Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 01/11/2024 12:37 (GMT +7)
Để khôi phục ngành lâm nghiệp sau bão Yagi
Thứ 7, 28/09/2024 | 12:34:08 [GMT +7] A A
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cơn bão Yagi đã làm đổ gãy trên 117.000ha rừng, trong đó gần 20.000ha rừng phòng hộ, số còn lại là rừng sản xuất. Tuy nhiên, phần diện tích rừng phòng hộ và một phần rừng sản xuất bị thiệt hại nói trên được trồng từ vốn ngân sách nhà nước. Đây là diện tích rừng hiện đang chưa có hướng dẫn đầy đủ về chính sách và giải pháp khắc phục rừng sau bão, khiến cho công tác phục hồi rừng sau bão gặp nhiều khó khăn.
Khu vực rừng phòng hộ hồ Cao Vân được hình thành trong những chương trình trồng rừng 661, trồng rừng Việt - Đức những năm 2000 trở về trước. Đây là vị trí rừng đầu nguồn, đảm bảo sinh thuỷ cho công trình thuỷ lợi lớn, cấp nước sinh hoạt sản xuất của nhiều hộ dân khu vực Hạ Long, Cẩm Phả. Trong cơn bão số 3, rừng Cao Vân bị tàn phá nặng nề, tỷ lệ thiệt hại lên trên 90%. Từ tính chất của loại rừng, rừng phòng hộ Cao Vân cần được phục hồi ngay, nhằm trước mắt hạn chế tình trạng mất nước trong mùa khô hạn tới, về lâu về dài là trả lại nguồn sinh thuỷ cho hồ. Tuy nhiên, nằm trong vướng mắc chung của loại rừng trồng bằng vốn ngân sách, đến nay các hoạt động phục hồi rừng ở Cao Vân chưa được thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Kiên, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ, đơn vị quản lý rừng phòng hộ hồ Cao Vân, cho biết: Sau bão, chúng tôi đã kiểm tra thực địa các vị trí rừng đầu nguồn hồ, nơi có diện tích rừng trồng theo vốn ngân sách, cho thấy tỷ lệ thiệt hại rất lớn. Với rừng đầu nguồn hồ Cao Vân, yêu cầu về khối lượng công việc Công ty cần phải làm để phục hồi diện tích rừng này là rất nhiều, kéo theo nhu cầu cấp thiết về vốn, giống, con người và thiết bị để trồng rừng. Chúng tôi rất cần được hỗ trợ hướng dẫn về chính sách, đặc biệt là rất cần được hướng dẫn quy trình đánh giá, tận thu, thanh lý, quyết toán rừng… làm sao đúng quy định để có thể sớm trồng rừng trở lại.
Đáng nói, cùng với rừng đầu nguồn hồ Cao Vân, 6 công trình hồ thuỷ lợi lớn của tỉnh đều có diện tích rừng được trồng từ nguồn vốn ngân sách, đặt ra bài toán về công tác khắc phục sau bão cho loại rừng này.
Hiện nay, chạy đua với thời gian, các chủ rừng nói chung đều nhanh chóng chống dựng, chăm sóc những cây còn khoẻ mạnh; cắt dọn cây đổ gãy, để tận thu một phần, phần còn lại không tận thu được do cây nhỏ hoặc địa hình không thuận lợi để vận chuyển thì cho dọn thực bì theo quy trình để tạo diện trồng rừng mới. Đối với diện tích rừng được trồng từ vốn ngân sách nhà nước bị thiệt hại do cơn bão số 3 vừa qua cũng rất cần được thu dọn, xử lý thực bì để sẵn sàng cho vụ trồng rừng. Diện tích này càng cần phải được khắc phục ngay, để sớm nhất trồng lại hoặc trồng bổ sung cây rừng, bởi phần lớn đều nằm ở các vị trí rừng phòng hộ, rừng đặc dụng quan trọng hoặc nơi đầu nguồn, giữ vai trò tạo sinh thuỷ cho các hồ thuỷ lợi trên địa bàn.
Đề cập vấn đề này, ông Nguyễn Văn Bông, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Đối với rừng được trồng từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trồng rừng thay thế mà thiệt hại do cơn bão từ 70% trở lên, cùng với những cơ chế hỗ trợ tỉnh Quảng Ninh đang triển khai, đơn vị chuyên môn chúng tôi đang tham mưu cho cấp trên đề nghị Bộ NN&PTNT và Chính phủ khẩn trương ban hành quy định về thanh lý rừng. Cùng với đó là việc tạm thời cho phép tổ chức khai thác tận thu ngay để đảm bảo giá trị lâm sản trong thời gian Trung ương nghiên cứu ban hành quy định thanh lý rừng. Quảng Ninh cũng đề nghị Trung ương cho cơ chế bố trí nguồn kinh phí sẵn có là quỹ trồng rừng thay thế để các chủ rừng lập hồ sơ thiết kế, đảm bảo khi các đơn vị tận thu xong có thể trồng rừng ngay…
Có thể thấy sau bão số 3, người trồng rừng Quảng Ninh đang đối mặt với rất nhiều khó khăn để tái sản xuất, bao gồm diện tích rừng được trồng từ các nguồn vốn ngân sách nhà nước và vốn trồng rừng thay thế. Chính bởi vậy, cần lắm những cơ chế chính sách kịp thời và tương xứng, phù hợp với thời giá và tình hình hiện tại, để giúp người dân và doanh nghiệp trồng rừng trên địa bàn dần ổn định, giúp ngành kinh tế rừng Quảng Ninh sớm phục hồi trở lại.
Việt Hoa
- Ba Chẽ cần cơ cấu lại loại cây lâm nghiệp hợp lý
- Bình Liêu: Ổn định sản xuất lâm nghiệp sau bão Yagi
- Ngành lâm nghiệp thiệt hại nặng sau bão
- Chú trọng chuyển đổi số lĩnh vực lâm nghiệp
- Sở NN&PTNT lập danh mục trình UBND tỉnh ban hành bổ sung loài cây trồng lâm nghiệp chính để trồng rừng tại địa phương
- Khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân sau bão Yagi
Liên kết website
Ý kiến ()