Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 13/01/2025 06:56 (GMT +7)
Để phụ nữ có thai kỳ khỏe mạnh
Thứ 6, 05/08/2022 | 06:50:11 [GMT +7] A A
Khi mang thai, cơ thể của người phụ nữ có rất nhiều thay đổi để thích ứng với việc mang thai, kèm theo đó là những thay đổi về thể chất, sức khỏe. Để có một thai kỳ khỏe mạnh trong suốt quá trình mang thai, thai phụ cần thực hiện khám thai định kỳ theo dõi sức khỏe của thai nhi, đảm bảo cho em bé có thể ra đời khỏe mạnh.
Khám thai định kỳ có ý nghĩa quan trọng trong suốt quá trình mang thai của người mẹ, giúp cho thai phụ theo dõi được sức khỏe của cả mẹ và bé, đồng thời xử lý kịp thời các bất thường có thể xảy ra.
Theo quy định của Bộ Y tế, thai phụ tối thiểu phải khám thai 4 lần trong quá trình mang thai. Lần khám thứ nhất khi có thai trong 3 tháng đầu; lần khám thứ 2 vào 3 tháng giữa; 2 lần khám tiếp theo vào 3 tháng cuối. Ngoài 4 lần khám kể trên, bà mẹ phải đi khám thêm bất kỳ lúc nào nếu có triệu chứng bất thường, như đau bụng, ra máu, ra nước âm đạo, phù, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt...
Trong các lần khám thai, thai phụ còn có thể cần kiểm tra sức khỏe bằng các xét nghiệm: Công thức máu, sinh hóa máu, miễn dịch (HIV, viêm gan B), nước tiểu, siêu âm, monitoring sản khoa...; theo dõi về cân nặng của mẹ, đo tim mẹ, tim thai, huyếp áp mẹ, bề cao tử cung và vòng bụng để theo dõi sự phát triển và sức khỏe thai nhi.
Bác sĩ Trần Thị Huyền, Trưởng Khoa Phụ sản (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), cho biết: Khám thai định kỳ giúp thai phụ xử lý những bệnh lý có nguy cơ mắc phải trong suốt quá trình mang thai. Do vậy, không chỉ 3 tháng đầu, mà 3 tháng cuối thai kỳ là thời điểm rất quan trọng, bởi giai đoạn này bà mẹ sẽ đối diện với nhiều nguy cơ, như đái tháo đường, tiền sản giật, thiếu ối, nhau tiền đạo, thai tăng trưởng chậm, thai chết lưu... Khám thai định kỳ, bên cạnh nhắc tiêm phòng đầy đủ, thai phụ còn được tư vấn về chế độ dinh dưỡng hợp lý. Trong thời kỳ thai nghén, cơ thể phụ nữ cần rất nhiều thực phẩm chứa protein như thịt nạc, trứng, súp lơ xanh, cá, trái cây, rau củ quả... để giúp thai nhi phát triển, người mẹ luôn khỏe mạnh, giúp bé sinh đúng ngày, đảm bảo trọng lượng thai nhi.
Sống tại xã đảo Vĩnh Thực (TP Móng Cái), điều kiện đi lại không thuận tiện như đất liền, nhưng chị Phạm Thị Gia (thôn 2) không bỏ sót một buổi khám thai định kỳ nào. Chị thực hiện theo đúng sự tư vấn của các cán bộ dân số, y tế xã trong những buổi đi khám thai, vì thế con chị ra đời rất khỏe mạnh. Chị Gia cho biết: "Tôi hiện có 2 con. Khi mang thai, tôi đều thăm khám đúng lịch hẹn của bác sĩ. Bên cạnh đó, tôi thực hiện sàng lọc trước sinh để có một thai kỳ khỏe mạnh. Sau khi sinh, tôi lấy máu gót chân cho cả hai con để sàng lọc, biết được con mình phát triển khỏe mạnh”.
Hiện việc khám thai định kỳ và quản lý thai nghén đã được nhiều chị em quan tâm. Tuy nhiên cũng có một số người chưa nhận biết được đầy đủ quy trình khám thai ở những mốc quan trọng, vì thế rất khó có thể tầm soát được những nguy cơ từ mẹ và bé. Đã có nhiều trường hợp bị lưu thai ở tuần thứ 38, 39 của thai kỳ do không được phát hiện những bất thường kịp thời.
Bác sĩ Huyền cho biết thêm: Khám thai phải thực hiện đúng các bước cơ bản, như hỏi, khám sản khoa, tiêm phòng, xét nghiệm, siêu âm thai... Vì thế, việc khám và quản lý thai nghén trong 3 tháng đầu cần được các thai phụ thực hiện đúng. Đặc biệt là 3 tháng cuối, sản phụ chủ yếu kiểm tra sự phát triển của thai nhi bằng phương pháp siêu âm, nếu không làm đầy đủ các xét nghiệm sàng lọc, chẩn đoán để phát hiện các bệnh lý có nguy cơ mắc phải, có thể dẫn đến sức khỏe thai suy yếu và chết lưu ngay trong bụng mẹ mà không biết.
Để phụ nữ có một thai kỳ khỏe mạnh, đảm bảo lối sống, sinh hoạt lành mạnh và tuân thủ lịch hẹn khám thai là nguyên tắc cơ bản trong suốt quá trình chăm sóc sức khỏe thai nhi nhằm đảm bảo sức khỏe cho cả người mẹ và em bé.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()