Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 02:03 (GMT +7)
Quảng Ninh ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư
Thứ 7, 08/04/2023 | 08:31:45 [GMT +7] A A
Quảng Ninh có những chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện các chính sách, cơ chế thu hút đầu tư vào địa bàn. Nhờ đó nhiều dự án trọng điểm đã và đang được đầu tư trên địa bàn tỉnh, góp phần tạo đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Quý I/2023, tổng vốn FDI vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh đạt gần 494 triệu USD, bằng 40,9% kế hoạch thu hút FDI cả năm 2023.
Hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa
Mục tiêu của Quảng Ninh đến năm 2030 là trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước… Tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, tỉnh luôn xác định thu hút, xúc tiến đầu tư (XTĐT), nhất là dòng vốn FDI, là một trong những giải pháp quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian qua tỉnh tập trung mọi nguồn lực để đẩy nhanh phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, đô thị, hạ tầng kinh tế, nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư. Cùng với đó tăng cường công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất theo quy hoạch; hỗ trợ, hướng dẫn các nhà đầu tư đẩy nhanh công tác bồi thường, GPMB, nhận bàn giao đất, thuê đất, cấp chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng trình tự, thủ tục quy định, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.
Tỉnh xây dựng, ban hành một số chính sách hỗ trợ đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư, như: Chính sách hỗ trợ và ưu tiên đầu tư vào các KCN, KKT trên địa bàn tỉnh (hỗ trợ kinh phí GPMB, đầu tư hệ thống xử lý nước thải, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động tại các doanh nghiệp thứ cấp trong KCN, KKT); hỗ trợ các doanh nghiệp trong triển khai ứng dụng KHCN sản xuất kinh doanh; hỗ trợ về vốn tín dụng…
Quảng Ninh thường xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp, “Chương trình cafe doanh nhân” để kịp thời giải quyết, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn. Hoạt động XTĐT ở nước ngoài và hợp tác với các tổ chức quốc tế để quảng bá, XTĐT không ngừng được cải thiện. Thông qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh và học tập; trao đổi kinh nghiệm về mô hình quản lý, cơ chế, chính sách, thiết lập mối quan hệ với các đối tác, nhà đầu tư; thu hút, mời gọi đầu tư vào tỉnh.
Đặc biệt, trong các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc với các nhà đầu tư, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh luôn hoan nghênh và cam kết đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất nhằm thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, kinh doanh và sinh sống gắn bó với địa phương. Những cam kết mà lãnh đạo tỉnh luôn nhấn mạnh đó là sự hoàn thiện về quy hoạch, tạo sự minh bạch và điều kiện tiếp cận thông tin nhanh chóng, thuận lợi; tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất về TTHC, đất đai, GPMB; đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư lớn, có thương hiệu; ưu tiên các ngành có hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường; luôn đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc giải quyết, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp.
Thu nhiều “trái ngọt”
Với sự vào cuộc tích cực, hiệu quả, tỉnh đã thu được nhiều “trái ngọt” trong công tác thu hút đầu tư. Giai đoạn 2015-2020 tổng vốn đầu tư toàn xã hội tại Quảng Ninh đạt 344.916 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước đạt gần 300.000 tỷ đồng.
Dòng vốn đầu tư này đã tạo cho Quảng Ninh một bước nhảy vọt, là một trong 5 địa phương có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất nước (đạt 65,5%) với 4 thành phố và 2 thị xã; sở hữu hạ tầng giao thông tốt nhất miền Bắc với đa loại hình (đường bộ, đường biển, đường hàng không). Tỉnh có gần 200km đường cao tốc (chiếm 10% số km cao tốc toàn quốc), cảng hàng không quốc tế đầu tiên, cảng tàu chuyên biệt đầu tiên trong nước được đầu tư từ nguồn xã hội hóa.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2020-2022, trong điều kiện tình hình kinh tế thế giới và cả nước gặp nhiều khó khăn, Quảng Ninh vẫn duy trì nhịp độ tăng trưởng GDP trên 10%, cao hơn mức trung bình cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng và tích cực, thu ngân sách luôn đứng trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước.
