Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 18:21 (GMT +7)
"Để sản phẩm du lịch đặc trưng thành đặc thù đòi hỏi tính sáng tạo, đổi mới rất lớn”
Chủ nhật, 06/08/2023 | 23:51:27 [GMT +7] A A
Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù mang đặc trưng vùng miền, bản sắc riêng mà không đâu có được là yêu cầu tất yếu để Quảng Ninh tăng sức hút với du khách và nâng cao năng lực cạnh tranh của điểm đến. PGS.TS Phạm Hồng Long, Trưởng Khoa Du lịch Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, là chuyên gia đã có nhiều năm gắn bó với du lịch Quảng Ninh. Ông đã và đang tham gia vào nhiều dự án du lịch tiên phong, hỗ trợ và tư vấn phát triển sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng, đặc thù của Quảng Ninh theo hướng phát triển du lịch xanh, bền vững. Vừa qua, phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với ông xung quanh vấn đề này.
- Thưa PGS.TS Phạm Hồng Long, là một người con của Quảng Ninh, cũng là một chuyên gia dành nhiều tâm huyết với du lịch Quảng Ninh, theo ông, Quảng Ninh đang có những sản phẩm du lịch đặc trưng nào? Và làm sao để hình thành những sản phẩm du lịch đặc thù? + Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Quảng Ninh có 4 vùng du lịch, gắn với 4 sản phẩm du lịch đặc trưng. Ví dụ như vùng du lịch văn hóa lịch sử, tâm linh, gồm có Uông Bí, Quảng Yên và Đông Triều. Vùng thứ 2 là du lịch biển đảo và nghỉ dưỡng cao cấp bao gồm Hạ Long, Cẩm Phả. Vùng thứ 3 cũng là du lịch biển đảo song cộng với du lịch sinh thái là Vân Đồn, Cô Tô. Vùng thứ 4 là du lịch biên mậu gồm một loạt các huyện như Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, TP Móng Cái. Tất cả những vùng này đều có sản phẩm đặc trưng mang tính tiêu biểu của Quảng Ninh. Nhưng để nó trở thành sản phẩm du lịch đặc thù thì phải có tính khác biệt, không trùng lặp với các điểm đến khác ở Việt Nam và quốc tế. |
Hiện nay, Quảng Ninh đã có một số sản phẩm du lịch đặc thù như sản phẩm du lịch liên quan đến Vịnh Hạ Long hay sản phẩm về tâm linh, văn hóa lịch sử ở Yên Tử. Đó là những sản phẩm không bị trùng lặp.
Có thể nói, sản phẩm du lịch đặc thù giúp nâng thương hiệu điểm đến, đồng thời tăng khả năng hấp dẫn khách du lịch. Có lẽ, để khai thác những giá trị đặc thù của một điểm đến, chúng ta cần phải thực hiện truyền thông điểm đến mạnh mẽ hơn. Đồng thời phải xây dựng câu chuyện cho điểm đến. Và ở đây, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng. Chúng ta đã có các sản phẩm đặc thù rồi thì chúng ta phải xây dựng cốt truyện, khai thác nhiều hơn các sản phẩm cho những điểm đến này.
Ví dụ ở Hạ Long hay Yên Tử, chúng ta đều có sản phẩm điểm đến tham quan ban ngày. Nhưng hiện nay, chúng ta đang thiếu các sản phẩm dịch vụ vào ban đêm. Trong khi những trải nghiệm về đêm có xu hướng mang tới sự hứng thú, tò mò hơn cho du khách. Do vậy, tôi muốn nhấn mạnh là chúng ta cần phải đa dạng sản phẩm dịch vụ hơn, nâng cấp những sản phẩm đặc thù Quảng Ninh đang có.
- Theo ông thì các sản phẩm du lịch đặc trưng, đặc thù của Quảng Ninh có đang được phát triển một cách bền vững hay không? Và nếu muốn phát triển các sản phẩm này bền vững thì Quảng Ninh nên triển khai những giải pháp như thế nào?
