Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 12/01/2025 20:06 (GMT +7)
Để thợ mỏ vượt qua thách thức
Thứ 2, 14/11/2016 | 04:24:52 [GMT +7] A A
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng ngành Than trở thành ngành công nghiệp phát triển; sự cạnh tranh thị trường gay gắt cùng với điều kiện khai thác ngày càng khắc nghiệt; vấn đề về tay nghề, điều kiện làm việc, đời sống công nhân ngành Than... là những thách thức của thợ mỏ hiện nay đã được các đại biểu tham dự Hội thảo phát huy truyền thống công nhân Vùng mỏ trong đổi mới kinh tế của đất nước chỉ rõ.
Chủ tịch Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam tặng mặt nạ chống bụi cho công nhân Công ty Than Hà Lầm. |
Theo Dự án điều chỉnh Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 đã đề ra mục tiêu phát triển tổng quát là: “Xây dựng ngành Than Việt Nam trở thành ngành công nghiệp phát triển; có sức cạnh tranh cao; có trình độ công nghệ tiên tiến so với khu vực ở tất cả các khâu thăm dò, khai thác, sàng tuyển, chế biến, sử dụng than; đáp ứng đủ than cho nhu cầu sử dụng trong nước, đặc biệt là than cho sản xuất điện”. Những nhiệm vụ quan trọng đó vừa là một thách thức vừa đặt ra vấn đề xây dựng đội ngũ công nhân ngành Than thật sự vững mạnh và hoạt động có hiệu quả.
Nhiệm vụ thì lớn nhưng điều kiện khai thác và khả năng tiêu thụ sản phẩm than trên các loại thị trường có sự cạnh tranh gay gắt. Các mỏ than lớn hiện có ngày càng phải xuống sâu, đi xa với điều kiện khai thác khó khăn hơn. Yêu cầu đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường trong khai thác đòi hỏi ngày càng nghiêm ngặt hơn. Để tăng sản lượng đòi hỏi nhu cầu vốn đầu tư cao, trong khi nguồn vốn tự có của ngành hạn hẹp và giá bán than trong nước đang còn thấp hơn giá thành, từ năm 2007 mới bắt đầu được điều chỉnh theo cơ chế thị trường.
Tại Hội thảo, nhiều chuyên gia thừa nhận, các vấn đề về tay nghề, điều kiện làm việc, đời sống công nhân ngành Than còn bất cập so với yêu cầu nhiệm vụ mới. Do thiếu nguồn nhân lực, nhiều công ty đã phải hạ chuẩn mới tuyển được người. Theo quy định, công nhân phải tốt nghiệp trung học phổ thông, thì nay chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở cũng phải tuyển (đối với thợ lò), nhiều công ty khai thác hầm lò phải tuyển lao động từ các vùng núi, vùng sâu, vùng xa. Hầu hết CNLĐ vào làm việc phải đào tạo, đào tạo lại theo vị trí công việc. Bên cạnh đó, môi trường làm việc thì độc hại, khi đo nấm mốc, vi khuẩn có trong không khí hầm lò, ở nhiều vị trí có số khuẩn lạc cao gấp 2,5-8,6 lần. Nhiều nơi số lượng nấm cao hơn gấp 20 lần. Lượng nước thải có độ axit cao lại cộng thêm các chất thải đã làm trầm trọng thêm sự ô nhiễm môi trường trong đường hầm. Trong khi đó hiện có 64,6% số CNLĐ ngành Than làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. CNLĐ phải làm việc dưới hầm sâu, chật hẹp, tối tăm, thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây các bệnh nghề nghiệp. Tai nạn lao động luôn là vấn đề nóng mà CNLĐ ngành Than phải đối mặt...
Những thách thức trên không chỉ là khó khăn trong việc ngành Than thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao cho mà còn là nỗi lo thiếu hụt thợ lò. Vì thế, theo ông Lê Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam, để đáp ứng nhiệm vụ của Chính phủ giao cần có giải pháp toàn diện. Trước hết là phải đào tạo, nâng cao tay nghề, cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho đội ngũ CNLĐ. Nhà nước cần có lộ trình cải cách tiền lương, quy định rõ việc tăng lương hàng năm và mức chênh lệch giữa các bậc lương, nguyên tắc xây dựng thang bảng lương để CNLĐ và người sử dụng lao động có cơ sở xác định tiền lương hợp lý. Cần coi mục tiêu tăng trưởng kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống, thoả mãn nhu cầu về văn hoá tinh thần cho thợ mỏ là những mục tiêu đồng bộ không thể tách rời.
Thanh Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()