Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 26/01/2025 18:23 (GMT +7)
Đề phòng tai nạn điện giật ở trẻ nhỏ
Thứ 5, 05/08/2021 | 09:42:07 [GMT +7] A A
Tai nạn điện giật luôn là hiểm họa đối với mọi gia đình, đặc biệt là với trẻ nhỏ, bởi các em thường hiếu động, tò mò, chưa ý thức được sự nguy hiểm. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể vô tình dẫn đến những tai nạn đáng tiếc, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng của các em.
Nhiều người dân thôn Làng Ngang (xã Quảng An, huyện Đầm Hà) vẫn còn nhớ như in sự việc đau lòng xảy ra ngày 11/3/2019 khiến cháu V.D.P (SN 2015) tử vong. Tối hôm đó, để phục vụ việc đổ sân bê tông trước cửa nhà, anh V.S.S (bố cháu V.D.P) kéo dây điện từ nhà ra sân để thắp sáng, tuy nhiên do người lớn mải làm không để ý, cháu P ra sân chơi đùa, vô tình cầm vào đoạn dây điện hở, bị điện giật dẫn đến tử vong.
Mới đây, khoảng 17h ngày 21/7/2021, cháu T.M.K (SN 2014) trú tại thôn Quan Điền - Khe Thần (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) được bà ngoại phát hiện trong tình trạng nằm sấp đè lên điện thoại đang sạc pin tại phòng ngủ nhà riêng của gia đình, trên người và điện thoại có vết bỏng, cháy. Gia đình đã tiến hành sơ cứu, đưa cháu đi cấp cứu, nhưng cháu K đã tử vong. Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân cháu K tử vong là do bị điện giật khi sử dụng điện thoại đang cắm sạc pin.
Để phòng tránh tai nạn liên quan đến điện giật cho trẻ em, những năm qua các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều hoạt động phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em nói chung, tai nạn điện giật nói riêng, như: Tuyên truyền trong cộng đồng; tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho trẻ tại các trường học... Sở LĐ-TB&XH cung cấp đầy đủ tài liệu về phòng, chống tai nạn thương tích cho các trường học trên địa bàn.
Thực hiện Chương trình bảo vệ và thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em, như: Xây dựng ngôi nhà an toàn cho trẻ; trường học an toàn; cộng đồng an toàn... Trong các mô hình, vai trò của gia đình đã được nhấn mạnh.
Chị Trần Thị Trang (tổ 75, khu 7, phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) cho biết: Qua những vụ tai nạn thương tâm, các bậc phụ huynh cần phải coi đó là bài học về sự chủ quan của mình, nhất là trong việc sử dụng thiết bị điện. Trẻ con vốn tính tò mò hiếu động, ham thích khám phá những điều mới lạ, nên nguy cơ tai nạn xảy ra với trẻ bất cứ lúc nào nếu người lớn trong gia đình không cẩn thận. Mỗi gia đình, mỗi bậc phụ huynh cần tạo môi trường an toàn cho trẻ.
Để phòng tránh tai nạn điện giật, các gia đình có thể chủ động lắp đặt các thiết bị hoặc phụ kiện nhằm ngăn chặn những rủi ro; thiết kế các ổ điện ngoài tầm với của trẻ; không để các dụng cụ điện, dây dẫn điện ngang tầm tay trẻ em; thực hiện việc câu mắc và sử dụng điện một cách an toàn; thường xuyên kiểm tra hệ thống điện, đảm bảo các thiết bị điện an toàn, không bị hở, mát. Đối với trẻ lớn cần dạy cho trẻ kỹ năng phòng ngừa bị điện giật, không được chọc vào các ổ điện, leo trèo cột điện, thả diều nơi có đường điện chạy qua... Các bậc phụ huynh cũng cần học, tìm hiểu cách sơ cứu, xử lý khi bị điện giật, để không bị động khi có tình huống xảy ra.
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()