+ Với một góc nhìn tích cực thì các sản phẩm đặc trưng, đặc thù của Quảng Ninh đã được quan tâm, kể từ khi tỉnh có chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”. Trước đây, việc khai thác tài nguyên của chúng ta rất rầm rộ, dẫn đến ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Từ khi có chủ trương này, mối quan tâm của tỉnh, người dân đến du khách với du lịch xanh, du lịch bền vững ngày càng tăng. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng của điểm đến, khi tập trung quá nhiều khách du lịch, nó mang lại lợi ích kinh tế. Ở chiều ngược lại, nó có thể làm suy giảm các giá trị môi trường, giá trị văn hóa - xã hội.
Chúng tôi, những người làm nghiên cứu vẫn thường nói rằng, du lịch nếu như nóng quá và chạy theo số lượng thì nó giống như ngọn lửa, thổi một nồi cơm nhưng lại làm cháy mất ngôi nhà.
Phải khẳng định là Quảng Ninh đã có những bước tiến rất mạnh mẽ về bảo tồn, phát huy các giá trị đa dạng sinh học và môi trường nhưng chúng ta cần lưu tâm hơn, nếu đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời gian tới thì sức ép lên môi trường và văn hóa - xã hội là rất lớn. Do vậy, cần thiết có những bộ tiêu chí, văn bản để hướng dẫn các điểm đến trở nên thân thiện với thiên nhiên hơn.
- Thường một sản phẩm được đánh giá là đặc trưng, đặc thù là những sản phẩm truyền thống. Vậy có chăng chuyện một sản phẩm mới có thể phát triển thành những sản phẩm đặc trưng, đặc thù?
+ Có thể trở thành đặc trưng, tức là nó là tiêu biểu của điểm đến, gia tăng sức hút với khách du lịch. Nhưng để trở thành đặc thù nó phải có tính khác biệt với các điểm đến khác. Như vậy, muốn trở thành sản phẩm đặc thù, nó phải không có tính cạnh tranh với các điểm đến khác và việc lập tức đưa một sản phẩm từ đặc trưng thành đặc thù đòi hỏi tính sáng tạo, đổi mới rất lớn.
Hiện nay, xu hướng của các điểm đến là du lịch sáng tạo, tức là sáng tạo ra các sản phẩm mới để nó không có sự trùng lặp với các điểm đến khác. Trào lưu này nổi lên rất mạnh mẽ, đặc biệt là ở Hàn Quốc. Chúng ta có thể có những bài học từ những quốc gia phát triển như vậy.
- Ông đánh giá thế nào về chất lượng các sản phẩm du lịch ở Quảng Ninh và theo ông, Quảng Ninh đã có những sản phẩm xứng tầm quốc tế chưa?
+ Về cơ bản, các sản phẩm du lịch về biển đảo của Quảng Ninh là xứng tầm đẳng cấp quốc tế. Không phải ngẫu nhiên mà khi khách du lịch quốc tế đến đây phải thốt lên “wow”!
Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế là đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới chuỗi giá trị cung ứng sản phẩm dịch vụ, du lịch ở Hạ Long nói riêng và Quảng Ninh nói chung. Đâu đó chúng ta vẫn thấy nhà hàng, cơ sở lưu trú hay chuỗi bán lẻ phục vụ khách du lịch bị đứt gãy. Chất lượng dịch vụ ở thời điểm này vẫn chưa được đồng bộ. Và đây là điều du lịch Quảng Ninh cần hướng đến để cải thiện hơn, hướng tới không chỉ xây dựng sản phẩm, chất lượng dịch vụ tốt mà cả hình ảnh tốt.
- Cảm ơn PGS.TS Phạm Hồng Long đã trả lời phỏng vấn!
Đào Linh (thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()