Tất cả chuyên mục

Với kỳ vọng trở thành một điểm sáng trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tỉnh Quảng Ninh đang nỗ lực vào cuộc, đưa Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị lan tỏa sâu rộng, trở thành động lực chính để bứt phá, phát triển mạnh mẽ.
Nhiều kỳ vọng từ KHCN, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo
Với quan điểm xuyên suốt coi KHCN là quốc sách hàng đầu, nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn ưu tiên dành nguồn lực cho hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, đóng góp vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh. Cụ thể như Nghị quyết số 04-NQ/TU (ngày 5/5/2012) và Nghị quyết số 07-NQ/TU (ngày 13/3/2017) về phát triển KHCN; Nghị quyết số 13-NQ/TU (ngày 28/4/2023) về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; Nghị quyết số 43/2016/NQ-HĐND (ngày 7/12/2016) và Nghị quyết số 313/2020/NQ-HĐND (ngày 9/12/2020) về một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 39/2024/NQ-HĐND (ngày 10/7/2024) quy định định mức lập dự toán và mức chi kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ KHCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh…
Tiếp tục nâng cao vai trò của KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, bám sát chủ trương của Nghị quyết 57, Quảng Ninh cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao KHCN và đổi mới sáng tạo, với tiềm lực, trình độ KHCN và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và ở một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực, quốc gia, quốc tế. KHCN và đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
Nhiều chỉ tiêu cụ thể cũng được tỉnh đề ra để minh chứng cho quyết tâm thực hiện đột phá về KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số như: Nâng tỷ lệ đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế ở mức trên 55%; tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trên tổng giá trị hàng hoá xuất khẩu đạt tối thiểu 50%; quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 30% GRDP. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo đạt trên 40% tổng số doanh nghiệp. KHCN và đổi mới sáng tạo góp phần quan trọng xây dựng, phát triển giá trị văn hoá, xã hội, con người. Có tối thiểu trên 35 tổ chức KHCN, trong đó có 1-2 tổ chức đánh giá xếp loại quốc gia. Số lượng công bố khoa học quốc tế tăng trung bình 10%/năm. Nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo đạt trên 12 người trên một vạn dân. Xây dựng hạ tầng công nghệ số tiên tiến, hiện đại, dung lượng lớn, tốc độ cao; từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược, công nghệ số như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn, công nghệ lượng tử, nano...
Quyết liệt, khẩn trương, ưu tiên cho KHCN
Với tinh thần vào cuộc quyết liệt, khẩn trương đưa Nghị quyết số 57-NQ/TW sớm đi vào cuộc sống, BTV Tỉnh ủy đã ban hành các kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Trong đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, mục đích đưa phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số từng bước trở thành yếu tố dẫn dắt trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thể hiện rõ nét sự đóng góp của yếu tố KHCN vào GRDP của tỉnh.
Tỉnh thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng Ban; ban hành Quy định chức năng, nhiệm vụ, chế độ làm việc, quan hệ công tác của BCĐ; phân công nhiệm vụ các thành viên BCĐ. Đồng thời bắt tay vào triển khai những nhóm giải pháp chiến lược liên quan đến truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy về KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; hoàn thiện thể chế, xây dựng được các cơ chế, chính sách thực sự đột phá, thực sự đổi mới. Đặc biệt, tỉnh sẽ ưu tiên dành khoảng 2% GRDP chi cho nghiên cứu phát triển (R&D), đồng thời, bố trí ít nhất 3% tổng chi ngân sách hằng năm cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và tăng dần theo yêu cầu phát triển.
Cùng với đó, tập trung tháo gỡ nút thắt về chính sách; phát triển hạ tầng KHCN, đổi mới sáng tạo đồng bộ, hiện đại; mở rộng và đẩy nhanh tốc độ ứng dụng những thành tựu của KHCN, đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn, công nghệ xanh. Trọng tâm vào các lĩnh vực: Công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất điện, khai khoáng, du lịch, thương mại, logistics, nông nghiệp, kinh tế biển, cảng biển, hoạt động hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước... để tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công các đơn vị sự nghiệp KHCN, phát triển thị trường KHCN và đổi mới sáng tạo, gia tăng số lượng doanh nghiệp KHCN. Thúc đẩy hội nhập sâu rộng, mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là với các đối tác chiến lược có thế mạnh về KHCN phù hợp với lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên tập trung…
“Trước yêu cầu mới, thách thức mới, đặc biệt là quy mô kinh tế của tỉnh ngày càng lớn, nhưng vẫn giữ đà tăng trưởng, đòi hỏi cần phải có những giải pháp đột phá về KHCN, đổi mới sáng tạo. Đây chính là thời điểm quan trọng để tiếp tục khơi dậy, tôn vinh tinh thần sáng tạo, phát huy những đóng góp của lĩnh vực KHCN, đổi mới sáng tạo trong phát triển KT-XH của Quảng Ninh để bước vào kỷ nguyên phát triển mới” - Giám đốc Sở KH&CN Nguyễn Mạnh Cường khẳng định.