Năm 2022 Quảng Ninh đứng thứ 3 trong top 10 địa phương thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất (sau TP HCM và tỉnh Bình Dương). Cụ thể, các cơ quan, ban, ngành của tỉnh đã cấp mới, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 20 dự án FDI với tổng vốn đầu tư thu hút 2,186 tỷ USD (tương đương trên 51.777 tỷ đồng). Điển hình là Dự án Nhà máy Điện khí LNG Quảng Ninh, được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tháng 7/2022, tổng vốn 1,998 tỷ USD. Đây là dự án điện đầu tiên sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu tại miền Bắc, công suất lên tới 1.500MW, kinh phí đầu tư trên 47.000 tỷ đồng.
Đặc biệt, công tác xúc tiến, thu hút đầu tư của Quảng Ninh tiếp tục tạo dấu ấn đột phá trong 3 tháng đầu năm nay với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các KCN, KKT đạt gần 494 triệu USD, bằng 40,9% kế hoạch thu hút FDI của cả năm 2023. Qua đó góp phần thực hiện chủ đề công tác năm của tỉnh “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”; đồng thời tiếp tục khẳng định Quảng Ninh là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Mới đây nhất, ngày 29/3/2023, Ban Quản lý KKT tỉnh đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho 3 dự án FDI (đều tại TX Quảng Yên), tổng vốn đầu tư trên 80 triệu USD: Dự án sản xuất vành xe bằng hợp kim luyện nhẹ thông minh tại KCN Bắc Tiền Phong, tổng mức đầu tư 55 triệu USD, chủ đầu tư là Công ty TNHH Xiamen Sunrise Group; Dự án Nhà máy Lioncore Việt Nam 2 tại KCN Đông Mai, tổng vốn đầu tư 15 triệu USD, chủ đầu tư là Công ty TNHH Công nghiệp Lioncore Việt Nam; Dự án sản xuất dây đai an toàn ô tô tại KCN Sông Khoai, tổng vốn đầu tư trên 10 triệu USD, chủ đầu tư là Công ty TNHH Samsong Vina.
Các dự án trên đều là các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp chế biến - chế tạo, công nghiệp công nghệ cao. Sau khi hoàn thành, các dự án sẽ góp phần gia tăng năng lực sản xuất của lĩnh vực này, đồng thời từng bước hình thành các chuỗi sản xuất đồng bộ với giá trị gia tăng cao.
Không ngừng đổi mới cách tiếp cận, XTĐT
Trong quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Quảng Ninh tiếp tục coi trọng nguồn lực đầu tư nước ngoài, sẽ thực hiện nhiều giải pháp để đưa nguồn lực này trở thành động lực phát triển quan trọng của tỉnh. Theo quy hoạch, khi tính toán các nguồn lực để Quảng Ninh có thể thực hiện được các mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, thì tỷ trọng vốn FDI chiếm khoảng 24% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Do đó Quảng Ninh cần có tư duy chiến lược, xác định rõ những ngành, lĩnh vực trọng tâm và xác định được những nhà đầu tư xứng đáng để dành những cơ chế ưu đãi tốt nhất; như vậy mới có thể đón được dòng vốn lớn cũng như mời gọi được các nhà đầu tư đúng lĩnh vực mà tỉnh mong muốn.
