiệp áp dụng KHCN vào sản xuất chủ yếu theo hình thức mua máy móc, thiết bị; công nghệ được tích lũy từ kinh nghiệm thực tiễn, không qua việc nhận hỗ trợ và thực hiện các nhiệm vụ KHCN, dẫn đến khó khăn cho việc chứng minh sở hữu kết quả KHCN hợp pháp.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã là doanh nghiệp KH&CN thì lúng túng trong việc tiếp cận với chính sách ưu đãi, vì những quy định, hướng dẫn còn rườm rà. Một số sản phẩm thuộc danh mục hàng hóa hình thành từ kết quả KH&CN của nhiều doanh nghiệp, không phải là sản phẩm chính hoặc sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, do đó không đảm bảo điều kiện để hưởng ưu đãi. Việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp của một số cơ quan liên quan còn gặp nhiều lúng túng, bất cập.
Áp dụng KHCN trong sản xuất thuốc viên nén tại Nhà máy sản xuất thuốc (Công ty CP Dược vật tư y tế Quảng Ninh) có nguồn gốc dược liệu theo tiêu chuẩn GMP, WHO. |
Với mục tiêu thúc đẩy phát triển doanh nghiệp KH&CN, Sở KH&CN đang triển khai nhiều giải pháp đồng hành, tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc triển khai các nhiệm vụ KH&CN, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, hướng dẫn, tổ chức nghiệm thu kết quả KH&CN… để đảm bảo các hồ sơ luận chứng rõ ràng, đủ điều kiện cho việc chứng nhận doanh nghiệp KH&CN. Mới đây, Sở đã hỗ trợ cho Công ty CP Phát triển Agri-Tech hoàn thiện thủ tục để được công nhận là doanh nghiệp KH&CN sau nhiều năm vướng mắc về quyền sử dụng kết quả nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN.
Ngoài ra, tỉnh cũng đã ban hành một số cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy hình thành và phát triển doanh nghiệp KH&CN thông qua hoạt động ươm tạo. Điển hình như Nghị quyết số 148/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có việc nâng cấp cơ sở vật chất-kỹ thuật cho cơ sở ươm tạo, đầu tư đổi mới công nghệ. UBND tỉnh cũng đã xây dựng và triển khai đề án phát triển trung tâm ươm tạo công nghệ và doanh nghiệp KH&CN trên địa bàn tỉnh nhằm tạo lập liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu, phát triển công nghệ với các nhà đầu tư; qua đó, thúc đẩy quá trình thương mại hóa công trình nghiên cứu khoa học. Hiện có 2 doanh nghiệp là Công ty CP dược-vật tư y tế Quảng Ninh và Chi nhánh Công ty TNHH gốm sứ Quang Vinh đã thành lập được trung tâm ươm tạo công nghệ thuộc lĩnh vực dược và gốm sứ.
Hệ thống máy móc hiện đại, hoạt động tự động tại Công ty CP gạch ngói Đất Việt được ứng dụng vào tất cả các khâu của dây chuyền sản xuất. - Ảnh: Minh Hà. |
Theo Giám đốc Sở KH&CN Hoàng Bá Nam, trong thời gian tới, Sở KH&CN sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mô hình doanh nghiệp KH&CN; tiếp tục chủ động tiếp xúc với doanh nghiệp, đơn giản hóa các thủ tục thành lập doanh nghiệp KH&CN. Đồng thời tổ chức nhiều diễn đàn hơn để các doanh nghiệp trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tiếp cận các cơ chế, chính sách ưu đãi của nhà nước.
“Việc phát triển doanh nghiệp KH&CN không chỉ phụ thuộc vào chính sách ưu đãi, mà bản thân các doanh nghiệp cũng phải thực sự chuyển biến trong nhận thức về phát triển KH&CN, xem đầu tư cho KH&CN là nền tảng để tồn tại, phát triển trong điều kiện hội nhập như hiện nay”. - Ông Nam nhấn mạnh.
Nguyên Ngọc
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()