![]() Ông Lâm Văn Phong, Trưởng Phòng Tổng hợp - Quản lý khoa học (Sở KH&CN): "Huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo" Hiện nay, chúng tôi đang tập trung tham mưu cho Sở, cho tỉnh ban hành Chương trình khung và danh mục nhiệm vụ KHCN và đổi mới sáng tạo ưu tiên thực hiện trên địa bàn Quảng Ninh đến năm 2030. Đồng thời huy động tối đa mọi nguồn lực đầu tư cho KHCN và đổi mới sáng tạo theo phương châm “Lấy đầu tư công làm vốn mồi, dẫn dắt, kích hoạt đầu tư ngoài xã hội”. Nhất là tiếp tục thúc đẩy, khuyến khích khu vực tư nhân và doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy nhanh việc đổi mới công nghệ trong sản xuất và quản lý để nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tỉnh Quảng Ninh... Cùng với đó, sẽ đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của Quỹ phát triển KHCN tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển các tổ chức KHCN ngoài công lập, khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện cơ chế tự chủ đối với các tổ chức KHCN công lập theo quy định, gắn với trách nhiệm giải trình và từng bước thực hiện phương thức Nhà nước đặt hàng, đấu thầu và cơ chế khoán kinh phí đến sản phẩm cuối cùng. |
![]()
Bà Vũ Thị Thanh Hoa, Phó Giám đốc Công ty TNHH SX&TM Thủy sản Quảng Ninh (huyện Vân Đồn): "Thách thức và cũng là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp"
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là thách thức và cũng là cơ hội lớn đối với các doanh nghiệp. Việc ứng dụng KHCN trong sản xuất hết sức cần thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, đảm bảo cho sự phát triển nhanh và bền vững. Tại công ty chúng tôi, với việc tăng cường ứng dụng KHCN vào sản xuất những năm qua đã giúp nâng cao chất lượng và cải tiến mẫu mã sản phẩm, tạo được lòng tin của người tiêu dùng. Đặc biệt có sản phẩm ruốc hàu Thái Bình Dương và ruốc cơ trai được chứng nhận xếp hạng OCOP 4 sao. Công ty đã được Sở KH&CN trao chứng nhận là doanh nghiệp KHCN năm 2021. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tiếp tục đầu tư thêm máy móc, dây chuyền hiện đại vào sản xuất. Với sự đồng hành, hỗ trợ của các cấp, ngành, mỗi doanh nghiệp càng thêm cố gắng nâng cao năng lực cạnh tranh, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của tỉnh. |
![]() Ông Phạm Thanh Nhàn, Giám đốc Công ty CP Phát triển công nghệ Cyberlogistics Việt Nam (TP Hạ Long): "Tập trung phát triển sản phẩm công nghệ" Định hướng của chúng tôi là tập trung phát triển sản phẩm công nghệ, thay vì đầu tư máy móc, phương tiện giống như các doanh nghiệp cùng ngành. Kết quả từ nỗ lực ấy là đã ra mắt được phần mềm Cyberlogs Terminal - một giải pháp công nghệ phục vụ công tác quản lý, điều hành hoạt động xếp dỡ, giao nhận và lưu kho hàng hóa tại cảng... giúp tối ưu quy trình và tiết kiệm chi phí logistics cho khách hàng. Nhờ đó, năm 2021, chúng tôi trở thành doanh nghiệp đầu tiên tại Quảng Ninh được Bộ KH&CN cấp giấy chứng nhận trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Đến cuối năm 2022, công ty mở rộng hoạt động cung ứng phần mềm quản lý cảng cho các doanh nghiệp cảng biển trên địa bàn tỉnh, ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Viettel - Chi nhánh Quảng Ninh, là đối tác của HYUNDAI Thành Công, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam trong việc chuyển đổi số doanh nghiệp... Trong thời gian tới, chúng tôi định hướng phát triển hơn nữa các dịch vụ trong lĩnh vực KHCN là thế mạnh của công ty. |
Ý kiến ()