Từ định hướng đó, Quảng Ninh xác định tận dụng các cơ hội từ tiềm năng, lợi thế, quyết tâm thu hút được các tập đoàn đa quốc gia, đa ngành, có vai trò dẫn dắt vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt. Trong đó có các ngành du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại, công nghiệp chế biến - chế tạo, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghiệp phụ trợ, kinh tế biển, logistics, năng lượng sạch… Theo đó, bên cạnh tiếp tục thực hiện các phương thức XTĐT truyền thống, để thuyết phục các nhà đầu tư lớn, Quảng Ninh đã xây dựng chương trình XTĐT năm 2023. Trong đó tập trung nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, thị trường, xu hướng và đối tác đầu tư; xây dựng hình ảnh, giới thiệu về môi trường, chính sách, tiềm năng, cơ hội và kết nối đầu tư; hỗ trợ hướng dẫn, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư…
Đặc biệt, tỉnh đã cập nhật, chuẩn hóa bộ công cụ XTĐT mới nhất, bao gồm hệ thống cơ sở dữ liệu, tài liệu XTĐT với hình thức thiết kế hiện đại, chuyên nghiệp bằng các ngôn ngữ Việt, Anh, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc; video clip XTĐT hiện đại và đầy đủ thông tin. Bộ công cụ này cung cấp những vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm khi tìm hiểu môi trường đầu tư tại Quảng Ninh, từ lực lượng lao động tới hạ tầng giao thông, điện, nước... Cùng với đó Quảng Ninh cũng chủ động tiếp cận tổ chức, cá nhân có sức ảnh hưởng và có vai trò quyết định; nhanh chóng hỗ trợ thủ tục đầu tư và tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp.
Theo lãnh đạo Sở KH&ĐT, giai đoạn tới Quảng Ninh tiếp tục đổi mới phương thức xúc tiến và thu hút đầu tư, tiếp cận nhà đầu tư theo hướng chủ động, linh hoạt, đúng trọng tâm, trọng điểm. Đặc biệt, phải nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án trọng điểm. Trong đó đặc biệt chú trọng xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư một cách cụ thể và rõ ràng.
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhiều tổ chức, doanh nghiệp và các đoàn công tác của nước ngoài đã đến thăm, làm việc và tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh. Trong đó nổi bật là IPA tỉnh đã làm việc với đại diện Công ty Mastern Investment Management (Hàn Quốc) tại TP Hà Nội; tham dự buổi gặp gỡ giữa VCCI và đoàn 60 doanh nghiệp Hồng Kông (Trung Quốc); tham dự buổi làm việc VCCI và Phòng Thương mại và Công nghiệp Seoul (Seoul CCI) cùng 20 doanh nghiệp Hàn Quốc. Đồng thời tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn của Nhật Bản, như: Ủy ban hợp tác kinh doanh Nhật Bản - Mekong của JCCI; Bộ Kinh tế, Công nghiệp và Thương mại Nhật Bản (METI); Tập đoàn Sojitz; Tập đoàn Toshiba... về khả năng kết nối hợp tác XTĐT trong các lĩnh vực mà tỉnh Quảng Ninh có lợi thế cạnh tranh nổi trội, ưu tiên thu hút đầu tư, như: Sản xuất thiết bị, linh kiện điện tử; cảng biển và dịch vụ cảng biển; nuôi trồng và chế biến thủy, hải sản; dịch vụ logistics...
Theo đánh giá của các đoàn, Quảng Ninh là một địa phương có nhiều ưu thế để “chọn mặt gửi vàng” trong đầu tư. Chia sẻ về kế hoạch đầu tư tại Việt Nam trong thời gian từ 3-5 năm tới, ông Vương Thành, Tổng Giám đốc vận hành Tập đoàn TCL (Hồng Kông, Trung Quốc), khẳng định, với những tiềm năng nổi trội, chính sách thông thoáng, cùng sự hỗ trợ, đồng hành nhiệt tình, trách nhiệm của tỉnh, Quảng Ninh luôn là một trong những lựa chọn hàng đầu của Tập đoàn khi nghiên cứu đầu tư tại Việt Nam. Ông Jozef Siskela, Bộ trưởng Bộ Công thương, Cộng hoà Séc, cho biết: Việt Nam là một trong những thị trường phát triển nhất khu vực Đông Nam Á. Quảng Ninh lại là địa phương hấp dẫn nhất tại Việt Nam, vì thế các doanh nghiệp Séc rất mong muốn được tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Quảng Ninh.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()